Làm rõ việc sở hữu chéo ngân hàng
Trả lời chất vấn trước Quốc hội cách đây 6 ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết hiện nay NHNN đang thanh tra 27 tổ chức tín dụng. Qua việc này, vấn đề nổi lên là nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, thông qua sự chi phối ở các khoản vay. Ở một số ngân hàng, thậm chí 90% tổng dư nợ thuộc về các khoản vay kiểu này.
Trao đổi với báo chí hôm 20-11 tại cuộc họp báo quốc tế trước thềm Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á, do Việt Nam đăng cai tổ chức ngày 27 và 28/11 tới, về việc NHNN có biện pháp gì để giám sát rủi ro chéo trong hệ thống ngân hàng và diễn biến vụ việc ở ACB đến đâu, ông Bình cho biết: Hiện NHNN đang triển khai đánh giá thực trạng của ACB. Trong quá trình này sẽ làm rõ các nội dung có liên quan đến công ty, các cổ đông lớn của ACB. Trên cơ sở kết quả thanh tra sẽ xử lý các vi phạm (nếu có).
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn bổ sung, một trong số các nội dung sẽ được thảo luận tại hội nghị quốc tế về ổn định tài chính là đề cập đến hai loại rủi ro trong hoạt động ngân hàng: rủi ro chéo và hoạt động ngân hàng ngầm.
Hoạt động ngân hàng ngầm, theo phân tích của ông Ngoạn là hoạt động ngân hàng do các định chế tài chính phi ngân hàng cung cấp nhưng không nằm trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Ông Bình cũng nói, trước đây, NHNN không cấm một ngân hàng sở hữu nhiều cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác, một cổ đông sở hữu nhiều cổ phiếu của nhiều ngân hàng, miễn là đúng quy định cho phép. Song thực tế có cổ đông của các ngân hàng lập ra công ty con, vay tiền ngân hàng để đầu tư ngân hàng khác tạo ra một mạng nhện sở hữu giữa các ngân hàng, làm tăng rủi ro cho hoạt động các ngân hàng. “Hiện nay chúng tôi đang tiến hành làm rõ việc sở hữu chéo ngân hàng”, ông Bình tái khẳng định. Ông cho biết NHNN sẽ ban hành một loạt quy định mới để xử lý các bất cập hiện nay. Như năm 2013, hệ thống pháp luật về sở hữu chéo sẽ được ban hành, làm minh bạch hệ thống ngân hàng.
Xem thêm:
* VPBank: Cổ đông “lạ” Châu Thổ và sự “biến mất” bí ẩn của Techcombank
* TienPhongBank: Câu chuyện về đứa con đẻ của FPT
* MaritimeBank: Sóng gió biển cả quật ngã một thương hiệu
* Hé lộ hậu trường thương vụ Sacombank
* VietABank: Tập đoàn Việt Phương “soán ngôi” Chủ tịch từ S.J.C
* “Mạng nhện” sở hữu giữa ACB với KienLongBank, DaiABank, Eximbank, VietBank và VietABank
Lan Nhi
TBKTSG
|