Kiến nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ thuế
Buổi đối thoại lần thứ 101 giữa lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM với doanh nghiệp cuối tuần qua không thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia như những lần trước, nhưng lại được đánh giá là buổi đối thoại thành công nhất từ trước đến nay, bởi ngay sau buổi đối thoại, khó khăn của doanh nghiệp đã được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Chí Nguyện, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết, khi biết tin có buổi đối thoại, một doanh nghiệp trong Hội đã gửi cho ông một bản báo cáo, trong đó nêu rõ doanh nghiệp này đang nợ đọng thuế.
Điều đáng nói là, doanh nghiệp này ký được đơn hàng với những siêu thị, hệ thống bán lẻ, song do liên tiếp hai đơn hàng không thực hiện và không có hóa đơn khi xuất hàng, nên hợp đồng xem như bị hủy. Hiện doanh nghiệp này đang đứng giữa hai con đường. Một là, bị mất đơn hàng, phá sản, giải thể. Hai là, làm liều tự khui hóa đơn đã bị niêm phong ra sử dụng. Cuối cùng, họ chọn cách thứ hai và ông Nguyện đã đề nghị lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp này.
Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, bà Trần Thị Lệ Nga cho biết, theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp trên không đủ tiền nộp thuế, sẽ bị áp dụng biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn.
“Theo tôi, nếu khi áp dụng biện pháp này mà doanh nghiệp đang có đơn hàng, có doanh thu, doanh nghiệp không nên tự khui niêm phong hóa đơn ra để sử dụng. Doanh nghiệp nên đến cơ quan thuế trình bày khó khăn và nêu rõ là doanh nghiệp đang có đơn hàng, có doanh thu, qua đó, có tiền nộp thuế, thì cơ quan thuế sẽ tháo gỡ việc niêm phong hóa đơn (tháo gỡ hợp pháp) để doanh nghiệp có hóa đơn sử dụng”, bà Trần Thị Lệ Nga khuyến cáo và cho biết, với những trường hợp tương tự như trên, doanh nghiệp nên liên hệ ngay với cơ quan thuế, để được tháo gỡ trên tinh thần tuân thủ pháp luật.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Liên Thành cho biết, theo quy định thang bảng lương của Nhà nước, Liên Thành được xếp doanh nghiệp nhóm 1, nên không những không được giảm thuế, mà phải nộp thuế đúng hạn. Doanh nghiệp không có tiền đóng thuế, ngân hàng không cho vay vốn, trong khi doanh nghiệp phải “tiền trao, cháo múc” cho người bán cá, mới có nguyên liệu chế biến nước mắm. Do đó, doanh nghiệp đề nghị Cục Thuế TP.HCM xem xét được chậm nộp thuế.
Về vấn đề này, bà Nga cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đối tượng hỗ trợ chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số ngành. Vì vậy, doanh nghiệp dạng đặc biệt, hay doanh nghiệp nhóm 1, dù sử dụng nhiều lao động, vẫn không nằm trong diện được gia hạn thuế.
“Cục Thuế TP.HCM đang kiến nghị Thành phố, để làm sao trong những lần hỗ trợ tới, Chính phủ và các bộ có chủ trương hỗ trợ cho doanh nghiệp nhóm 1 và cả những doanh nghiệp không thuộc đối tượng nhỏ và vừa”, bà Nga cho biết thêm.
T.Vũ
đầu tư
|