Diễn biến CPI tháng 11: Hiếm gặp kể từ năm 1999
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2012 tăng 0,47% so với tháng 10 năm 2012, tăng 6,52% so với tháng 12 năm trước và tăng 7,08% so với cùng tháng năm trước.
Biểu đồ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các tháng so với cùng kỳ năm 2011 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
|
Như vậy, bình quân 11 tháng năm 2012, CPI đã tăng 9,43% so với bình quân 11 tháng năm 2011.
Xét trong các so sánh ngắn hạn với tháng trước, tốc độ tăng của tháng 11 giảm gần bằng một nửa so với tốc độ tăng của tháng 10 là một sự đột biến, hiếm gặp trong dãy số liệu từ năm 1999 trở lại đây, bởi thường mức tăng của tháng 11 luôn cao hơn mức tăng của tháng 10.
Sự đột biến này càng gây bất ngờ bởi trước đó, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp.HCM đều công bố CPI tăng thấp, chỉ ở các mức 0,22% và 0,1%.
So sánh chi tiết mức tăng của tháng 11 và tháng 10 có thể thấy các nhóm hàng chủ yếu có mức tăng khá giống nhau, sự khác biệt tạo nên sự đột biến trên phần lớn nằm ở nhóm giáo dục khi chỉ số giá nhóm hàng này tháng 10 tăng 1,88% trong khi tháng 11 chỉ tăng 0,13%. Giáo dục cũng là một trong những nhóm hàng tạo nên sự khác biệt của chỉ số giá năm nay trong thời gian qua.
Theo dõi số liệu CPI cả nước của các tháng gần đây, bắt đầu từ tháng 7, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế là nhân tố quan trọng đẩy chỉ số chung cả nước tăng tốc.
Xét riêng tháng 11 này, với quyền số là 5,6%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế đóng góp 0,29%, chiếm hơn 60% vào mức tăng của chỉ số chung cả nước. Còn xét chung cũng từ tháng 7/2012, nhóm hàng quan trọng liên quan đến sức khỏe của cộng đồng đã chiếm tới 50% mức tăng của chỉ số chung.
Một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê được VnEconomy tham vấn cho hay, phần đóng góp của nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế vào chỉ số chung được hiểu là một hộ gia đình đảm bảo đời sống của họ diễn ra bình thường như hồi tháng 6 thì đến tháng 11 này, họ phải chi thêm 4 đồng, trong đó có 2 đồng dành cho việc chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh của các thành viên trong gia đình.
Trở lại với diễn biến giá cả trong tháng, ngoài mức tăng 0,29% do các mặt hàng thuộc nhóm thuốc và dịch vụ y tế, phần còn lại là cộng hưởng của 10 nhóm hàng chính trong đó có 2 nhóm giảm và 8 nhóm tăng so với tháng trước.
Mức giảm đáng chú ý thuộc về nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi ghi nhận giảm gần 0,1% so với tháng trước. Nguyên nhân giảm của nhóm này là do các mặt hàng thực phẩm, chiếm tỷ trọng lớn, đã giảm 0,21%.
Các mặt hàng khác còn lại biến động nhẹ với mức dao động tương đương mức dao động của tháng trước.
Trong tháng, hai mặt hàng không được tính vào CPI là vàng và đô la Mỹ cùng giảm ở các mức tương ứng 1,98% và 0,11%.
Trần Minh
tbktvn
|