Chủ Nhật, 04/11/2012 14:31

Quản lý thì không sở hữu

Kỳ I: “Song trùng” vì lợi ích nhóm

Hai chức năng chủ sở hữu nhà nước và quản lý nhà nước hiện đang được các cơ quan chức năng thực hiện “song trùng”. Hệ lụy thì ai cũng thấy nhưng để tách bạch thì phải có... “quyết tâm chính trị” rất cao.

Việc đặt cho DNNN vai trò quá lớn mà nó không đảm nhiệm được, không đúng vai trò của nó thì rất nguy hiểm

PGS TS Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã khẳng định như vậy trong buổi hội thảo lấy ý kiến về đề án "Tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước".

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Việc chưa tách bạch là một trong những nguyên nhân làm hiệu quả quản lý của nhà nước cũng như của chủ sở hữu nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả quản trị DNNN kém, chưa thực hiện được vai trò đối với nền kinh tế. Trên thực tế, quá trình tách bạch hai chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu nhà nước đã diễn ra qua ba giai đoạn (trước năm 1995; 1995 – 2003 và từ năm 2003 đến nay) nhưng theo nhận định của Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (CIEM) Bùi Văn Dũng thì đến nay, việc quản lý DNNN vẫn còn in đậm dấu ấn phương thức quản lý hành chính.

Hàng loạt DNNN thua lỗ mới được công bố một lần nữa nhắc lại sự yếu kém và những bất cập trong quản lý và hoạt động DNNN. Trong đó, không thể không nhắc đến việc chậm trễ trong cải cách, đổi mới, mà một trong những ví dụ là khó khăn và kéo dài trong việc tách quyền chủ sở hữu DN ra khỏi các cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn nữa, cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu DN đã được quy định trong Luật DN nhưng đáng tiếc hiện nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Vì thế, nói như ông Bá - cực chẳng đã nhiều lúc các cơ quan chức năng phải sử dụng những điều khoản trong Luật DNNN đã hết hiệu lực thi hành từ 1/7/2007.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, phải nhìn trong tổng thể nền kinh tế mà cương quyết tách hai chức năng này ra. Trong khi cơ quan nhà nước đang quá bận vào các công việc sự vụ của DN thì DN lại không được thực hiện quyền làm chủ của mình. Để rồi, khi có vấn đề lại không thể quy trách nhiệm cho bất kỳ ai - ông Doanh nhấn mạnh. Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chúng ta cần đổi mới tư duy về DNNN; xác định vai trò, chức năng của DNNN là như thế nào. Chừng nào còn nghĩ DNNN cùng với kinh tế nhà nước làm chủ đạo cho nền kinh tế, là công cụ để nhà nước điều tiết vĩ mô... thì sẽ vẫn còn hệ quả làm không tới nơi tới chốn, vì sợ làm ảnh hưởng điều tiết vĩ mô nên sẽ không làm gì được, khó mà tách bạch hai chức năng quản lý và sở hữu nhà nước. Việc đặt cho DNNN vai trò quá lớn mà nó không đảm nhiệm được, không đúng vai trò của nó thì rất nguy hiểm. Bởi từ xin - cho đến chia chác là khoảng cách rất nhỏ, bà Lan khẳng định.

Tuy nhiên, nói như TS Lê Đăng Doanh chúng ta không nên nghĩ việc tách bạch này sẽ suôn sẻ, ngược lại sẽ có nhiều ý kiến phản đối là điều không tránh khỏi, bởi lợi ích nhóm là rất lớn. "Lợi ích nhóm" là nguyên nhân lớn của việc chưa tách bạch được quản lý nhà nước và chủ sở hữu nhà nước.

Quản lý vốn nhà nước: lực bất tòng tâm

Cả nước hiện có 21 Tập đoàn kinh tế và các TCty lớn. Sắp tới sẽ chỉ còn dưới 10 tập đoàn, TCty mà Thủ tướng có trách nhiệm quản lý.
Trong Luật DN, hai nguyên tắc về thực hiện quyền chủ sở hữu đối với DNNN đã được quy định khá rõ ràng, đó là tách biệt chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với các chức năng khác của nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu tập trung và thống nhất. Trên thực tế, cùng với quá trình cổ phần hóa DN, TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã ra đời để thực hiện điều này. Theo đó, tổ chức này là một đơn vị tiếp nhận phần vốn nhà nước tại các DN, để thực hiện quyền chủ sở hữu một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả nhất.

SCIC đã nhiều lần kêu ca, quá trình chuyển quản lý vốn nhà nước ở DN từ các bộ ngành và địa phương về SCIC gặp nhiều khó khăn và chậm trễ. SCIC được thành lập nhằm tập trung quản lý, kinh doanh vốn nhà nước một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, nhưng ngay ở khâu đầu tiên là chuyển vốn về để quản lý đã trắc trở. Hơn thế, SCIC hiện đang quản lý vốn của 900/1.060 DNNN còn lại ở thời điểm này nhưng thật ra chỉ vẻn vẹn 3% vốn chủ sở hữu nhà nước bởi vốn chủ yếu nằm trong những DNNN lớn, các tập đoàn, TCty.

Trong khi đó, một báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tại các DN có cổ phần chi phối của nhà nước cho thấy 27% chủ sở hữu không có vai trò trong quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh của DN 100% vốn nhà nước; 21% chủ sở hữu không có vai trò về các chính sách đầu tư lớn; 40% chủ sở hữu không có vai trò gì trong quyết định các giao dịch kinh doanh của DN với người có liên quan... Chỉ có khoảng 47% chủ sở hữu DN 100% vốn nhà nước có vai trò trong quyết định phương án phân phối lợi nhuận...

Ngược lại, sự can thiệp của chủ sở hữu nhà nước vào các quyền của bộ máy điều hành của DN lại cao hơn với 72% DN 100% vốn nhà nước và 67% DNNN đã sở hữu cho rằng họ thường xuyên hoặc đôi khi phải có sự đồng ý của chủ sở hữu nhà nước khi ký các hợp đồng thuộc thẩm quyền của HĐQT, tổng giám đốc... 30% DNNN đa sở hữu phải thường xuyên có sự đồng ý của cổ đông nhà nước khi ký các hợp đồng thuộc thẩm quyền quyết định của bộ máy quản lý, điều hành cho dù sự đồng ý này trên thực tế chỉ là phê duyệt chủ trương.

Điều này cho thấy thực tế, các cơ quan nhà nước đã không làm hết trách nhiệm của mình trong vai trò chủ sở hữu, thậm chí, trong một số trường hợp lại trở thành tác nhân gây nên những khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Sự mất cân đối giữa quyền lực và trách nhiệm này đã làm nảy sinh tình trạng nơi thì quá chặt và can thiệp quá sâu, nơi bỏ lỏng chức năng quản lý của chủ sở hữu. Nhưng tất cả có một kết quả là không hỗ trợ tốt cho DN hoạt động.

Tuy nhiên, điều lạ là khi DNNN thua lỗ, hay thất bại trong kinh doanh, việc chỉ rõ trách nhiệm của từng chủ thể rất khó. Điều này cho thấy sự chồng lấn, không phân định các chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước và chủ sở hữu DN. Và dù luật đã ghi rõ, cơ chế đã có nhưng thực thi vẫn rất khó khăn và chậm chạp.

Mổ xẻ mô hình thành công

Cty quản lý vốn nhà nước Temasek (Singapore) là mô hình của cơ quan quản lý vốn nhà nước thành công.

Temasek thành lập từ năm 1974, với tư cách pháp lý là một Cty. Chính phủ cam kết về mặt chính sách là để Temasek hoạt động trên cơ sở thương mại, hoàn toàn tách biệt với vai trò lập pháp hay phục vụ lợi ích cộng đồng. Tuy thuộc sở hữu nhà nước, nhưng Temasek không chịu sự điều hành của nhà nước với hoạt động đầu tư, thoái vốn hay bất kỳ quyết định kinh doanh nào khác.

Temasek đầu tư trên nguyên tắc thương mại, với tư cách là chủ sở hữu tài sản. Chiến lược đầu tư của họ ưu tiên cho thanh khoản cao, với tiền mặt ròng khá lớn; sẵn sàng chớp cơ hội đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu Temasek (hiện 11 trái phiếu đang lưu hành của họ được xếp hạng AAA). Danh mục đầu tư mạnh cho phép Cty phát hành quyền và tái cấp vốn; bảng cân đối tài sản lành mạnh cho phép linh hoạt tối đa. Temasek được xếp hạng tín nhiệm AAA bởi Standard & Poors và Moodys. Điều lệ Cty được công khai, báo cáo thường niên của Temasek được phát hành ra công chúng từ năm 2004… Kết quả đầu tư hiệu quả của Temasek thể hiện qua việc giá trị danh mục đầu tư tăng gấp đôi trong 7 năm và đạt 193 tỉ USD vào năm 2011. Với mạng lưới và quan hệ, Temasek tiến cử các cá nhân có năng lực tham gia HĐQT các Cty, nhằm chia sẻ về các quy trình hoạt động của HĐQT cũng như cách thực hành tốt nhất.

Trong những năm 1980, Temasek khởi động việc cổ phần hóa các Cty trong danh mục đầu tư của mình và thoái vốn tại một số Cty này. Trong những năm 1990, Chính phủ Singapore đã chuyển đổi mô hình hoạt động của các cơ quan kinh tế sang mô hình DN, rồi chuyển cho Temasek quản lý. Một số Cty được chuyển đổi này sau đó đã niêm yết thành công, đơn cử như Singpower.

Các Cty trực thuộc Temasek được tái cơ cấu quyết liệt và nhanh chóng, giám đốc được chọn từ khu vực tư nhân, có uy tín và thành tích. Những DN này chỉ duy trì một số đặc quyền trong thời gian nhất định, ví dụ Singapor Airlines, Kepper Coop. Bằng cách này, các Cty liên quan đến Chính phủ có thể huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh; công chúng được sở hữu các DN lớn ở Singapore để thị trường vốn Singapore có thể cất cánh.


Kỳ 2: Bắt đầu từ quyết tâm chính trị

N. Hương

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Đã có "cây đũa thần" cho con nợ Vinashin? (04/11/2012)

>   Doanh nghiệp châu Âu 'chê' môi trường kinh doanh VN (03/11/2012)

>   Bô xít Tân Rai có thể ra lò sản phẩm vào năm sau (03/11/2012)

>   Cần thay đổi mô hình doanh nghiệp “gia đình trị” (03/11/2012)

>   Than“è cổ” cõng trên 10 loại thuế, phí (03/11/2012)

>   Tàu "chuột" - xử lý như với chuột! (03/11/2012)

>   Nộp thuế bằng... xi măng (03/11/2012)

>   Một doanh nghiệp đòi trả dự án khu công nghiệp (02/11/2012)

>   Cửa hàng cơm văn phòng đua nhau phá sản (02/11/2012)

>   Tàu Saigon Queen được bảo hiểm thân tàu 4,2 triệu USD (02/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật