Thứ Sáu, 02/11/2012 13:28

CII: Sở hữu lòng vòng và nghi vấn đẩy giá

Sau khi VPII đăng ký mua vào gần 17 triệu cổ phiếu CII, thị trường đã rộ lên câu hỏi về những uẩn khúc phía sau câu chuyện sở hữu lòng vòng.

* CII xin lỗi cổ đông và sẽ kỷ luật lãnh đạo Vinaphil

* Doanh nghiệp “lách” mua cổ phiếu quỹ

* CII: 14/11 GDKHQ nhận cổ tức 8%

* CII: VINAPHIL bất ngờ hoãn mua gần 17 triệu cổ phiếu

 

Sau khi CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) công bố thông tin CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Vinaphil (VPII) đăng ký mua vào gần 17 triệu cổ phần CII, thị trường đã rộ lên câu hỏi về những uẩn khúc phía sau câu chuyện sở hữu lòng vòng. Vấn đề là VPII không phải đơn vị duy nhất trong hệ thống CII có liên quan đến sự vụ này. 

Bất thường VPII…

VPII có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, trong đó CII sở hữu tới 99,9%, Chủ tịch HĐQT VPII là Tổng giám đốc của CII; Tổng giám đốc của VPII là người phụ trách công bố thông tin của CII.

Qua tìm hiểu, được biết, ngày 24/10/2012 mới là ngày chính thức hoạt động, thế nhưng đến ngày 29/10/2012, VPII đã công bố thông tin mua vào gần 17 triệu cổ phiếu CII của công ty mẹ, tương đương số tiền ước tính hơn 400 tỷ đồng, bằng gần 50% vốn điều lệ của Công ty. Một công ty được lập ra chỉ mới 5 ngày, lại quyết định dành gần 50% vốn để mua vào 15% vốn điều lệ của công ty mẹ là điều khó hiểu.

Đến chiều 30/10, việc mua vào này được CII công bố tạm hoãn với lý do Sở GDCK TP. HCM yêu cầu hoàn tất một số thủ tục. Tuy nhiên, điều này cũng có thể hiểu rằng, hoạt động mua vào lượng lớn cổ phiếu CII của công ty con chỉ bị chậm trễ, chứ không phải bị dừng lại. Về bản chất, việc này giống như hành động mua lại cổ phiếu quỹ, nhưng CII lại tránh được việc thực hiện các bước thủ tục xin mua cổ phiếu quỹ như cách thông thường. VPII công bố việc mua cổ phiếu công ty mẹ là để đầu tư, nhưng lý do đằng sau câu chuyện này lại khiến dư luận đặt câu hỏi.

… và hệ thống sở hữu chéo trong CII

VPII là công ty con gần như được sở hữu 100% vốn bởi CII, công bố mua vào cổ phiếu CII và trước đó, trong hệ thống CII đã có nhiều đơn vị sở hữu chéo lẫn nhau.

CTCP Đầu tư hạ tầng bất động sản Sài Gòn (SII), một công liên kết của CII, với tỷ lệ sở hữu của CII tại đây lên tới 37% vốn điều lệ, cũng đang sở hữu 3,32% vốn của CII. Đây là tỷ lệ sở hữu tính đến ngày 2/7/2012, sau khi SII đã bán ra 2,57 triệu cổ phiếu CII, giảm sở hữu từ mức 6,75% vốn điều lệ CII.

CTCP Đầu tư xây dựng cầu đường Bình Triệu (Bình Triệu), một công ty có 51% vốn cổ phần được sở hữu bởi CII, thời gian vừa qua cũng có hoạt động giao dịch cổ phiếu CII khá tích cực. Thời điểm 9/5/2012, Bình Triệu sở hữu hơn 9 triệu cổ phiếu, tương đương 12,14% vốn điều lệ của CII. Đến ngày 10/5, thông qua CTCK Thiên Việt, DN này đã bán hơn 6,4 triệu cổ phiếu CII cho một DN khác, giảm sở hữu về mức 3,82% vốn điều lệ CII.

Đối với trường hợp CTCP Đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội (Xa lộ Hà Nội), CII cũng sở hữu 99,9% trên mức vốn điều lệ gần 460 tỷ đồng tại DN này. Trong khi đó, theo số liệu tại báo cáo thường niên 2011 của CII, Xa lộ Hà Nội sở hữu khoảng 11 triệu cổ phần, chiếm khoảng 10% vốn điều lệ CII. Tổng giá trị cổ phần CII mà Xa lộ Hà Nội sở hữu lên tới xấp xỉ 250 tỷ đồng, chiếm hơn 50% vốn điều lệ của Công ty.

Như vậy, chỉ tính riêng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu CII bởi các công ty con, công ty liên kết của chính công ty CII hiện đã lên tới hơn 17% vốn điều lệ của CII, thêm sở hữu của VPII (nếu mua thành công), thì con số này sẽ lên tới hơn 32%.

Những mối liên hệ cổ đông lớn chồng chéo trong hệ thống chưa dừng lại ở quan hệ hai chiều giữa CII với các công ty con, công ty liên kết, mà còn ở một số mối quan hệ sở hữu khác, như CII sở hữu 49% vốn điều lệ CTCP 565 (NSN), 565 lại là cổ đông lớn nắm trên 10% vốn của CII.

Nghi vấn đẩy giá?

Nhìn lại lịch sử giá cổ phiếu CII, điều dễ nhận thấy là, sau khi loại trừ tác động của việc điều chỉnh giá do chia cổ tức, chia thưởng cổ phiếu, thì giá cổ phiếu CII từ cuối năm 2011 đến nay đã tăng khoảng 50%. Giám đốc đầu tư một đơn vị có quy mô đầu tư lớn tại TP. HCM cho rằng, việc các công ty liên doanh, liên kết “lướt sóng” cổ phiếu CII có thể dẫn đến hai nghi vấn.

Một là, đây là cách để “lách” mua, bán cổ phiếu CII từ dòng tiền nội bộ. Không cần phải làm các thủ tục như mua cổ phiếu quỹ thông thường, nhưng CII vẫn có thể đạt được mục tiêu của mình. Hệ quả của điều này là việc tạo cung cầu cổ phiếu CII, giúp giá cổ phiếu CII ở mặt bằng cao so với thị trường. Việc mua vào cổ phiếu để giá CII tăng, sau đó bán ra sẽ giúp các công ty con có lợi nhuận lớn từ đầu tư tài chính, quay trở lại làm tăng lợi nhuận cho CII. Thống kê sở hữu cổ phiếu của các công ty đang là cổ đông lớn hoặc có liên quan đến CII là 52%.

Hai là, có thể CII muốn đẩy giá cổ phiếu lên để chuyển đổi trái phiếu của các NĐT ngoại thành cổ phiếu thành công. Đáng lưu ý là thời gian vừa qua, CII đã xin hạ room của NĐT ngoại xuống 33,91% vốn điều lệ. Từ đầu năm 2012, 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của CII phát hành cho NĐT do Goldman Sachs Asset Management quản lý sắp đến thời hạn có thể chuyển đổi được thành cổ phiếu. Trái phiếu này phát hành từ năm 2011 đã bắt đầu được chuyển đổi. Theo điều khoản ban đầu, giá chuyển đổi là 43.500 đồng/CP. Mức giá chuyển đổi cao hơn gần 80% so với giá giao dịch hiện tại của CII trên thị trường. Ngay cả khi có điều chỉnh giá phát hành pha loãng cổ phiếu (nếu có) về khoảng 29.000 đồng/CP, thì mức giá này cũng cao hơn thị giá của CII hiện nay.

Tình trạng lướt sóng cổ phiếu công ty mẹ của các công ty con, giao dịch dự kiến “khủng” cổ phiếu CII của VPII, giao dịch cổ phần giữa công ty mẹ với công ty con liệu có mục đích làm tăng lợi nhuận cho CII (thông qua lợi nhuận của các công ty con, công ty liên kết) và đẩy giá cổ phiếu CII vẫn đang là một nghi vấn. Dư luận đang chờ câu trả lời từ Ban lãnh đạo CII và cơ quan quản lý thị trường.

Bùi Sưởng

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Soi CTCK qua lăng kính thị phần (02/11/2012)

>   EIB: Gần 30% cổ phần đã được bán thoả thuận (02/11/2012)

>   02/11: Bản tin 20 giờ qua (02/11/2012)

>   TTCK: Mua không được mà bán cũng chẳng xong (01/11/2012)

>   Chậm đăng ký công ty đại chúng, Giấy Hoàng Văn Thụ bị phạt (01/11/2012)

>   Bong bóng tài sản, vỡ hay xẹp? (01/11/2012)

>   Quỹ đầu tư tìm giải pháp “hạ cánh mềm” (01/11/2012)

>   Cải cách toàn diện để thu hút dòng vốn ngoại (01/11/2012)

>   Bốn điểm "ngược đời" của TTCK Việt Nam (01/11/2012)

>   Tiền rút khỏi Thái Lan và Philippines, đổ vào TTCK Indonesia và Việt Nam (01/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật