Nên sửa quy định về trích thù lao cho đại lý xăng dầu
Nhiều luồng dư luận đều cho rằng việc trích thù lao cho đại lý hiện nay đang là vấn đề bức xúc cần sửa đổi. Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư mới này, Bộ Tài chính chỉ quy định mức trần thù lao không được vượt quá 50% chi phí kinh doanh định mức, mà không quy định mức tối thiểu. Như vậy, về cơ bản vẫn chưa giải quyết được vấn đề.
Sau những bất ổn trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua, trong tháng 10, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, thay thế cho Thông tư số 234 đang thực thi đã bộc lộ những bất cập. Tuy nhiên, ngay khi dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến, đã có nhiều góp ý về những quy định chưa rõ ràng của nó.
Cần minh bạch chi phí kinh doanh định mức và thù lao cho đại lý
Dự thảo Thông tư mới đề cập đến 2 vấn đề đều rất nhạy cảm và có nhiều tranh cãi trong điều hành giá xăng dầu hiện nay là thù lao cho đại lý và việc hình thành cũng như sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vấn đề thù lao cho đại lý đã nhiều lần gây sóng gió cho thị trường vào những lúc giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Theo cơ chế hiện nay, thù lao cho đại lý là do từng đầu mối tự chi trả, dựa theo thỏa thuận giữa 2 bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong đó không quy định mức trần cũng như mức sàn. Vì được “tự do” như vậy, nên vào những thời điểm xăng dầu có lãi, các đầu mối đua nhau đẩy thù lao lên cao để đẩy nhanh hàng bán ra. Ngược lại, trong những thời điểm xăng dầu lỗ, thù lao cho đại lý lại bị ép xuống mức quá thấp, có lúc chỉ còn 50 đồng/lít, chưa trừ chi phí vận chuyển. Dù lý của các đầu mối là các bên đều phải “chia sẻ” lỗ, song mức độ chia sẻ là bao nhiêu thì không được quy định rõ ràng. Điều này dẫn đến không loại trừ khả năng đầu mối ép đại lý “chia sẻ” quá nhiều, khiến đại lý lỗ nặng mà bỏ nhập hàng, vừa gián tiếp hạn chế lượng bán ra, vừa gây sức ép lên cơ quan quản lý nhà nước trong chuyện tăng giá.
Nhiều luồng dư luận đều cho rằng việc trích thù lao cho đại lý hiện nay đang là vấn đề bức xúc cần sửa đổi. Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư mới này, Bộ Tài chính chỉ quy định mức trần thù lao không được vượt quá 50% chi phí kinh doanh định mức, mà không quy định mức tối thiểu. Như vậy, về cơ bản vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Thêm vào đó, thông tư này chưa quy định cụ thể chi phí kinh doanh định mức và một phương thức vận hành cho chi phí này, mặc dù trước đó vào năm 2011, Bộ Tài chính cũng đã có một dự thảo Thông tư khác quy định rõ mức chi phí này sẽ tăng lên 860 đồng/lít.
Qua trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu lo ngại nếu không quy định rõ ràng sẽ sinh ra tiêu cực. Việc quy định chi phí định mức sẽ được Bộ Tài chính thông báo “phù hợp trong từng thời điểm cụ thể”, “phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối và tình hình kinh tế - xã hội trong nước” là quá mơ hồ và có thể nảy sinh cơ chế xin – cho, phiền phức cho cả DN và cơ quan quản lý.
Nên có “điểm dừng” trong trích Quỹ bình ổn giá
Được biết, ngày 25/10, Bộ Công thương đã có văn bản góp ý cho dự thảo, trong đó đề nghị minh bạch hơn các yếu tố chi phí định mức, thù lao đại lý và cả cơ chế trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn. Tại văn bản này, Bộ Công thương đã kiến nghị Bộ Tài chính nên công khai chi phí định mức tại thời điểm ban hành Thông tư, hoặc nếu không thì phải có thời điểm công bố rõ ràng (vào đầu năm hoặc đầu mỗi quý...) cũng như đưa ra nguyên tắc điều chỉnh cụ thể, có thể dựa theo chỉ số lạm phát.
Ví dụ, nếu năm 2011 chi phí kinh doanh định mức là 600 đồng, lạm phát là 10% chẳng hạn, thì chi phí kinh doanh cho 2012 sẽ tăng thêm 10% tương ứng cho phù hợp với thực tế. Về vấn đề thù lao cho đại lý, Bộ Công thương kiến nghị nên quy định mức tối thiểu, để tránh việc đẩy sức ép xuống các đại lý, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Về việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất nên xem xét quy mô và có điều kiện cụ thể về việc ngừng trích quỹ, chứ không thể bắt người dân đóng góp mãi. Cụ thể, nếu muốn bình ổn giá trong thời gian 15 ngày, thì các cơ quan quản lý nhà nước tính toán quy mô quỹ đủ để giữ giá trong thời gian này, sau đó sẽ ngừng trích quỹ. Như vậy để giảm gánh nặng cho người dân. Thêm nữa, Bộ Công Thương cũng cho rằng nên bổ sung quy định chỉ sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu khi quỹ dương. Bởi nếu quỹ âm, trên thực tế không có tiền, nên chỉ đạo xả quỹ là thiếu hợp lý. Thêm vào đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị quy định rõ và công khai việc hạch toán lãi suất thu được từ Quỹ bình ổn giá, kiểm toán và công khai việc sử dụng quỹ hằng năm
Vũ Hân
Công an nhân dân
|