Quỹ đầu tư ngoại: Chờ thời
Nhiều quỹ đầu tư ngoại đang xin gia hạn thời gian giải thể quỹ, thay đổi chiến lược đầu tư hòng xoay chuyển được tình thế trong bối cảnh TTCK hiện đang gặp khó.
Năm 2012 - 2013 là giai đoạn giải thể của hàng loạt quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam sau khi hết hạn giấy phép hoạt động. Với tình hình thị trường khó khăn như hiện nay, gia hạn thời gian hoạt động của quỹ để chờ thời xem ra sẽ là giải pháp mà nhiều quỹ lựa chọn.
Lùi giờ G
Nếu các quỹ giải ngân mạnh vào thời điểm 2006 -2007 và phải thoái vốn toàn bộ khoản đầu tư vào thời điểm hiện nay thì các cổ đông của quỹ là những người nếm vị đắng nhất. Tính đến 19/10/2012, giá trị vốn hóa trên sàn HOSE đạt 644.823 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, trong khi đó cách đây 5 năm con số này là 491.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự tăng trưởng chậm chạp, chưa kể giai đoạn thị trường sụt giảm mạnh vào năm 2008 và năm 2011. Tuy nhiên, lo ngại áp lực cung tác động mạnh lên TTCK đã giảm bớt khi hàng loạt quỹ đầu tư ngoại (offshore) như VEIL (Vietnam Enterprise Investments Limited), VGF (Vietnam Growth Fund Limited), VEH (Vietnam Equity Holding) và VPH (Vietnam Property Holding) được gia hạn 3 - 5 năm. Việc gia hạn thời gian hoạt động của các quỹ này tạo điều kiện thuận lợi cho cả 2 bên: công ty quản lý quỹ và cổ đông góp vốn. Đối với công ty quản lý quỹ, công ty vẫn duy trì phí quản lý trong khi chưa thể kêu gọi vốn thành lập quỹ mới. Về phía cổ đông, thoái vốn đồng loạt không dễ dàng tại thời điểm này, nhất là khoản đầu tư vào bất động sản. Hơn thế nữa, bán với giá chiết khấu quá cao sẽ gây ra thua lỗ lớn với nhà đầu tư. Do vậy, gia hạn thời gian hoạt động của quỹ là giải pháp tối ưu, đồng thời xem xét việc chuyển đổi các quỹ.
Trái đắng
Trong Hội nghị các nhà đầu tư do VinaCapital tổ chức trong 2 ngày 18-19/10/2012, VinaCapital đã cập nhật tình hình hoạt động trong năm của các quỹ do công ty quản lý và các cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam trong thời gian tới. Ba quỹ của VinaCapital là VOF, VNL,VOI được niêm yết tại Luân Đôn, nhưng đều có mức chiết khấu khoảng 30 - 50% NAV của từng quỹ. Trong đó, quỹ đầu tư tăng trưởng (VOF) tham gia vào thị trường Việt Nam từ khá sớm (năm 2004). VOF cũng đã trải qua nhiều bài học đầu tư đắt giá mà không phải nhà đầu tư ngoại nào cũng lường trước được.
Bài học đầu tiên là đầu tư vào các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, thị phần áp đảo, nhưng kinh doanh kém hiệu quả do đầu tư tràn lan như Tập đoàn Mai Linh. Quỹ VOF đã giải ngân mua 50 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi không có tài sản bảo đảm của tập đoàn này. Trái phiếu có thời hạn 2 năm, đáo hạn năm 2008, được chuyển đổi thành 15% vốn cổ phần của Mai Linh. Tuy nhiên, khi trái phiếu đáo hạn, tập đoàn này không chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần mà còn không thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu. Tổng dư nợ gốc và lãi của khoản đầu tư này lên đến 80 tỷ đồng và Mai Linh mới hứa trả 7,1 tỷ đồng. Cho đến cuối năm 2011, quỹ VOF đưa vụ việc ra Tòa án kinh tế để yêu cầu Mai Linh thanh toán lãi trái phiếu chuyển đổi. Theo phán quyết của Tòa án, quỹ VOF chính thức sở hữu 13,85% cổ phần của Mai Linh. Tuy nhiên Mai Linh trì hoãn phát hành cổ phiếu mới cho quỹ.
Một bài học quan trọng khác là không thẩm định một cách thận trọng rủi ro thị trường và ngành nghề trong nền kinh tế đang trên đà phát triển như Việt Nam. Thêm vào đó, sức nóng từ TTCK đã khiến các quỹ chủ quan trong việc đề xuất đầu tư vào các công ty tuổi đời non trẻ, có kết quả kinh doanh "đẹp" trong 2-3 năm đầu tiên. Đối với VOF, vị đắng từ khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn (VHG) chưa thể phai nhạt. Năm 2007, quỹ này bỏ ra 9,2 triệu USD để sở hữu 7,8% vốn điều lệ tại công ty chiếm 18% thị phần sản xuất cáp đồng tại thời điểm đó. Tuy nhiên, khoản đầu tư này chỉ thu về 1,7 triệu USD khi thoái vốn, đồng nghĩa với việc VOF ghi nhận khoản lỗ lên đến 81,5% giá vốn. Nguyên nhân thất bại mà VOF rút ra là: VHG chỉ tập trung vào 1 loại sản phẩm cáp đồng, phục vụ cho khách hàng duy nhất là VNPT. Khi VNPT chính thức thay đổi công nghệ, sử dụng cáp quang thay cho cáp đồng, dẫn đến lực cầu cho sản phẩm cáp đồng không còn. Thị trường cáp đồng lao dốc đột ngột vào năm 2008, ngay cả công ty hàng đầu thị trường như SAM cũng lâm vào khủng hoảng.
Chiến lược mới
Trong mắt nhà đầu tư ngoại, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện là 9,9x, thấp hơn khá nhiều so với các thị trường mới nổi trong khu vực (17x), nhưng lại chưa chứng tỏ được sức hấp dẫn.
Lý do là tăng trưởng GDP đã chậm lại, CPI tăng cao bất thường trong tháng 9/2012, kết quả kinh doanh quý 3/2012 của các doanh nghiệp báo hiệu nợ xấu có chiều hướng gia tăng nhanh và nguồn thu của các ngân hàng bị giảm mạnh. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại chưa thể thâu tóm được 100% doanh nghiệp Việt Nam do vướng mắc về luật pháp. Hai bài học đầu tư đắt giá kể trên cho thấy, nhà đầu tư tài chính đơn thuần tại thị trường Việt Nam rất dễ bị "đem con bỏ chợ" vì không nắm quyền kiểm soát hoạt động và tham gia điều hành tại doanh nghiệp mà họ đầu tư. Việc giải ngân thận trọng của khối ngoại trên HOSE từ trong quý 3/2012 phần nào phản ánh mối lo ngại thường trực này.
Xua tan lo ngại của nhà đầu tư, quỹ VOF đưa ra mục tiêu năm 2013 tập trung vào những cổ phiếu có mức chiết khấu cao, nhưng phải có tiềm năng tăng trưởng mạnh; những tài sản bị định giá dưới giá trị thực và các cơ hội M&A. Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, quỹ này sẽ huy động thêm quỹ mới, ví dụ như thành lập công ty con VinaWealth để huy động tiền ở Việt Nam đầu tư tại Việt Nam. Tham vọng của VinaCapital khá dễ hiểu vì các công ty quản lý quỹ sống khá vất vả nếu chỉ dựa trên phí quản lý là 0,2% NAV giá trị danh mục. Trong 9 tháng đầu năm 2012, NAV của VOF chỉ tăng 3,1%, từ 703 triệu USD lên 725 triệu USD. Đối với quỹ Vietnam Equity Holding (VPH) do SAM quản lý, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc SAM cho biết, quỹ sẽ cố gắng tối đa hóa lợi nhuận của nhà đầu tư, thu hẹp khoảng cách giữa giá cổ phiếu và giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu, đồng thời tăng thanh khoản cho cổ phiếu mà các quỹ đang nắm giữ, có kế hoạch chuyển đổi thành quỹ mở từ 2014 nhằm tạo sự linh động cho nhà đầu tư.
Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, triển vọng tăng trưởng của thị trường vẫn hiện hữu nếu tiếp cận được nguồn vốn dài hạn. Khi các quỹ ngoại tiếp tục ở lại thị trường Việt Nam, niềm tin tăng trưởng ấy vẫn được duy trì!
Gia Trình
diễn đàn doanh nghiệp
|