Thứ Hai, 26/11/2012 15:26

Không nên cứu mọi ngân hàng yếu

Nhiệm vụ nặng nề nhất trong năm 2013 vừa được nghị quyết của Quốc hội giao phó cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tạo chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu ngân hàng, giải quyết nợ xấu.

Navibank là ngân hàng đầu tiên bị công bố mất vốn điều lệ

Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng và giảm bớt gánh nặngtài chính quốc gia, nguồn lực của Chính phủchỉ nên tập trung vào một số ngân hàng.

Thanh khoản chưa êm, nợ xấu ít biến chuyển

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội cuối tuần qua về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ cho rằng, NHNN về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Tính đến quý III/2012, hệ thống các tổ chức tín dụng dư thừa vốn khả dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù thanh khoản đã được cải thiện, nhưng vẫn trong tình trạng bấp bênh. Cụ thể, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay có vẻ được cải thiện, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro lớn, do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn (chủ yếu ngắn hạn) và sử dụng vốn (chủ yếu dài hạn).

Biểu hiện của thanh khoản hệ thống chưa vững chắc, theo Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), hiện tượng vượt trần lãi suất chưa bao giờ chấm dứt từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong 2 tháng gần đây.

Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu, theo báo cáo của Chính phủ, đã có những bước tiến khả quan. Song theo Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô, xử lý nợ xấu gần 1 năm qua chưa có nhiều tiến bộ rõ ràng.

Minh chứng cho ý kiến này, Nhóm tư vấn đưa ra số liệu nợ xấu mà NHNN công bố thời điểm ngày 31/3/2012 là 8,6%, tương đương 202.000 tỷ đồng. Đến tháng 6/2012, nhờ cơ cấu lại nợ, nợ xấu của hệ thống đã giảm được 36.000 tỷ đồng, nhưng vẫn tương đương 8 - 10% tổng dư nợ tín dụng. Điều này cho thấy, số tiền mà các ngân hàng bỏ ra để tái cơ cấu các khoản nợ trước đó tương đương số tiền nợ xấu phát sinh thêm trong giai đoạn này. Do đó, việc giãn, hoãn hay khoanh nợ không xử lý được nợ xấu, vì bản chất nợ không thay đổi.

Lý giải cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng chậm trễ so với dự kiến, báo cáo của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế được đưa ra cuối tuần qua cũng chỉ rõ: đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy trình. Điều này mâu thuẫn với đòi hỏi phải giải quyết nhanh các vụ việc phát sinh để hạn chế ảnh hưởng đến hệ thống.

Ngoài rào cản trên, báo cáo cũng đưa ra một số rào cản đến quá trình tái cơ cấu ngân hàng. đó là, sự thiếu hợp tác, thậm chí chống đối, từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại yếu kém. Ngoài ra, nguồn lực tài chính quốc gia có hạn cũng ảnh hưởng đến tiến trình này.

Ngân sách chỉ tập trung xử lý nợ xấu ở một số ngân hàng

Đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa phê duyệt Đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, có khả năng công ty này có quy mô vốn khoảng 100.000 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam cần tới 250.000 - 300.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Có khả năng Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu để xử lý nợ xấu. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên nợ công.

Theo Tổ chức Business Monitor International (BMI), nếu số tiền xử lý nợ xấu được lấy hoàn toàn từ phát hành trái phiếu, thì tổng nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng từ 48,9 tỷ USD năm 2012 lên 67 tỷ USD vào năm 2013.

“Để giảm thiểu tiêu cực cho nền kinh tế, Chính phủ chỉ nên hỗ trợ những ngân hàng có khả năng phát triển và để cho những ngân hàng yếu kém phá sản”, đại diện Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô khuyến cáo.

Mặt khác, như báo cáo nêu trên của Chính phủ, sự chống đối của một số cổ đông và sự hạn hẹp về tài chính là rào cản tái cơ cấu ngân hàng. Do đó, việc tập trung nguồn lực cho một số ngân hàng sẽ khiến hiệu quả sử dụng nguồn lực tăng thêm, đồng thời, gây sức ép cho các ngân hàng yếu kém. Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Trên quan điểm khác, ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc NHNN khẳng định, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không chỉ đơn thuần là xử lý nợ xấu. Yếu tố then chốt trong tái cơ cấu ngân hàng tới đây là nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, chứ không phải là mua bán, sáp nhập hay xử lý nợ xấu.

Hà Tâm

đầu tư

Các tin tức khác

>   Kết thúc thanh tra, kiểm toán 9 ngân hàng (26/11/2012)

>   Vì sao ngân hàng Phương Tây khó thu hồi khoản nợ 1.315 tỉ đồng? (26/11/2012)

>   Sở hữu chéo Ngân hàng: Rủi ro cao, mối nguy lớn! (26/11/2012)

>   Ì ạch cho vay tiêu dùng (26/11/2012)

>   'Ông lớn' ngân hàng bi quan về lợi nhuận 2013 (26/11/2012)

>   Huy động vàng trong dân: Nên phát hành chứng chỉ, trái phiếu (25/11/2012)

>   Ngân hàng nào lương giảm 'khủng' nhất? (25/11/2012)

>   Trái phiếu trúng thầu tăng đột biến, dấu hiệu lãi suất sẽ hạ (24/11/2012)

>   Xử lý nợ xấu, vướng từ khâu định giá tài sản (24/11/2012)

>   Ngân hàng thận trọng đẩy vốn vào bất động sản (24/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật