Thứ Ba, 27/11/2012 13:59

Vai trò của các nước BRICS trong bối cảnh suy thoái toàn cầu

Theo đánh giá cập nhật của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới cuối năm 2012 và những năm sau vẫn tiếp tục ảm đạm.

Trong đó, khủng hoảng nợ tại khu vực euro là thách thức lớn đối với kinh tế toàn cầu và khu vực này có thể suy thoái trở lại,kinh tế Mỹ phục hồi chậm do thâm hụt tài chính quá cao, thị trường lao động chuyển biến chậm chạp. Kinh tế Mỹ dự báo chỉ tăng 1,5% trong năm nay, trước khi tăng 2,75% vào năm 2013. Điều này tác động đến tâm lý thị trường và các nhà đầu tư, dẫn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng giảm dần, từ 5,3% năm 2010 xuống 3,9% năm 2011 và 3,5% năm 2012; tăng trưởng của các nước công nghiệp phát triển giảm từ 3,2% năm 2010 xuống 1,6% năm 2011 và 1,4% năm 2012, riêng GDP tại khu vực euro chỉ tăng 0,4% trong năm nay.

Mặc dù vẫn tăng nhanh hơn các nền kinh tế phát triển, song triển vọng của các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng khiêm tốn do tăng trưởng chậm chạp tại các nước phát triển đã ảnh hưởng xấu đến chu chuyển vốn và thương mại toàn cầu trong khi nhu cầu trong nước yếu ớt. Tăng trưởng GDP của các nước BRICS dự báo chỉ tăng trung bình 5% năm 2012, trước khi tăng lên 5,5% năm 2013 và 5,75% năm 2014.

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, các nước BRICS không thể tránh khỏi khó khăn, nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, trái với kỳ vọng trước đây là các nước BRICS sẽ có tác động tích cực trong việc vực dậy kinh tế toàn cầu.

Đầu tiên phải kể đến Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong suốt 3 thập kỷ qua và GDP của quốc gia này có thể vượt GDP của Mỹ vào năm 2017, nhưng đà tăng trưởng này bắt đầu chững lại do sự phụ thuộc quá mức vào công nghiệp xuất khẩu trong khi nhu cầu thế giới về hàng hóa Trung Quốc giảm sút vì nhiều lý do khác nhau và nhu cầu trong nước tăng quá chậm. Tốc độ tăng trưởng chậm dần cho thấy, thời kỳ tăng trưởng mở rộng đang đến hồi kết, và từ năm 2015, Trung Quốc bước vào giai đoạn “dân số già” lại quá đông dân, nên quốc gia này sẽ mất dần lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ vốn đang là động lực tăng trưởng hiện nay.

Nợ nước ngoài của Trung Quốc theo báo cáo là chiếm khoảng 20% GDP, nhưng nếu cộng các khoản nợ của các thành phố và chính quyền địa phương thì vượt quá 90% GDP. Đây là những yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi sang một nước có thu nhập trung bình, chưa nói là có thể duy trì đà tăng trưởng cao để có thể nhảy sang nhóm quốc gia có thu nhập cao.

Trong khi hầu hết các nước phát triển đều tăng trưởng âm và những nước còn lại trên thế giới cũng chỉ đạt mức tăng trưởng thấp, tăng trưởng cao tại Trung Quốc không phải là dấu hiệu tích cực, thậm chí có hại cho Trung Quốc mà nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ mô hình kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu, chủ yếu sang các nước phát triển. Nhu cầu sụt giảm tại các nước phát triển đã làm chao đảo hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng “người khổng lồ” này vẫn phải thúc đẩy tăng trưởng để ổn định tình hình xã hội trong nước đồng thời phải “bán tháo” hàng hóa ra nước ngoài. Từ giác độ này, hiệu quả kinh tế là rất thấp.

Tại Ấn Độ, kinh tế của quốc gia này bắt đầu giảm tốc từ 5,8% trong năm tài khóa 2011-2012 xuống 5,3% trong năm tài khóa 2012-2013, trước khi có thể tăng lên khoảng 6,5% trong năm tài khóa tiếp theo, trong khi Ấn Độ cần đạt mức tăng trưởng hai con số mới có hy vọng xóa bỏ tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng trong xã hội.

Do thâm hụt ngân sách và phần các chỉ số tài chính khá lành mạnh, dân số trẻ tuổi chiếm tỉ lệ khá cao, việc khởi động lại nền kinh tế theo hướng nới lỏng tiền tệ và cải thiện môi trường đầu tư có thể giúp Ấn Độ duy trì đà tăng trưởng khá cao trong tương lai. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất và mang tính dài hạn bắt nguồn từ vấn đề nhân khẩu học tại một quốc gia trên 1,2 tỉ dân với nhiều hủ tục lạc hậu và xung đột tôn giáo triền miên.

Ba nước còn lại là CHLB Nga, Brazil, CH Nam Phi, nhưng qui mô kinh tế nhỏ và năng lực cạnh tranh còn thấp, nên không tác động nhiều đến thương mại và đầu tư toàn cầu.

Kinh tế Nga tăng chậm dần từ 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2012 xuống 2,8% trong quí 3 vừa qua, và chỉ tăng 3,5% trong năm nay, thấp hơn dự báo đưa ra trước đó là 3,8%. Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới gần đây, CHLB Nga sẽ có nhiều cơ hội để phát huy nền tảng của một nước công nghiệp truyền thống và kinh tế sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Kinh tế Brazil bắt đầu mất động lượng từ năm 2011 với GDP chỉ tăng 2,7%, giảm mạnh từ 7,5% trong năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2012, GDP của Brazil chỉ tăng 0,6%, mức thấp nhất trong khối BRICS. Cuối tháng 9/2012, NHTW Brazil đã phải hạ dự báo tăng trưởng năm 2012 của nền kinh tế thứ 7 thế giới này xuống 1,6%, thấp hơn dự báo đưa ra trước đây là 2,5%.

Tăng trưởng GDP của CH Nam Phi suy giảm từ 3,1% năm 2011 xuống 2,7% trong năm nay, thấp hơn dự báo trước đó là 3,4%. Kinh tế của quốc gia này có thể tăng 3,6% trong năm 2013 và 4,2% trong năm 2014, nhưng vẫn thấp hơn yêu cầu tối thiểu trên 7% để có thể giảm tỉ lệ thất nghiệp 24% hiện nay, trong đó 40% thanh niên dưới 24 tuổi chưa tìm được việc làm, khoảng 1/3 lao động có việc làm chỉ kiếm được dưới 2 USD/ngày.

Nhìn chung, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, tăng trưởng kinh tế tại các nước BRICS cũng thụt lùi và vẫn phụ thuộc đáng kể vào các nước công nghiệp phát triển, không thể hỗ trợ được nhiều cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Quang Hải

SBV

Các tin tức khác

>   Kinh tế Italy có thể bắt đầu phục hồi vào giữa 2013 (27/11/2012)

>   Người dân Đức kiểm tra kho vàng quốc gia (27/11/2012)

>   NHTW Anh bất ngờ bổ nhiệm người Canada vào vị trí Thống đốc (27/11/2012)

>   Eurogroup - ECB - IMF đạt thỏa thuận bước ngoặt về nợ công Hy Lạp (27/11/2012)

>   Thủ tướng Anh kêu gọi "chiến đấu" vực dậy kinh tế (26/11/2012)

>   Những nguy cơ đe dọa đà phục hồi kinh tế Canada (26/11/2012)

>   Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,4% trong quý IV (26/11/2012)

>   Eurozone đang ở rất gần thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp (26/11/2012)

>   Đức lạc quan về vấn đề ổn định mức nợ của Hy Lạp (25/11/2012)

>   Kinh tế Canada: tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức 1,2% (25/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật