Thứ Ba, 18/12/2012 16:25

Thủ tướng: Bất động sản Tp.HCM sẽ được “giải cứu”

Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản, tăng cường hoạt động sàng lọc, kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính ra khỏi lĩnh vực bất động sản.

* Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Giải pháp tài chính phá băng BĐS sẽ báo cáo Thủ tướng trong vài ngày tới

* Đề xuất "sốc", nhà nước bù lãi suất mua nhà cho dân


Buổi làm việc với UBND Tp.HCM, sáng 18/12 có sự tham dự đầy đủ của Thủ tướng, các phó thủ tướng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan.

Đó là thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ với lãnh đạo UBND Tp.HCM, các bộ, ngành Trung ương và hàng trăm doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, sáng 18/12, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và xử lý nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản.

Hàng chục nghìn tỷ đồng "chôn" trong bất động sản

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín, cho biết, hiện thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, có nhiều dự án tạm dừng, chậm triển khai; nhiều dự án có sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không bán được, hàng tồn kho tăng dẫn đến nợ xấu tăng.

Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp.HCM, lãnh đạo Tp.HCM cho hay, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn khoảng 85.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% trong tổng dư nợ trên địa bàn, trong đó cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản là 66.084 tỷ đồng, cho vay khác (vay mua nhà để ở, mua nhà cho công nhân thuê, xây nhà ở cho người thu nhập thấp…) là 18.916 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản khoảng 4.145 tỷ đồng, chiếm 6,27% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản.

Trên địa bàn Tp.HCM đang tồn kho khoảng 14.490 căn hộ chung cư với giá trị khoảng 24.500 tỷ đồng, đa số căn hộ tồn kho có diện tích lớn (10.039 căn hộ có diện tích 60-90 m2, chiếm tỷ lệ 69,3%; 3.406 căn hộ có diện tích trên 90 m2, chiếm tỷ lệ 23,5%), không phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán hiện tại của người dân.

 Tp.HCM đề nghị Thủ tướng cho phép thành lập ban chỉ đạo cấp quốc gia để nghiên cứu toàn diện, giải quyết vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đối với thị trường bất động sản thành phố.

Đáng chú ý, giá nhà ở hiện vẫn ở mức quá cao so với thu nhập bình quân của đại đa số các tầng lớp dân cư; tình trạng đầu cơ đẩy giá nhà, đất tăng trong những năm trước đây; lãi suất quá cao do phần lớn chủ đầu tư phải vay ngân hàng khoảng 70% tổng mức đầu tư với lãi suất trên 20%/năm trong một thời gian dài từ 2-3 năm;…

Các dự án phát triển nhà ở và khu đô thị mới đã giao tại thành phố hiện nay qúa lớn. Cụ thể, theo chiến lược phát triển nhà ở thì chỉ tiêu phát triển nhà ở đô thị của Tp.HCM đến năm 2020, cần phát triển thêm khoảng 66 triệu m2 nhà ở, trong khi đó diện tích tại các dự án đã giao chủ đầu tư đã lên tới 80 triệu m2.

Với khối lượng lớn đầu tư lớn như vậy trong khi khả năng hấp thụ thấp, dẫn đến các dự án không đủ nguồn lực triển khai, dở dang hoặc chỉ đủ tiền để giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, làm hạ tầng, không đủ tiền xây nhà.

Cơ cấu hàng hoá bất động sản cũng phát triển mất cân đối, các doanh nghiệp chú trọng nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp, diện tích lớn. Trong tổng số khoảng 35.000 căn hộ đã hoàn thành trước năm 2011 tại Tp.HCM thì 37% là căn hộ cao cấp, 38% căn hộ trung bình và 25% căn hộ bình dân. Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở còn thiếu chuyên nghiệp, giao nhà chậm tiến độ; chất lượng nhà bàn giao kém, chưa đúng với cam kết ban đầu; dịch vụ quản lý nhà chung cư chưa chuyên nghiệp; phí quản lý chung cư và phí giữ xe khá cao;… từ đó ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với loại hình nhà chung cư...

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, lãnh đạo Tp.HCM đề nghị Thủ tướng cho phép thành lập ban chỉ đạo cấp quốc gia để nghiên cứu toàn diện, giải quyết vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đối với thị trường bất động sản thành phố.

Cụ thể, lãnh đạo UBND Tp.HCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho người mua nhà ở (hỗ trợ một nửa lãi suất vay thương mại cho người có thu nhập thấp khi mua nhà lần đầu), hỗ trợ doanh nghiệp để giảm giá bán nhà ở; kiến nghị Bộ Tài chính giãn tiến độ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012, sớm hình thành các tổ chức tín dụng phi ngân hàng để phát triển các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản và phát triển các công cụ thị trường...

Sẽ xử lý nợ xấu bất động sản trong quý 1/2013

Có mặt tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng hợp lý tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, nhất là sản phẩm dở dang và có khả năng thanh khoản, từng bước hạ lãi suất về mức bình thường (xấp xỉ 10%/năm).

Đối với các doanh nghiệp vay để đầu tư nhà ở xã hội thì cho phép khoanh nợ đối với các khoản nợ cũ, tiếp tục cho vay và kiểm soát chặt chẽ khoản vay mới; Hình thành gói tín dụng dành riêng cho người mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ, giá bình dân (phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang mua nhà trả góp từ tiền lương, tiền công), trong đó quy định các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng để cho các đối tượng này vay mua nhà ở.

Lãi suất cho vay phải phù hợp và bằng khoảng 2/3 lãi suất huy động tiết kiệm (khoảng 5,6%), phần chênh lệch lãi suất đề nghị Chính phủ hỗ trợ bằng cách cho vay tái cấp vốn bằng khoảng 1/3 dư nợ tín dụng mà ngân hàng thương mại đã cho người dân vay.

 Trong các quý 1 - 2/2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu về bất động sản.

Với giải pháp thực hiện chính sách tài khóa và thuế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cho phép thực hiện miễn, giảm thuế đối với một số loại hình bất động sản. Cụ thể giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội ( đang là 10%, giảm xuống còn 5%) việc giảm này vừa có lợi cho người mua nhà, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán; áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất với thuế suất 10% (hiện nay đang là 25%) đối với thu nhập hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội;

Bộ trưởng cũng kiến nghị giảm 50% thuế VAT đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở đối với những căn hộ dưới 70 m2 sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 sàn sử dụng; gia hạn nộp thuế VAT đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở và gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ bán nhà ở trong 12 tháng; cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán sản phẩm bất động sản...

Trong khi đó, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ vốn và dành ưu tiên số 1 cho các hộ có nhu cầu thực sự về nhà ở. Trong các quý 1 - 2/2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu về bất động sản, đồng thời đề nghị các bộ, ngành hữu quan, các địa phương quan tâm, tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm không để nợ xấu trong lĩnh vực này gia tăng, phát sinh trong thời gian tới.

Kiên quyết loại bỏ doanh nghiệp yếu kém

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản phải làm quyết liệt, đồng bộ; thực hiện tổng thế các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với xử lý nợ xấu, giảm lãi suất, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với Tp.HCM, Thủ tướng yêu cầu trước hết phải xem xét lại công tác quy hoạch, phải có chiến lược, định hướng cụ thể trong công tác quy hoạch và phát triển thị trường bất động sản.

Cùng với đó, thành phố phải rà soát lại các quy định về kinh doanh bất động sản; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở và kinh doanh bất động sản để tăng cường kiểm soát việc phát triển đô thị, bất động sản, nhà ở theo quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như khả năng đáp ứng của nền kinh tế.

 Sau cuộc làm việc với Tp.HCM, trong ngày 19/12, lãnh đạo Chính phủ sẽ tiếp tục có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Tp.HCM tập trung cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thành phố phải cho dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng và không phù hợp quy hoạch, không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản; hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản; tăng cường hoạt động sàng lọc doanh nghiệp, những doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính phải kiên quyết không cho tham gia vào hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản theo hướng cơ cấu lại nợ, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau cuộc làm việc với Tp.HCM, trong ngày 19/12, lãnh đạo Chính phủ sẽ tiếp tục có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, Chính phủ sẽ thảo luận nội dung này trong phiên họp thường kỳ tháng 12/2012 và sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Bảo Anh

tbktvn

Các tin tức khác

>   TPHCM thừa 14 triệu m2 nhà ở (18/12/2012)

>   Nợ xấu bất động sản 28.000 tỷ đồng (18/12/2012)

>   Bất động sản 2012 và 10 dấu ấn (18/12/2012)

>   Hàng tồn bất động sản: Nói vậy, không hẳn vậy! (18/12/2012)

>   Những công trình nổi bật của TP HCM năm 2012 (17/12/2012)

>   Kịch bản bất động sản 2013 (17/12/2012)

>   Giá nhà thu nhập thấp sẽ không quá 11 triệu đồng (17/12/2012)

>   Vực dậy thị trường bất động sản (17/12/2012)

>   Chủ tịch BIDV: “Để bất động sản chết lâm sàng thì làm sao cứu nổi” (17/12/2012)

>   Mua nhà thương mại làm nhà tái định cư: “Phải chào giá, đấu giá công khai” (17/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật