Thứ Tư, 28/11/2012 15:45

EU quy định về quản lý cơ quan xếp hạng tín nhiệm

Ủy ban châu Âu (EC), Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu ngày 27/11 đã đạt được thỏa thuận về các quy định mới liên quan tới việc quản lý các cơ quan xếp hạng tín nhiệm.

Hãng xếp hạng tín nhiệm như Standard and Poor's.

Trong thông báo ra cùng ngày, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận quan trọng vừa đạt được về các quy định bổ sung đối với một số cơ quan xếp hạng tín nhiệm, qua đó giúp làm giảm sự phụ thuộc quá mức vào các đánh giá xếp hạng, loại trừ xung đột lợi ích và thiết lập một cơ chế trách nhiệm dân sự.

Theo ông Barnier, các cơ quan này sẽ phải minh bạch hơn khi đánh giá các khoản nợ công của các nước nhằm tránh gây bất ổn cho các thị trường tài chính. Ngược lại, các cơ quan này cũng có thể bị kiện nếu đưa ra những đánh giá sai đối với các nền kinh tế.

Những quy định mới được đưa ra sau khi một số cơ quan xếp hạng tín nhiệm như Standard and Poor's, Fitch hoặc Moody's liên tục đưa ra các đánh giá gây tranh cãi và bị chỉ trích là tác nhân gây nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Trong khi đó, đề cập đến thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) vừa đạt được về việc giảm tỷ lệ nợ công tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giải ngân 43,7 tỷ euro (57 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên Eurozone này khẳng định IMF và Eurozone đã cứu Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra vào cuối năm nay. Mặc dù phải đối mặt với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" ngặt nghèo hơn, song các nhà lãnh đạo cho rằng thỏa thuận trên đã giảm thiểu nguy cơ nước này phải rời khỏi Eurozone.

Thủ tướng Antonis Samaras nói: "Với cam kết trên, Hy Lạp đã đảm bảo được vị trí trong Eurozone". Cựu Thủ tướng Evangelos Venizelos, hiện là Chủ tịch đảng Xã hội Pasok thuộc liên minh cầm quyền, mô tả thỏa thuận trên là "sự khởi đầu mới" đối với Hy Lạp. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng đối lập cánh tả Syriza, ông Alexis Tsipras coi thỏa thuận giữa IMF và Eurozone không phải là giải pháp, vì nó không phải là kế hoạch khả thi đối với đất nước mà nền kinh tế đang tiếp tục suy giảm dưới tác động của các biện pháp khắc khổ.

Liên quan đến chính sách "thắt lưng buộc bụng", ngày 27/11, hàng chục nghìn người dân Tây Ban Nha và Hy Lạp đã xuống đường biểu tình phản đối điều kiện quá ngặt nghèo của các nước chủ nợ để đổi lấy các gói cứu trợ dành cho Madrid và Athens.Tại thủ đô Athens của Hy Lạp, hàng nghìn người dân thuộc nhiều ngành kinh tế và sinh viên đại học đã biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ cắt giảm việc làm, chi tiêu công và tăng thuế..., cho rằng chính sách khắc khổ này chủ yếu nhằm vào những đối tượng thuộc khu vực kinh tế nhà nước.

Tại Tây Ban Nha, khoảng 75.000 nhân viên y tế đã tham gia tuần hành tại Madrid trong ngày thứ hai của cuộc biểu tình nhằm phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng", theo đó cắt giảm mạnh ngân sách dành cho y tế. Những người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ với nội dung phản đối kế hoạch cắt giảm ngân sách đối với các bệnh viện.

Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã công bố kế hoạch cắt giảm 7 tỷ euro (9,1 tỷ USD) ngân sách dành cho y tế mỗi năm, coi đây là một phần trong chiến dịch cắt giảm 102 tỷ euro ngân sách Tây Ban Nha trong vòng 2 năm đến 2014.

Trong động thái khác, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ tăng quy mô quỹ chống khủng hoảng đặc biệt lên 23 tỷ euro trong năm 2013, so với 18 tỷ euro trong năm nay, nhằm hỗ trợ các vùng tự trị đang gặp khó khăn về tài chính của nước này. Trong năm 2012, có 9 vùng tự trị của Tây Ban Nha nhận được khoản tín dụng hỗ trợ với tổng giá trị 18 tỷ euro, trong đó Catalonia được 5,4 tỷ euro, Valencia - 3,5 tỷ euro, Andalucia - 4,9 tỷ euro, Castilla-La Mancha - 848 triệu euro ... Tuy nhiên, để đổi lấy khoản tín dụng này, các vùng tự trị cần phải điều chỉnh chi tiêu và áp dụng các biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách của mình.

Quỹ chống khủng hoảng đặc biệt của Tây Ban Nha được chính phủ thành lập hồi tháng 7 vừa qua nhằm hỗ trợ các vùng tự trị đang bị các chủ nợ hối thúc. Hiện Tây Ban Nha có 17 vùng tự trị, bị mệnh danh là chiếc "thùng không đáy", thủ phạm hút đến 2/3 tổng nợ công toàn quốc.

vietnam+

Các tin tức khác

>   Mỹ vẫn khẳng định Trung Quốc không thao túng tiền tệ (28/11/2012)

>   Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh vào 2013 (27/11/2012)

>   Khối ngân hàng EU muốn trì hoãn thực thi Basel III (27/11/2012)

>   Thêm ngân hàng của Thụy Sĩ đang bị Mỹ điều tra (27/11/2012)

>   Thống đốc tương lai của NHTW Anh xuất sắc đến đâu? (27/11/2012)

>   Nghi án rửa tiền gây chấn động thế giới (27/11/2012)

>   Vai trò của các nước BRICS trong bối cảnh suy thoái toàn cầu (27/11/2012)

>   Kinh tế Italy có thể bắt đầu phục hồi vào giữa 2013 (27/11/2012)

>   Người dân Đức kiểm tra kho vàng quốc gia (27/11/2012)

>   NHTW Anh bất ngờ bổ nhiệm người Canada vào vị trí Thống đốc (27/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật