Thứ Tư, 19/12/2012 11:00

5 phát ngôn gây “sốc” ngành bất động sản

Giá nhà thu nhập thấp chỉ nên 2 – 4 triệu đồng/m2, cứu bất động sản bằng nhà ở xã hội, đất dự án hoang sẽ cho canh tác, lập “Đội cứu hỏa” bất động sản…là những phát ngôn đáng chú ý của thị trường bất động sản 2012.

“Giá nhà thu nhập thấp chỉ nên 2-4 triệu đồng/m2”

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở, theo Quyết định 167 được tổ chức hồi tháng 7/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Mỗi năm chúng ta thể trích một phần từ tiền sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội, lo cho người dân. Nếu nhà ở nông thôn là một triệu đồng một mét vuông thì nhà ở đô thị khoảng 2-3 triệu đồng mỗi mét vuông có làm được không? Thậm chí 4 triệu đồng mỗi mét vuông, thì mỗi căn hộ rộng 50m2 như vậy có giá khoảng 150-200 triệu đồng”.

Nhà thu nhập thấpi chỉ nên có giá từ 2-4 triệu/m2

Theo Thủ tướng, bên cạnh nhà cho người nghèo, nhà cho người có công với cách mạng, cần đặc biệt quan tâm tới nhà thu nhập thấp ở các đô thị. Thủ tướng yêu cầu đưa ra các cơ chế chính sách để người lao động mua được dưới hình thức trả góp, bởi thực tế những người thu nhập thấp không thể mua căn hộ với giá như hiện nay.

Dự án nhà thu nhập thấp đầu tiên được mở bán tại Hà Nội vào tháng 9/2010, với mức giá gần 9 triệu đồng mỗi mét vuông, diện tích 60-80m2. Nhiều nhà đầu tư sau đó đã tham gia phát triển loại nhà ở này, tuy nhiên gần đây phần lớn đều kêu khó vì thiếu vốn và khó thu lợi nhuận. Trong khi đó, nhà thu nhập thấp từ chỗ chen nhau mua, nay đang vấp phải nỗi lo ế hàng vì giá cao. Hà Nội hiện có trên dưới 10 dự án nhà thu nhập thấp, giá dao động trên dưới 10 triệu mỗi mét vuông.

Đất dự án hoang sẽ cho canh tác

Ngày 25/10 , tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ngành bất động sản khu vực Hà Nội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra những giải pháp được khẳng định là “tạm thời”, “trước mắt” nhằm cứu vãn thị trường BĐS đang tuột dốc không phanh.

Đất dự án hoang cho canh tác để đỡ lãng phí?

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có khoảng 20.000ha đất đã giao cho các dự án nhưng có những dự án vẫn chưa thực hiện được. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lại cho rằng, đây là điều may vì nếu làm rồi thì chắc chắn sẽ rất khó khăn. Bộ trưởng lí giải, nhiều dự án chưa giải phóng mặt bằng, có dự án giải phóng xong rồi nhưng vẫn chưa làm, tức là mới chỉ chớm vào thì sẽ không có nguy cơ lớn.

Với những dự án đã giải phóng mặt bằng, là bất động sản nhà ở, lãnh đạo đứng đầu ngành xây dựng khẳng định, việc bỏ không là lãng phí, cần tiết kiệm đất bằng cách khuyến khích thành đất canh tác hay làm gì đó và đề nghị chính quyền địa phương ủng hộ, khuyến khích doanh nghiệp giao đất trống cho người dân canh tác.

Bộ trưởng Xây dựng: “Dân sông Tranh không phải đi đâu hết”

Cho rằng mức độ rung rắc mạnh của trận động đất 4,7 độ richter sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của người dân, song Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Cơ bản, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn".

Động đất khu vực thủy điện sông Tranh 2 khiến người dân hoang mang trong khi các cơ quan chức năng kết luận thủy điện vẫn an toàn

Trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội tại nghị trường chiều 12/11, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nước ở mực tràn hoàn toàn yên tâm, người dân không phải di dời.

Nêu lại nhiều thông tin về xử lý thấm nước, khả năng chịu động đất của đập... qua sự kiểm tra của các cơ quan tư vấn độc lập, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, dù rung chấn nhỏ hơn 5,5 độ richter nhưng quan điểm của Chính phủ lấy an toàn là nhiệm vụ số một, khi dân chưa yên tâm thì chưa tích nước.

"Nước ở mực tràn thì hoàn toàn yên tâm, người dân cứ ở đó không phải đi đâu hết”.

Nhưng chiều 15/11 một trận động đất mạnh 4,7 độ richte lại một lần nữa khiến thủy điện sông Tranh 2 rung chuyển, Bộ Xây dựng phát đi thông cáo về độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng cùng một số chuyên gia để bàn biện pháp ứng phó.

