Nợ xấu là một trong những vấn đề được dư luận và cả nền kinh tế quan tâm nhất hiện nay. Trên các phương tiện thông tin truyền thông, chủ đề về nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng xuất hiện dày đặc. Và cả trong các phát biểu của các quan chức và tại Quốc hội, nợ xấu cũng thường xuyên được nhắc đến trong suốt một thời gian dài.
Để có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề nợ xấu và cô đọng lại những diễn biến trong thời gian qua, mời các nhà đầu tư cùng độc giả đón đọc chuỗi bài viết phản ánh hiện trạng, nguyên nhân của nợ xấu hiện nay; những khó khăn trong việc xử lý vấn đề này và những đề xuất về mô hình quản lý nợ xấu đối với Việt Nam.
Kỳ 4:
Chỉ nên thành lập công ty mua bán nợ xấu với quy mô nhỏ?
Ngay từ đầu năm đề án xử lý nợ xấu đã được đề cập với rất nhiều mô hình khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một một hình nào được chính thức đưa ra. Từ những phân tích tình hình thực tế Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm thế giới tác giả bài viết đề xuất mô hình xử lý nợ xấu cho Việt Nam.
Sau mỗi cuộc khủng hoảng tài chính các quốc gia đều phải xử lý nợ xấu. Trên thế giới, mỗi nước đều có cách làm riêng để xử lý các tài sản rủi ro và nợ xấu. Điển hình như Mỹ đã mạnh tay bơm vốn giải cứu ngân hàng bằng cách mua lại các tài sản độc hại nhưng lại không can thiệp sâu vào điều hành. Trung Quốc thành công nhờ trực diện xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước và kiên quyết không mua nợ của các ngân hàng cổ phần. Trong khi đó, Nhật Bản sẵn sàng cho tự sụp đổ nếu ngân hàng quá yếu kém. Còn tại Thái Lan, Hàn Quốc, IceLand… thì thành lập công ty mua bán nợ (MBN) để mua bán nợ xấu của các ngân hàng.
Việt Nam không thể có ngay một AMC với vốn điều lệ 100,000 tỷ đồng
|
Tại Việt Nam, mô hình xử lý nợ xấu nên theo hướng nào bấy lâu nay vẫn là vấn đề được tranh luận gay gắt và có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Phần lớn các ý kiến cho rằng Việt Nam cần có một công ty quản lý tài sản (AMC - Asset Management Company) để mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Tuy nhiên, quan điểm ngược lại cho rằng Việt Nam không cần một công ty như vậy, chỉ cần DATC (Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp- thuộc Bộ Tài chính) như hiện tại là đủ hoặc để cho ngân hàng tự xử lý nợ. Cho đến nay vẫn chưa có một đề xuất cụ thể, bài bản để xử lý nợ xấu được công bố.
Vào đầu năm này, NHNN nêu ra ý tưởng thành lập AMC có vốn lên đến 100,000 tỷ đồng để mua nợ xấu của ngân hàng. Hiện NHNN vẫn chưa đệ trình đề án này. Mới đây nhất (ngày 18/12/2012), trong cuộc gặp giữa Chính phủ và lãnh đạo TPHCM, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết là NHNN sẽ bơm 100 đến 150 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa “tiết lộ” phương án thực hiện.
Như đã phân tích trong bài Những rào cản trong việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam là rất khó khăn. Do vậy, không nên kỳ vọng một AMC vừa ra đời có thể giải quyết ngay vấn đề nợ xấu của Việt Nam. Để công ty xử lý nợ xấu hoạt động cần phải có rất nhiều điều kiện như phải có nguồn tài chính, có nguồn nhân lực chất lượng, có khung hành lang pháp lý tốt và đặc biệt là phải vượt qua được rào cản từ các nhóm đặc lợi.
Như vậy, Việt Nam không thể có ngay một AMC với vốn điều lệ 100,000 tỷ đồng và xử lý ngay nợ xấu được. Hiện tại, Việc Nam vừa không đủ nguồn lực (nhân sự, tiền), vừa không đủ khung hành lang pháp lý và đặc biệt là vẫn chưa sẵn sàng cho một công ty quy mô lớn như vậy ra đời. Do vậy, giải pháp khả dĩ là thành lập một công ty mua bán nợ xấu với quy mô nhỏ (chẳng hạn chỉ khoảng 5,000 tỷ đồng). Đây có thể là một doanh nghiệp cổ phần với sự góp vốn của Chính phủ, các ngân hàng, các tổ chức tài chính, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Có thể xem đây là một AMC hoạt động như một công ty cổ phần nhưng Chính phủ là cổ đông chính.
Công ty này ngoài vốn tự có thì cần huy động vốn trên thị trường bằng cách phát hành trái phiếu với sự bảo lãnh của Chính phủ cho các tổ chức trong và ngoài nước. AMC này sử dụng vốn tự có và vốn vay mượn tiến hành mua lại nợ của những ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Nợ xấu được AMC mua, sau đó xử lý bằng các cách như thanh lý tài sản thế chấp, bơm vốn hỗ trợ doanh nghiêp hoặc tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có thể chứng khoán hóa và bán các khoản nợ này trên thị trường tài chính hoặc bán lại nợ cho những tổ chức khác.
Tuy nhiên, cần lưu ý AMC này được thành lập ra chủ yếu với tính chất “mồi”. Tức là AMC sẽ tham gia một cách tích cực vào quá trình xử lý nợ xấu trong khoảng thời gian đầu nhằm mục tiêu kích hoạt cho một thị trường mua bán và xử lý nợ xấu hoạt động mạnh hơn. Ban đầu, AMC này sẽ mua lại những khoản nợ của những ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản và những khoản nợ mà ngân hàng không thể tự xử lý được. Những khoản nợ xấu khác các ngân hàng và các công ty tư nhân trong và nước ngoài cùng tham gia xử lý và mua bán nợ xấu.
Đọc thêm:
* Kỳ 1: Nợ xấu Việt Nam: Những con số đầy ma thuật
* Kỳ 2: Tại sao nợ xấu của Việt Nam ở mức cao?
* Kỳ 3: Những rào cản trong việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam
* Kỳ 5: Các bước cần thực hiện để thành lập một AMC
Huỳnh Bá (Vietstock)
FFN
|