Thứ Hai, 26/11/2012 16:45

Nhà đầu tư Nhật vẫn tìm cơ hội ở Việt Nam

Dù nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư Nhật Bản săn đón.

Skirr Japan Co.Ltd, một công ty chuyên về tư vấn đầu tư, tư vấn M&A, e-commerce, cung cấp những phân tích trong ngành tài chính cho các tạp chí và các tổ chức đầu tư, đang trong quá trình thương thảo để trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT). ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Shogo Kakazu, Giám đốc Skirr Japan.

ông Shogo Kakazu, Giám đốc Skirr Japan

Ông đánh giá ngành nào của Việt Nam có triển vọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài?

Năm nay, ngành du lịch khách sạn gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi cho là kinh doanh khách sạn vẫn có cơ hội nhất định, đó là các khách sạn 2, 3 sao nhắm tới giới trung lưu, những người hay phải đi công tác.

Khi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu thị trường này vào đầu năm 2010, thì tại Nhật Bản, một số tập đoàn chuyên kinh doanh khách sạn như APA Group, Tokyo Inn đều có doanh thu hơn 500 triệu USD mỗi năm và sang năm 2011, con số này đã tăng lên thành 700 triệu USD. Ở thị trường Trung Quốc cũng vậy, thậm chí Heyi Group, một tập đoàn kinh doanh khách sạn đã sở hữu hệ thống hơn 2.000 khách sạn. Một báo cáo của Mizuho cho thấy, ngành du lịch khách sạn ở các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản chiếm khoảng 20 - 25% GDP, nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này mới chiếm có 3,5%, trong khi Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu từ năm 2012 - 2020 tăng từ 3,5% lên 13,1% và ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,9% mỗi năm. Có thể thấy, còn nhiều dư địa cho thị trường này phát triển.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh doanh khách sạn tại thời điểm này có thực sự đáng khuyến nghị?

Nền kinh tế Việt Nam không đến nỗi quá khó khăn. Hiện tại, ít nhất với Công ty chúng tôi vẫn đang tăng trưởng, doanh thu tăng lên, có lợi nhuận. Sau 1 năm đầu tư, Skirr Japan kinh doanh 6 khách sạn quanh khu vực chợ Bến Thành (quận 1, TP. HCM) và đem lại doanh thu 1,5 triệu USD.

Được biết, Skirr Japan mong muốn trở thành đối tác chiến lược của STT. Trong tình hình STT đang lỗ trong năm 2012, ông nhìn thấy công ty này có triển vọng gì? Giả sử Skirr Japan trở thành nhân tố mới trong bộ máy lãnh đạo STT, thì bên cạnh vốn, Công ty còn hỗ trợ gì cho STT?

Chúng tôi đang hợp tác với Công ty kiểm toán Mazarz (Pháp) và Hãng luật J&P (Hàn Quốc) để thẩm định tình trạng tài chính, thuế và pháp lý của STT. Về cơ bản, STT đang nợ ngân hàng xấp xỉ 9 tỷ đồng, với lãi suất 15%/năm; có khoảng 650 nhân sự, với quỹ lương 20 tỷ đồng mỗi năm. STT không lỗ nhiều, lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 lỗ khoảng 500 triệu đồng. Việc STT đầu tư 100 xe taxi trong năm 2009 đã chiếm tới 44 tỷ đồng trong số 80 tỷ đồng vốn điều lệ. Điều mà STT thiếu nhất là vốn và tăng cường công tác quản trị. STT và Skirr Japan có thể kết hợp với nhau hướng tới việc cung cấp dịch vụ trọn gói trong lĩnh vực du lịch với tiêu chuẩn thế giới tại Việt Nam. Ngoài ra, STT có giấy phép kinh doanh nhiều lĩnh vực, qua đó chúng tôi có thể mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Sau khi trở thành cổ đông chiến lược, chúng tôi sẽ xây dựng lại các hoạt động hiện có của STT, thanh toán các khoản vay ngân hàng, thành lập công ty mới về bất động sản và khách sạn… Chúng tôi hy vọng sẽ giúp STT có doanh thu 12 triệu USD, lợi nhuận 700.000 USD trong năm 2013; riêng đối với lĩnh vực khách sạn, du lịch và xuất khẩu lao động, doanh thu và lợi nhuận của 3 lĩnh vực này sẽ gấp đôi trong năm tiếp theo, chưa kể lợi nhuận trong các lĩnh vực khác. Ngoài ra, khi thị trường hồi phục, mục tiêu niêm yết trên TTCK Hồng Kông rất có triển vọng.

Việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá ở Việt Nam chưa có tiền lệ. Ở Nhật Bản, quy định về giá phát hành thêm ra sao?

Tại Nhật Bản, việc lựa chọn giá nào để phát hành thêm tùy thuộc vào quyết định của HĐQT và Đại hội đồng cổ đông, nhưng tập quán của các thị trường phát triển thường tính theo giá trên sàn giao dịch và dao động trong biên độ 20 - 30%. Tôi nghĩ, thị trường Việt Nam cũng nên cân nhắc tỷ lệ này cho các trường hợp phát hành thêm.

Hà Minh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   JPMorgan Chase: Lãi suất VN còn “bất động” trong năm 2013 (26/11/2012)

>   Để có một nền kinh tế thông minh và điềm đạm (26/11/2012)

>   Chuyên gia dự báo kinh tế năm 2013 sẽ sáng sủa hơn (26/11/2012)

>   Diễn biến CPI tháng 11: Hiếm gặp kể từ năm 1999 (24/11/2012)

>   Xuất siêu khoảng 14 triệu USD trong 11 tháng (23/11/2012)

>   Singapore dẫn đầu vốn FDI tại TP.HCM (23/11/2012)

>   Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng ODA hỗ trợ cho Việt Nam (21/11/2012)

>   CPI tại Hà Nội có tháng 11 tăng thấp nhất kể từ 2007 (21/11/2012)

>   CPI TPHCM tiếp tục giảm tốc (20/11/2012)

>   Đăng ký thất nghiệp tiếp tục tăng cao (19/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật