Công ty chứng khoán "trú bão"
Các công ty chứng khoán đang tự sắp xếp hoặc cấu trúc lại để sống sót qua "bão".
Trong tháng 10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tạm ngừng giao dịch đối với hai công ty chứng khoán (CTCK) gồm: Golden Bridge Việt Nam (GBS) và CTCK Tràng An (TAS). GBS chỉ tạm ngừng giao dịch trong vòng 10 ngày và TAS tạm ngừng trong vòng 6 tháng do vi phạm trong hoạt động thanh toán. Điều này cho thấy, UBCKNN đang mạnh tay với các sai phạm cũng như tái cấu trúc CTCK. Thế nhưng, liệu quyết tâm đó có mang lại kết quả như mong muốn hay không thì cần phải có thời gian.
Chủ động "trú bão"
Bên cạnh việc các CTCK bị UBCKNN buộc ngừng hoạt động do sai phạm thì đã có nhiều công ty tự xin ngừng hoạt động. Ngày 2/11 tới đây, CTCK Âu Việt (HNX: AVS) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để lấy ý kiến về việc tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên giao dịch tại hai Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM. Nếu được thông qua, điều này đồng nghĩa với việc AVS tự chủ động ngừng hoạt động môi giới. Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc AVS cho hay, công ty sẽ có thông báo để nhà đầu tư chuyển tài khoản sang các CTCK như SSI hoặc Đông Á sau khi phương án ngừng môi giới được cổ đông thông qua.
Lý do ngừng hoạt động được Ban điều hành AVS cho biết, do đánh giá thị trường chứng khoán của Việt Nam sẽ còn ảm đạm kéo dài, nhanh nhất thì cũng 3 - 4 năm sau mới hồi phục trở lại. Dù mảng dịch vụ môi giới của AVS thời gian qua không bị thua lỗ, nhưng cũng không có lời, vì vậy không cần thiết phải tiếp tục duy trì lâu hơn.
Từ giữa tháng 6 vừa qua, CTCK Chợ Lớn cũng đã chủ động tạm ngừng hoạt động môi giới và chuyển tài khoản các nhà đầu tư sang CTCK TP.HCM (HOSE: HCM). Đại diện công ty này cho biết, đây là hành động "trú bão" của Hội đồng quản trị vì nhận định TTCK còn quá khó khăn. Trong thời điểm hiện tại, nếu muốn cạnh tranh được, công ty cần phải tăng vốn để hỗ trợ các dịch vụ cho nhà đầu tư như margin, đầu tư phát triển công nghệ... Tuy nhiên, việc tăng vốn lúc này khó khả thi khi các cổ đông cũng đã ngán ngẩm vì giao dịch trên thị trường khá èo uột. Công ty sẽ tiếp tục duy trì nhân sự khoảng 10 người đến hết năm nay để chờ xem thị trường có khởi sắc lại hay không. Nếu không, kịch bản giải thể hay sáp nhập cũng đã được tính đến.
Thu không đủ bù chi
Một số CTCK cũng thông báo rút nghiệp vụ môi giới, cụ thể như: CTCK Trường Sơn, CTCK Hà Nội, CTCK Gia Anh, CTCK Đông Dương. Bản thân CTCK Đông Dương một thời đã nổi trên thị trường với mô hình sàn giao dịch cổ phiếu OTC thu hút hàng trăm nhà đầu tư đến sàn hàng ngày. Thế nhưng giữa tháng 12/2011, công ty này đã có thông báo gửi khách hàng về việc tạm ngưng nghiệp vụ môi giới với lý do thiếu vốn nên không thể duy trì các hoạt động kinh doanh không mang lại nhiều doanh thu nhưng ngốn chi phí lớn.
Có thể thấy, mặc dù nghiệp vụ môi giới là hoạt động chính của các CTCK, nhưng với giá trị giao dịch lèo tèo ở mức 500 - 600 tỉ đồng/ngày trên cả hai sàn hiện nay thì mức phí thu được của các CTCK là khá thấp. Đó là chưa kể trong 105 CTCK được cấp phép, nhưng Top 10 CTCK dẫn đầu đã chiếm tới gần 60% thị phần môi giới, gồm những tên tuổi lớn như: CTCK TP.HCM, Sài Gòn, FPT, Maybank Kim Eng, Bảo Việt, ACBS…
Như vậy, "miếng bánh" còn lại chừng hơn 40% là quá nhỏ bé nếu đem ra chia đều cho hơn 90 CTCK khác. Với mức phí giao dịch từ 0,15 - 0,3% như hiện nay, số thu từ phí môi giới hiện không đáng kể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên thua lỗ cho nhiều CTCK, nhất là các công ty vừa và nhỏ chỉ có hoạt động môi giới và lưu ký chứng khoán.
Đọc báo cáo tài chính (BCTC) của các CTCK nhỏ sẽ thấy rõ hơn điều đó. Ví dụ, doanh thu về môi giới quí 3/2012 của CTCK Hồng Bàng chỉ đạt 109,9 triệu đồng trên tổng doanh thu 403,8 triệu đồng. Trong khi đó chi phí hoạt động kinh doanh là 682,3 triệu đồng và chi phí hoạt động của công ty lên đến hơn 1 tỉ đồng, khiến công ty bị lỗ tổng cộng 1,32 tỉ đồng. Hay CTCK Thành Công trong tổng doanh thu quí 3/2012 là 7,27 tỉ đồng thì doanh thu môi giới chỉ có 53,68 triệu đồng…
Khó mua bán, sáp nhập
Đặt câu hỏi mua bán sáp nhập với nhiều CTCK kể cả lớn hay nhỏ thì hầu hết câu trả lời là không có nhiều khả năng. Bởi theo phân tích, một CTCK đã có thị phần ít ỏi, số lượng khách hàng không nhiều thì lấy gì để thu hút nhà đầu tư mới tham gia góp vốn, có chăng giá trị chỉ còn nằm lại ở giấy phép hoạt động chứng khoán mà đối với những người mới thì việc xin giấy phép đó sẽ khó khăn.
Tổng giám đốc một CTCK thừa nhận, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hiện qui định cho phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn ngoại đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2012. Vì vậy, nếu các nhà đầu tư nước ngoài thật sự muốn tham gia vào Việt Nam thì có thể mở công ty riêng của mình. Thà chấp nhận đầu tư mọi thứ ngay từ ban đầu còn hơn đi mua một thương hiệu vốn đã không để lại ấn tượng tốt trên thị trường.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Mở TP.HCM) cũng cho rằng, ở thời điểm hiện tại việc tìm kiếm nhà đầu tư mới để góp vốn, mua lại các CTCK khó thành công. Có chăng một số tổ chức nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam và đã góp vốn vào các CTCK có thể gia tăng số cổ phần sở hữu lên để nắm quyền chi phối. Tất nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa cánh cửa mua bán CTCK đã hoàn toàn đóng kín. Theo một chuyên gia kinh tế, cũng có thể có một vài trường hợp M&A xảy ra, nhưng phải "thuận mua vừa bán".
Siết chặt quản lý
Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 165/2012/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/12/2012. Theo đó sẽ đưa CTCK vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Đó là khi CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 12%; không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn 12 tháng; không báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong 2 kỳ báo cáo liên tiếp hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định; ngoại trừ một số các chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu loại các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%.
|
Lê Yến
diễn đàn doanh nghiệp
|