Thêm nhiều công ty chứng khoán thu hẹp kinh doanh
Không vi phạm các quy định của Ủy ban chứng khoán về tỷ lệ an toàn tài chính nhưng một số công ty chứng khoán đã tự rút bớt các nghiệp vụ để có thể tồn tại.
Chứng khoán Đông Dương ( DDS) đã chủ động rút nghiệp vụ môi giới vào tháng 7 vừa qua. Hiện tại DDS không còn sàn giao dịch mà chỉ hoạt động như một công ty tư vấn.
|
Gần đây nhất, công ty chứng khoán Sao Việt (SVS) đã đề nghị được rút bớt nghiệp vụ môi giới. Cụ thể, Hội đồng quản trị SVS đã thông qua việc rút nghiệp vụ kinh doanh môi giới chứng khoán, tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên tại hai sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Công ty dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tuần cuối cùng của tháng 11 để xem xét về vấn đề này.
Trước đó, Công ty chứng khoán Âu Việt cũng đã thông báo để nhà đầu tư chuyển tài khoản sang các công ty chứng khoán khác vì công ty đã xin rút nghiệp vụ môi giới và chấm dứt tư cách thành viên tại các sở giao dịch.
Ngoài môi giới, một số công ty chứng khoán khác cũng xin rút các nghiệp vụ khác như Công ty Chứng khoán SaigonBank Berjaya đã thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để rút bớt nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán. Như vậy, SBBS hiện chỉ còn 2 dịch vụ chính là môi giới và tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Trong tuần qua, Công ty chứng khoán Viễn Đông (VDSE) cũng đã thông báo rút nghiệp vụ tự doanh chứng khoán từ ngày 19-11. VDSE lỗ lũy kế đến hết tháng 9 là 27 tỉ đồng. Sau khi rút nghiệp vụ tự doanh, VDSE chỉ còn nghiệp vụ môi giới, tư vấn và lưu ký chứng khoán.
Thị trường chứng khoán khó khăn kéo dài, đã khiến nhiều công ty chứng khoán nhỏ lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần, rất nhiều công ty bị kiểm soát đặc biệt do mất khả năng thanh toán và vì vậy thu hẹp hoạt động là cách làm cần thiết. Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán, hiện tại số lượng công ty chứng khoán rút nghiệp vụ môi giới vào khoảng 10 công ty và con số này dự báo sẽ còn tăng lên.
Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, một số công ty đã tự cơ cấu lại hoạt động của mình, để cắt giảm chi phí và rút một số nghiệp vụ không cần thiết để tồn tại qua khó khăn. Số lượng công ty đề nghị xin được rút bớt nghiệp vụ môi giới hiện đã tăng lên. Hiện có 3-4 công ty đã nộp đơn xin tự nguyện rút nghiệp vụ để giảm thiểu chi phí, máy móc, phần mềm, lương cho nhân viên.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán rút nghiệp vụ môi giới cho biết do công ty chứng khoán có hoạt động môi giới đều phải tuân thủ các quy định về diện tích sàn, hệ thống phần mềm… mà để duy trì được thì cần nhiều nhân viên như môi giới, kỹ thuật viên máy tính… đẩy chi phí lên cao. Trong khi đó, thanh khoản giao dịch ngày càng sụt giảm thì phí môi giới thu được không đáng kể, không đủ bù các chi phí như trên. Vì vậy việc cắt giảm là tất yếu.
Theo vị này, với công ty chứng khoán, “linh hồn” của công ty chính là nghiệp vụ môi giới vì nó đặc thù, chỉ riêng cho công ty chứng khoán, còn các nghiệp vụ khác như tư vấn đầu tư hay tự doanh thì nhiều loại hình doanh nghiệp khác cũng thực hiện được. Vì vậy, việc rút nghiệp vụ môi giới, công ty chứng khoán về bản chất đã không còn là công ty chứng khoán nữa.
Thanh Thương
TBKTSG
|