Bộ Xây dựng đã liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, Viện Vật lý địa cầu, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban quản lý dự án Thủy điện 3, các chuyên gia về địa chất, Tổ công tác Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước của Bộ Xây dựng (đang có mặt tại hiện trường)... để nắm diễn biến tình hình và chỉ đạo những biện pháp ứng phó kịp thời.

Chiều 16/11, Bộ Xây dựng đã cử đoàn công tác gồm chuyên gia đầu ngành của Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa chất đến hiện trường nắm tình hình. Ngày 17/11, Bộ trưởng Xây dựng và tổ chuyên gia của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng có mặt tại khu vực xảy ra động đất để cùng kiểm tra đập thủy điện, khu vực dân cư xung quanh, khu vực tái định cư và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Bộ trưởng Xây dựng chỉ đạo "cấp cứu" ở Sông Tranh. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đại diện các bên tham gia đoàn công tác, sau khi nghe ý kiến các bên liên quan và ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Mặc dù việc chống thấm đập đã xong và Tư vấn độc lập AF-Colenco đã khẳng định đập an toàn như đã nêu trên, nhưng do diễn biến phức tạp về động đất trong thời gian vừa qua tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, để đảm bảo yêu cầu số một là an toàn tuyệt đối cho người dân, HĐNTNN đã chủ động kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép tích nước hồ chứa và phải có đánh giá toàn diện về vấn đề động đất.

Phá “băng địa ốc” bằng nhà ở xã hội

Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong buổi làm việc với TP.Hà Nội cùng một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ngày 13.12, để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường.

Giải cứu bất động sản bằng nhà ở xã hội liệu có khả thi?

Theo Bộ trưởng Dũng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhằm giải quyết một cách cơ bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian qua việc phát triển nhà ở cho đại bộ phận người dân thu nhập thấp ở đô thị còn manh mún, tự phát. Do đó, thời gian tới, chiến lược phát triển nhà ở xã hội sẽ là tổng thể, khoa học. Theo đó, sẽ phân biệt rõ thị trường nhà ở hàng hóa và nhà ở phi hàng hóa. Định rõ 8 nhóm đối tượng cần thiết được ưu tiên: nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, công chức, viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang…

Bộ trưởng Dũng cho rằng thị trường bất động sản hiện nay bị “đóng băng” sau thời kỳ phát triển cao trào, chạy theo nhu cầu ảo. Tín dụng hiện tại liên quan đến bất động sản khoảng 1.500.000 tỷ đồng, nợ xấu ảnh hưởng đến tín dụng, kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, vấn đề tháo gỡ cho thị trường bất động sản đang rất bức thiết, cần làm càng sớm càng tốt.

Nhằm “phá băng” hàng tồn kho, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng, doanh nghiệp (DN) phải cơ cấu lại các dự án đầu tư, gia tăng các loại nhà ở xã hội. Hà Nội và TPHCM cần sớm giải quyết các thủ tục chuyển đổi cơ cấu dự án. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng tín dụng cho vay đối với nhà đầu tư và người mua nhà để ở, nhất là người mua nhà ở xã hội.

Lập “Đội cứu hỏa” bất động sản

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi bản đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về việc hình thành các “Đội cứu hỏa” từ trung ương đến địa phương để nhanh chóng cứu thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa

VAFI cho rằng, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần nắm chắc tình hình cụ thể từng dự án bất động sản. Trong bất kỳ thời điểm nào các cấp lãnh đạo quận, huyện hay tỉnh cũng phải nắm rõ tiến độ từng dự án cần ưu tiên giải quyết.

“Giải pháp này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, địa phương. Khẩn trương giải quyết công việc sẽ là một giải pháp vô cùng quan trọng để vực dậy thị trường bất động sản”, VAFI nhấn mạnh.

Hoàng Anh

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   VinaCapital hiến kế “giải cứu” bất động sản, nợ xấu (19/12/2012)

>   Thị trường căn hộ, nhiều lối thoát từ chính sách (19/12/2012)

>   Sẽ có bản đồ giá đất (18/12/2012)

>   Thêm một khách sạn hạng sang bị rao bán (18/12/2012)

>   Thủ tướng: Bất động sản Tp.HCM sẽ được “giải cứu” (18/12/2012)

>   TPHCM thừa 14 triệu m2 nhà ở (18/12/2012)

>   Nợ xấu bất động sản 28.000 tỷ đồng (18/12/2012)

>   Bất động sản 2012 và 10 dấu ấn (18/12/2012)

>   Hàng tồn bất động sản: Nói vậy, không hẳn vậy! (18/12/2012)

>   Những công trình nổi bật của TP HCM năm 2012 (17/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật