Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi:
Tiếp tục tranh luận thời điểm áp dụng
“Nếu áp dụng từ ngày 1-1-2013, nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ giảm đi 5.200 tỉ đồng. Và nếu kéo dài thời hạn miễn, giảm thuế hiện đang áp dụng sang tới 1-7-2013, sẽ mất thêm khoảng 4.000-5.000 tỉ đồng nữa. Vì thế, xin Quốc hội cho ghi vào luật thời điểm áp dụng từ ngày 1-7-2013”.
Vợ chồng anh Tạ Quang Hà (27 tuổi, Hà Nội) đưa con đi khám chữa bệnh. Lương của anh mỗi tháng là 6,5 triệu đồng, nếu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN được áp dụng sớm thì anh Hà sẽ có điều kiện tốt hơn để chăm sóc gia đình
|
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “chốt” như trên khi kết thúc phiên thảo luận tại hội trường sáng 15-11 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo dự luật sửa đổi bổ sung, mức giảm trừ cho người đóng thuế được nâng từ 4 triệu đồng/người/tháng hiện nay lên 9 triệu đồng/người/tháng, và mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Cuộc sống đang bức xúc
Trước đó, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã bày tỏ chính kiến khác nhau về thời điểm áp dụng luật sửa đổi. ĐB Trần Du Lịch(TP.HCM) nói: “Nếu áp dụng từ 1-1-2013 sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Nhưng xin thưa với Quốc hội, cuộc sống đang rất bức xúc, mong muốn luật này áp dụng từ 1-1-2013. Tôi nghiêng về phương án này”.
"Nếu áp dụng từ ngày 1-1-2013 sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Nhưng xin thưa với Quốc hội, cuộc sống đang rất bức xúc, mong muốn luật này áp dụng từ 1-1-2013"
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM)
|
Nhưng ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) lại ủng hộ phương án áp dụng từ 1-7-2013, nhằm đảm bảo thời gian cần thiết để triển khai công tác chuẩn bị, các hướng dẫn thi hành luật này.
Tranh luận với ý kiến cho rằng cần có thời gian cho công tác chuẩn bị, hướng dẫn các quy định mới, ĐB Chu Đức Quang (Lạng Sơn) nói các văn bản hướng dẫn luật thuế đã có, số người đã có mã số thuế cá nhân và thực hiện về Luật thuế TNCN tương đối nhiều, nên việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này cần quy định có hiệu lực ngay.
ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) dẫn lời của một cử tri có thu nhập gia đình 16 triệu đồng/tháng, đang nuôi dưỡng cha mẹ già và hai con nhỏ được gửi đến Quốc hội. Bức thư viết: “Trong bối cảnh người dân đang gặp khó, thiết nghĩ Quốc hội cần chia sẻ bằng cách sớm điều chỉnh Luật thuế thu nhập cá nhân”. ĐB Hải đề nghị Luật bổ sung, sửa đổi Luật thuế TNCN nên áp dụng từ 1-1-2013 để có thể sớm mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Chưa công bằng
ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) nói kiểm soát các khoản thu nhập rất yếu và không hết. Nhiều khoản thu nhập không được đưa vào tính thuế... “Tôi đề nghị cần có những biện pháp quản lý, kiểm tra một cách hiệu quả đối với các khoản TNCN của những người có thu nhập” - ĐB Kiêm kiến nghị. Các ý kiến đồng tình cho rằng nếu không kiểm soát được các khoản thu nhập để tính thuế sẽ không đảm bảo công bằng.
ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) dẫn chứng qua thống kê có 3,2 triệu hộ nộp thuế theo diện kinh doanh, nhưng chỉ 194.000 hộ nộp thuế TNCN. Theo ông, điều này không phản ánh đúng thực trạng hiện nay trong sản xuất, kinh doanh. Nếu rà soát lại, không thực hiện chế độ khoán như hiện nay mà tính thuế theo thu nhập, “tôi tin chắc rằng năm sau sẽ thu được một khoản tương đối lớn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh” - ĐB Thường nhấn mạnh.
Phân tích của ĐB Trần Du Lịch cho thấy chỉ thu thuế TNCN đối với những người làm công ăn lương, những người có thu nhập không thể trốn được. Còn thu nhập tự do và các loại thu nhập khác thì không kiểm soát được, tạo bức xúc, bất công.
Ông Thường lưu ý trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có những ông chủ một năm thu nhập không phải là một vài trăm triệu, mà là hàng tỉ đồng, thậm chí nhiều tỉ trong khi họ không phải nộp một đồng thuế nào. “Đây là một bất hợp lý. Tôi đề nghị nếu có thể được thì ngay trong kỳ họp này chúng ta nên điều chỉnh nội dung này cho phù hợp” - ông Thường kiến nghị.
Cái gì dân cũng phải chi
Theo ĐB Trần Du Lịch, kinh tế nước ta có tăng nhưng lạm phát cao ngay thời điểm áp dụng thuế. Còn phúc lợi công cộng lại đang đẩy mạnh xã hội hóa, từ nhà trẻ, mẫu giáo, y tế... tất cả phải đóng tiền hết. Người dân dùng TNCN để chi hết cho các loại này, phúc lợi công cộng không tăng lên được. “Chính vì vậy, chúng ta phải nói thẳng với nhau rằng luật sửa lần này dù lấy tên là thuế TNCN nhưng thực chất là nâng từ pháp lệnh thuế thu nhập của người thu nhập cao”.
ĐB Trần Thanh Hải cho rằng Nhà nước đang thực hiện rất nhiều chính sách phụ cấp đối với người lao động, trong đó có một số chính sách phụ cấp đã được miễn trừ khi tính thuế TNCN. Tuy nhiên, với một số chính sách khác, nếu tiếp tục bị tính thuế thì thật sự đau lòng. Ông dẫn chứng Nhà nước thực hiện các chính sách trợ cấp một lần đối với người hưu trí nhằm tạo cơ hội cho họ chuẩn bị có một cuộc sống trong tương lai. Nhưng nếu như tất cả những người đó phải đóng thuế một phần thu nhập thì chưa biết tương lai của họ sau đó sẽ ra sao.
Ông Hải kiến nghị tiếp tục rà soát, quy định miễn trừ thuế đối với một số khoản thu nhập. Cũng cần bổ sung vào quy định về thu nhập được miễn thuế đối với các trường hợp bản thân người nuôi dưỡng bị bệnh hiểm nghèo để họ có thêm kinh phí điều trị bệnh. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận các ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng những khoản phụ cấp, trợ cấp không đưa vào diện chịu thuế TNCN, đồng thời bổ sung những quy định miễn, giảm thuế cho một số người.
Quốc Thanh
tuổi trẻ
|