Mua cổ phần dự án ở nước ngoài, được không?
Sự kiện tập đoàn Range Developments phối hợp với công ty luật Harvey Law Group tổ chức họp báo (ngày 31.10, tại TP.HCM) kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam chỉ cần bỏ khoảng 10 tỉ đồng để vừa sở hữu một cổ phần tại dự án Park Hyatt St. Kitts , vừa được nhập quốc tịch đảo quốc St. Kitts & Nevis (thuộc Liên hiệp Anh)… đã khiến dư luận quan tâm.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Duy Cảnh, giám đốc công ty luật hợp danh Luật Việt, việc đầu tư như nêu trên là không dễ!
Thưa luật sư, trường hợp nhà đầu tư Việt Nam bỏ vốn đầu tư vào dự án nêu trên có được pháp luật Việt Nam cho phép hay không?
Nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào dự án trên được xem là đầu tư ra nước ngoài. Việc đầu tư ra nước ngoài theo pháp luật hiện hành có hai hình thức là đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.
Theo luật Đầu tư 2005, đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Việc tham gia quản lý hoạt động đầu tư là việc nhà đầu tư quản lý thông qua hình thức giữ các chức vụ quản lý (như thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ công ty quy định).
Quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay về dạng đầu tư này như thế nào? Số lượng tiền được phép chuyển ra nước ngoài là bao nhiêu, thưa ông?
Luật Đầu tư quy định chung chung rằng, việc đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Pháp lệnh quản lý ngoại hối 2005 và nghị định 160/2006/ND-CP hướng dẫn thi hành pháp lệnh ngoại hối quy định nhà đầu tư được đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức đầu tư gián tiếp nếu đáp ứng đủ điều kiện do ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định. Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục và việc sử dụng ngoại hối để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay, ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có bất kỳ hướng dẫn nào cụ thể về việc này. Do vậy, có thể khẳng định rằng pháp luật Việt Nam không cấm hình thức đầu tư gián tiếp, nhưng cụ thể việc chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư và thu lợi nhuận từ khoản đầu tư này được thực hiện như thế nào thì chưa có khung pháp lý nên không thể chuyển tiền ra nước ngoài được.
Đứng trên cương vị bảo vệ pháp lý cho các nhà đầu tư, luật sư có lời khuyên gì?
Khi thực hiện hoạt động đầu tư, nhà đầu tư cần phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam để được đảm bảo quyền và lợi ích đối với các khoản đầu tư này. Đối với hình thức đầu tư gián tiếp, hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý đầy đủ và các cơ quan chức năng cũng chưa giải quyết nên việc tham gia đầu tư sẽ rất rủi ro, và trên thực tế không thể thực hiện được.
Cụ thể, theo ông là những rủi ro gì?
Đây là dạng đầu tư gián tiếp mà như tôi đã nói, hình thức đầu tư gián tiếp là không khả thi cho nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đầu tư trực tiếp thì phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích cho hoạt động đầu tư. Nếu chuyển ngân lậu để có tiền mua cổ phần thì lời khuyên của tôi là không. Tiền có thể sẽ mất, tật rồi cùng mang.
Nhưng chủ đầu tư cam kết đã có công ty Luật quốc tế Harvey Law Group đứng ra tư vấn rồi nên rủi ro được giảm thiểu?
Thật tình tôi không biết công ty này hoạt động như thế nào, họ có giấy phép hành nghề ở Việt nam hay không vì nhìn vào danh sách các công ty, chi nhánh luật nước ngoài trên website của bộ Tư pháp – cơ quan cấp phép – thì không thấy tên họ. Nếu công ty này hoạt động mà không có giấy phép thì rủi ro sẽ càng cao.
Tùng Quang
Sài Gòn Tiếp thị
|