Thứ Năm, 22/11/2012 10:09

Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: CSM - CTCP CN Cao Su Miền Nam

Sự quan tâm của nhà đầu tư đến mã cổ phiếu này đang yếu dần và lòng kiên nhẫn đang bị bào mòn theo thời gian.

CÁC TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG

Dài hạn: Xu hướng tăng trưởng chưa bị phá vỡ. Giá cổ phiếu CTCP CN Cao Su Miền Nam (HOSE: CSM) đang trong quá trình tiếp cận lại các ngưỡng chống đỡ bên dưới. Cận dưới của kênh giá đi ngang (tương đương ngưỡng 21,000) đang được xem là ngưỡng quan trọng nhất. Đây là ngưỡng khá mạnh và có thời gian tồn tại lâu nên độ tin cậy cao và được kỳ vọng khó bị xuyên thủng.

Giá vẫn đang duy trì bên trên SMA 200 nên xu hướng dài hạn (tăng trưởng) tạm thời chưa bị đảo ngược. Tuy nhiên, CSM có thể sẽ gặp lại ngưỡng này để có bài test quan trọng. Kết quả của lần test này sẽ quyết định xem liệu xu hướng tăng trưởng dài hạn có còn tiếp tục hay không.

Ngắn hạn: Bên bán có dấu hiệu mất kiên nhẫn. CSM đã tạo thành mẫu hình nến đảo chiều dạng gần giống như Engulfing Bear xuất hiện trong các phiên trước. Mẫu hình này cho thấy bên bán đang có dấu hiệu dần mất kiên nhẫn và bắt đầu hoạt động mạnh.

Điều này có thể được lý giải bởi sức ép từ Breakaway Gap. Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, khi các khoảng trống hình thành thì chúng sẽ trở thành những ngưỡng kháng cự/hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn và thậm chí trong một số trường hợp đặc biệt là dài hạn.

Thanh khoản mặc dù không quá tiêu cực nhưng cũng không có cải thiện đáng kể và đang trong xu hướng sụt giảm. Hiện nay, thanh khoản chủ yếu xoay quanh mức 260,000 đơn vị/phiên. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đến mã cổ phiếu này đang yếu dần và lòng kiên nhẫn đang bị bào mòn theo thời gian.

Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:

• Ngưỡng 23.6%  : 22,000

• Ngưỡng 38.2%  : 19,200

• Ngưỡng 50.0%  : 16,900

• Ngưỡng 61.8%  : 14,500

• Đáy cũ                : 7,000

Chiến lược trading: Trong bối cảnh hiện tại, việc kiên nhẫn chờ đợi là cần thiết. Nhà đầu tư dài hạn cũng như ngắn hạn chỉ nên xem xét mua vào nếu giá giảm về gần ngưỡng hỗ trợ 21,000.

TÓM TẮT TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH

Kết quả kinh doanh 9T/2012: Tỷ lệ lãi gộp cải thiện mạnh. Doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 của CSM đạt 2,282 tỷ đồng, chỉ tăng 4.9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế đạt đến 247.8 tỷ đồng, vượt 65% kế hoạch cả năm (150 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 186.2 tỷ đồng, tăng vượt bậc so với chỉ vỏn vẹn 17.6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng ấn tượng của lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm chủ yếu nhờ tỷ lệ lãi gộp được cải thiện rõ rệt lên mức 22%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt gần 7.3%. Tỷ lệ lãi gộp cũng có dấu hiệu được cải thiện qua các quý trong năm 2012, khi tăng lên mức 24% vào quý 3 so với mức 19% vào quý 1.

Tỷ lệ lãi gộp trong 9 tháng năm 2012 được cải thiện chủ yếu nhờ vào: (1) Giá mủ cao su thiên nhiên đã sụt giảm khá mạnh trong thời gian qua, giúp cho giá vốn hàng bán hạ thấp, (2) Giá bán thành phẩm chỉ bắt đầu giảm nhẹ từ quý 3/2012, dưới áp lực sụt giảm của nhu cầu thị trường.

Dự báo lợi nhuận khó có đột biến trong quý 4/2012. Lý do là: (1) Sản lượng tiêu thụ sẽ không có nhiều thay đổi đột biến, khi môi trường kinh doanh vẫn đang khó khăn. (2) Giá cao su dự báo sẽ khó sụt giảm thêm, mặc dù sẽ bước vào mùa khai thác mủ. Nguyên nhân là do 3 nước xuất khẩu cao su lớn là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều đồng loạt giảm lượng hàng xuất khẩu nhằm hỗ trợ giá cao su. Do đó, rất có thể giá cao su thiên nhiên được dự báo sẽ duy trì xung quanh mức giá khoảng 3 USD/kg. Giá cao su thiên nhiên vào ngày 15/11/2012 đang ở mức 3.05 USD/kg, với điều khoản giao hàng vào tháng 12/2012.

2 dự án vẫn đang đầu tư, chưa thể giúp cải thiện doanh thu trong ngắn hạn. Hiện CSM đang tập trung vào 2 dự án là dự án lốp Radian (vốn đầu tư 3,380 tỷ đồng) và dự án số 9 Nguyễn Khoái (vốn đầu tư 550 tỷ đồng).

(1) Dự án Nhà mày sản xuất lốp xe tải Radian toàn thép:  Tính đến hết quý 3/2012, CSM mới chỉ đầu tư gần 19 tỷ đồng vào dự án này. Dự kiến quý 1/2013 sẽ là thời điểm CSM sẽ phải giải ngân mạnh để nhập thiết bị máy móc. Dự án có kế hoạch sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối quý 4/2013.

(2) Dự án Số 9 Nguyễn Khoái, Quận 4, TPHCM: Đây là dự án khu phức hợp văn phòng, chung cư. CSM góp 40% vốn bằng quyền sử dụng đất. Tính đến hết quý 3, CSM đã đầu tư 158.4 tỷ đồng vào dự án.

Dự án này đến nay đã hoàn thành phần móng và có thể triển khai bán hàng. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng dự án này sẽ mang lại lợi nhuận trong vài quý tới, khi thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng.

Rủi ro chôn vốn ở dự án này của CSM về mặt lý thuyết là không cao, khi đối tác Vietcomreal sẽ chịu toàn bộ chi phí xây dựng. Số tiền CSM đang ứng trước để chuyển quyền sử dụng đất sẽ được đối tác hoàn trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện tại thì câu hỏi đặt ra là liệu bao lâu thì đối tác có thể hoàn trả khoản tiền ứng trước này?  Trong thời gian chờ đợi, CSM vẫn sẽ phải chịu chi phí lãi suất.

Theo thoả thuận, CSM sẽ thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất sang cho ban quản lý dự án. Sau khi việc chuyển quyền này hoàn thành, CSM sẽ nhận được khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 120 tỷ đồng CSM sẽ trả cho vốn vay dài hạn ngân hàng (số tiền này trước đây được công ty liên doanh tài trợ thông qua việc vay vốn ngân hàng, để thực hiện việc chuyển đổi từ đất thuê 50 năm sang sở hữu quyền sử dụng đất). Như vậy, sau khi hoàn trả ngân hàng, CSM sẽ còn khoảng 30 tỷ đồng đưa vào lợi nhuận khác.

Áp lực từ nguồn cung cổ phiếu phát hành thêm. Trong quý 3/2012, CSM đã phát hành thêm 16.3 triệu cổ phiếu. Trong đó, 10 triệu cổ phiếuphát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4.225:1 bằng mệnh giá, và chia cổ tức 6.3 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu này đã được đưa vào giao dịch và tạo áp lực lên nguồn cung cũng như khả năng sinh lời của CSM.

Định giá hấp dẫn. Hiện giá cổ phiếu CSM đang giao dịch ở mức P/E trailing chỉ 4.76 lần và P/B là 1.28 lần. Xem thêm các thông tin tài chính và chỉ số tài chính của CSM tại đây.

Rủi ro giá cao su đầu vào và đối thủ từ Trung Quốc. Biến động của giá cao su đầu vào (nếu có) sẽ khiến cho lợi nhuận CSM bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là rủi ro cạnh tranh từ hàng nhập khẩu, đặc biệt là các đối thủ từ Trung Quốc khi thị trường ô tô của nước này cũng đang gặp phải khó khăn.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 19 - 23/11 (17/11/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu chọn lọc: Tuần 19 - 23/11 (18/11/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu chọn lọc: Tuần 12 - 16/11 (11/11/2012)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 12 - 16/11 (10/11/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: DPM - Tổng CTCP Phân bón & Hóa chất Dầu khí (13/11/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu chọn lọc: Tuần 05 - 09/11 (04/11/2012)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 05 - 09/11 (03/11/2012)

>   Kịch bản của TTCK Việt Nam cuối năm 2012 dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật (05/11/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: AAA - CTCP Nhựa & Môi Trường Xanh An Phát (30/10/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu chọn lọc: Tuần 29/10 - 02/11 (28/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật