Vẫn còn rủi ro lạm phát lương thực!
Chính phủ nên đặt mục tiêu giữ con số lạm phát dưới 5%. Lạm phát 2013 còn cao nữa?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,47% so với tháng 10. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số CPI giảm so với tháng 9. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, CPI tháng 11 lại thấp hơn tháng 10. Những con số này nói lên điều gì?
Giá lương thực thế giới đang lên
. Phóng viên: CPI tháng 11 được coi là hạ nhiệt so với tháng 10 và nhất là so với tháng 9 trước đó. Điều này có khiến chúng ta yên tâm hơn?
+ TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu quỹ Dragon Capital (ảnh): Các con số trên phản ánh những biến động của các loại hàng hóa cấu thành nên chỉ số CPI. Sự biến động theo nhiều chiều hướng khác nhau của các loại hàng hóa sẽ dẫn đến kết luận về mức lạm phát của nền kinh tế.
Có thể nói, lạm phát những tháng vừa qua phần lớn do tác động của giá thuốc và dịch vụ y tế. Lạm phát không phải do lực cầu tăng bởi sức mua quá thấp, càng không thể do chính sách tiền tệ khi tăng trưởng tín dụng đang rất thấp. Việc tăng trưởng tín dụng thấp trong khi tăng trưởng cung tiền tương đối khá cho thấy nền kinh tế đang vướng vào một dạng bẫy thanh khoản. Nói cách khác, hiện tại các doanh nghiệp không hấp thụ được vốn.
Nhìn từ khía cạnh nhập khẩu, giá bắp, lúa mạch… thế giới đã lên rất cao vào tháng 7, tháng 8 vừa qua nhưng gần như chưa thấy dấu hiệu lạm phát lương thực, thực phẩm tại Việt Nam. Rõ ràng rủi ro về lạm phát thực phẩm vẫn đang tiềm ẩn.
Cần lưu ý là năm 2011, chỉ số lạm phát lương thực ở Việt Nam vào khoảng 26,5% trong khi ở các nước mới nổi - kể cả nước phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm cũng chỉ 4%-9%. Do đó, với việc giá thế giới đã lên cao thì trong thời gian tới không thể không cẩn trọng với mặt hàng lương thực, thực phẩm.
. Cả ba tháng gần đây, CPI cả nước tăng đều do giá thuốc và dịch vụ y tế. Ông nhận định thế nào về tình hình này?
+ Việc tăng viện phí, dịch vụ y tế tất phải có lý do cùng ngân sách đang hạn hẹp. Tuy nhiên, những lợi ích từ việc tăng viện phí có lẽ không đủ để bù cho lạm phát mà còn làm khó cho chính sách tiền tệ, lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế…
Một điểm cần chú ý là khoảng 60% dân số có bảo hiểm y tế, việc tăng viện phí, dịch vụ y tế sẽ được bảo hiểm trả phần lớn, khoảng 80% chứ người dân không phải trả 100% mức tăng. Việc này tôi hy vọng là đã được tính toán hợp lý.
Lạm phát phải dưới 5%
. Hồi đầu năm ông nhận định lạm phát sẽ giảm vào cuối năm. Đến thời điểm này, khi mục tiêu kiềm chế lạm phát về một con số đã khả thi thì ông còn băn khoăn điều gì không?
+ Theo tôi, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ khá thành công. Trong đó việc giảm lãi suất quyết liệt trong giai đoạn sáu tháng đầu năm rất chuẩn. Tuy nhiên, mức lạm phát 7%-8% đã đặt họ vào thế khó hơn bởi lẽ không thể coi con số này là thấp được trong điều kiện kinh tế đang yếu.
Tôi cho rằng đối với tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại, mức lạm phát dưới 5% là phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tái cấu trúc và chính sách tiền tệ. Vấn đề là khi đặt mục tiêu lạm phát ở mức nào thì chính sách của các bộ, ban ngành sẽ chỉ quanh quẩn ở con số đó, trong khi chúng ta có thể làm tốt hơn. Ví như năm 2012, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát ở mức 5%, thậm chí tốt hơn để tạo dư địa cho các chính sách vĩ mô khác…
. Mới đây Quốc hội đã nhất trí với Chính phủ, ngoài việc kiềm chế lạm phát thấp hơn còn đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ông, hai lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước nên tiếp tục là trọng tâm?
+ Từ năm 1986 đến nay, chúng ta đã trải qua ba lần tái cơ cấu nền kinh tế. Năm 1986, việc tái cấu trúc nền kinh tế tập trung vào nông nghiệp. Năm 1999, tái cấu trúc tập trung vào luật doanh nghiệp. Và lần thứ ba này, mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế tập trung vào lĩnh vực tài chính và doanh nghiệp nhà nước.
Đối với vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế lần này, chúng ta tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng cũng như việc xử lý nợ xấu. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì hoạt động tái cấu trúc không thể mang lại nhiều hiệu quả cho sự phát triển kinh tế về trung và dài hạn.
. Xin cảm ơn ông.
Lạm phát 2013 còn cao nữa?
Sau biến động năm 2011, các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng đã giúp Việt Nam dần ổn định trong năm 2012. Việc này được phản ánh qua lạm phát thấp, thâm hụt thương mại hằng tháng nhỏ và tiền đồng ổn định. Dự đoán năm 2013, chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung bình ổn kinh tế hơn là theo đuổi tăng trưởng.
Tuy nhiên, mức lạm phát thấp bất thường và thâm hụt thương mại giảm như hiện tại không bền vững. Vì vậy, năm 2013, lạm phát sẽ tăng lên và thâm hụt sẽ được nới rộng. Cụ thể, CPI nửa đầu năm 2013 sẽ tăng 12% và cả năm là 9,7%. Thâm hụt thương mại sẽ vào khoảng 2% GDP.
Giải pháp trọng tâm mà chính phủ Việt Nam cần hướng tới là tái cấu trúc ngân hàng.
Theo báo cáo ngày 23-11-2012 của Ngân hàng JP Morgan
|
Mai Phương
pháp luật tphcm
|