Thứ Hai, 05/11/2012 17:31

Gọi vốn quốc tế không dễ!

Huy động vốn trên thị trường quốc tế thành công với mức giá hợp lý đang là bài toán đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam.

Giá nào?

Thời gian qua đã có một số doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam chào vốn thành công trên trường quốc tế như Tập đoàn VinGroup (HOSE: VIC) trong năm 2012 đã phát hành trái phiếu chuyển đổi và niêm yết trên thị trường Singapore khoảng 300 triệu USD, (trước đó năm 2009 khoảng 100 triệu USD) với mức lãi suất coupon là 5%/năm, thanh toán 6 tháng một lần vào cuối kỳ. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) (HOSE: HAG) đã phát hành 24,3 triệu chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) để niêm yết trên thị trường London với tổng giá trị trên 60 triệu USD vào năm 2011. CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group) cũng công bố đã huy động được 235 triệu USD gồm khoản trái phiếu chuyển đổi 155 triệu USD (với trái tức 5%/năm và mỗi năm tăng thêm 1%) cho tập đoàn và khoản vay 80 triệu USD cho Công ty Masan Resouce.

Sự thành công trong gọi vốn quốc tế của các DN tư nhân trên đã thúc đẩy các DN Việt Nam cũng muốn thu hút vốn từ con đường này. Nhưng để gọi được vốn trên thị trường vốn quốc tế thì DN cần phải làm gì và có những tiêu chuẩn gì? Giá phải trả cho huy động vốn quốc tế là bao nhiêu? Chi phí cho việc mời gọi vốn như thế nào? Việc sử dụng vốn sau huy động?...

Các điều kiện đáp ứng gọi vốn quốc tế không phải DN nào cũng đủ tiêu chuẩn. Vừa qua, cũng chính HAGL đã phải hủy niêm yết trái phiếu trị giá 90 triệu USD (trả trái tức tới 9,875%/năm trong khi lãi suất USD trên thị trường quốc tế 4-5%/năm) trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX). CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) (HOSE: VNM) năm 2011 cũng đã hủy niêm yết cổ phiếu trên SGX do gặp nhiều thủ tục giữa Trung tâm lưu ký Việt Nam và Singapore cũng như đối mặt với những điều kiện về cổ đông khác nhau.

Bên cạnh việc phải trả chi phí lãi cho các công cụ huy động vốn khá cao so với lãi suất USD cùng thời điểm (do vị thế thương mại cũng như uy tín DN), thì điều kiện về chuẩn mực kế toán của Việt Nam đang không khớp với chuẩn quốc tế cũng như việc minh bạch thông tin chưa như mong đợi của các nhà đầu tư (NĐT) quốc tế làm cản trở giá và lãi suất phát hành công cụ huy động vốn của các DN Việt.

Hiện nay thị trường vốn trong nước đang gặp khó khăn, nhu cầu tìm đến các NĐT quốc tế để huy động vốn cho các dự án tốt, đặc biệt trong các dự án khoáng sản, bất động sản (BĐS), dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng vẫn rất lớn, ông Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCK cho biết. Tuy nhiên, để huy động thành công với mức giá hợp lý đang là bài toán đặt ra với các DN Việt Nam.

Để gọi vốn thành công

Theo ông Nguyễn Sơn, hiện nay bên cạnh khung pháp lý Việt Nam đã tạo cơ hội cho các DN Việt tiếp cận các dòng vốn trên thị trường vốn quốc tế và đây cũng là thời điểm mà mức suy giảm thị trường đã coi như đáy và giá trị DN Việt Nam được định giá ở mức rất thấp nên là cơ hội cho nhiều NĐT nước ngoài.

Để gọi vốn ngoại thành công, các DN Việt phải khắc phục các nhược điểm của mình. Theo ông Long Ngo – Trưởng phòng cấp cao Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSE), một trong những khó khăn mà DN Việt Nam sẽ gặp phải khi tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế, đó là trình độ quản trị DN còn yếu kém và thiếu minh bạch. Chi phí cho một giao dịch niêm yết ở nước ngoài cao hơn nhiều so với trong nước do sự tham gia bảo lãnh phát hành quốc tế được công nhận. Do vậy, DN cần phải tối đa hóa giá trị DN trước khi IPO.

Trong 10 năm qua, có 558 tỷ USD vốn cổ phần huy động được từ IPO cho các DN châu Á thì có 59 tỷ USD là huy động ngoài châu Á và trong đó có 20 tỷ USD là huy động từ LSE.

Nếu DN Việt muốn niêm yết trên LSE phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe như: báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế, phải có các kiểm soát chuẩn về việc soạn thảo lập báo cáo tài chính, có các chương trình chống gian lận, có bộ phận kiểm toán nội bộ hữu hiệu, có quản trị và cấu trúc DN rõ ràng với một chiến lược phát triển và lịch sử hình thành nguồn vốn hấp dẫn, có danh tiếng và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội…

Việc DN chuẩn bị cho niêm yết không chỉ để hấp dẫn các NĐT mà DN cần phải xem xét cẩn thận đối với các giấy phép cũng như các kế hoạch để duy trì hoạt động đã đề ra. Ngoài đơn vị tư vấn thì DN cũng cần có đơn vị bảo lãnh để bán chứng khoán thành công và sẽ không có mâu thuẫn về quyền lợi giữa những đơn vị tham gia.

Tiến một bước xa hơn, để cổ phiếu DN Việt Nam niêm yết trực tiếp trên thị trường chứng khoán nước ngoài đòi hỏi phải có sự thông nhau giữa hệ thống lưu ký của Việt Nam với nước ngoài, chuẩn mực kế toán hai bên phải gần giống nhau, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa sở giao dịch chứng khoán của hai nước về công bố thông tin, giải quyết những khác biệt đặc thù như mệnh giá cổ phiếu, trading block (giao dịch lô lớn). Theo ông Nguyễn Sơn, nhiều DN Việt Nam đi vào thị trường vốn quốc tế bằng trái phiếu, vì việc phát hành cổ phiếu còn nhiều phức tạp. Trong đó có vấn đề tự do hóa dòng vốn còn nhiều quan ngại, hạn chế về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài từ 30-49%, hay như vấn đề trả cổ tức cho các NĐT nước ngoài.

Quang Anh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Triển vọng đầu tư mới tại Việt Nam (05/11/2012)

>   Các vùng hỗ trợ mạnh sắp bị phá vỡ hoàn toàn (05/11/2012)

>   INN: Thông qua danh sách cổ đông mua cổ phiếu lẻ, dôi dư (05/11/2012)

>   Công ty chứng khoán "trú bão" (05/11/2012)

>   Cổ phiếu "gia đình" ông Đặng Văn Thành tiếp tục giảm sàn (05/11/2012)

>   Cổ đông PGD sẽ dùng “biện pháp mạnh” (05/11/2012)

>   05/11: Bản tin đầu tuần (05/11/2012)

>   Quỹ đầu tư ngoại: Chờ thời (04/11/2012)

>   Tháng 10: Tự doanh CTCK mạnh tay cắt lỗ (04/11/2012)

>   Sắp buộc CTCK quản lý tách bạch tài khoản (03/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật