Đua tạm trữ: Chỉ DN hưởng lợi!
Chính sách thu mua tạm trữ thường bắt đầu từ đề xuất của hiệp hội ngành hàng với mục đích “giúp nông dân” nhưng kết quả không như mục tiêu ban đầu.
Việc đầu tiên trong chính sách thu mua tạm trữ là kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp cho doanh nghiệp (DN) và nông dân. Tuy nhiên, khi vay được vốn, DN lại phó mặc việc thu mua và giá cả cho đại lý, thương lái. Còn khi không thấy vốn vay rẻ đâu thì DN đua nhau… chối bỏ việc thu mua tạm trữ.
Xin tạm trữ để được vay rẻ
Gạo là ngành đầu tiên làm chính sách thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, sau nhiều lần thực hiện, mục đích giúp người nông dân vẫn không đạt được, phương án tạm trữ đang… bàn lại. Mới đây, các ngành cà phê, cá tra cũng có đề xuất tương tự với cùng mục tiêu.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết vừa kiến nghị Chính phủ cho tạm trữ 300.000 tấn cà phê ngay đầu vụ 2012-2013. Hiệp hội sẽ thu mua theo hai hướng: Một là DN đưa ra giá thu mua đảm bảo nông dân có lãi 30%-40% và tạm trữ trong kho của DN. Hai là nông dân tự tạm trữ theo dạng ký gửi trong kho của DN và bán theo giá thị trường.
Thế nhưng khi được hỏi DN có trực tiếp thu mua hoặc cho nông dân ký gửi tại kho không thì ông Hải cho biết: Chỉ số ít DN lớn làm được. Đa phần DN thu mua cà phê qua đại lý, thương lái nên khó kiểm tra xem nông dân có bán được giá hợp lý (hơn 40.000 đồng/kg) hay không. Như vậy trường hợp đại lý, thương lái làm ăn mất uy tín, vỡ nợ thì nông dân càng thiệt hại.
Lợi ích thu mua tạm trữ có đến được tay nông dân hay không? Trong ảnh: Nuôi cá tra xuất khẩu ở An Giang.
|
Ngược lại, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VICOFA, cho rằng DN cà phê không thiếu vốn nên không cần vay lãi suất 0%, chỉ những DN yếu tài chính mới cần hỗ trợ để… đỡ run. “Ngành cà phê cũng sợ kiểu làm như ngành gạo lắm! Làm được thì không sao chứ cứ mua giá thấp hoài nông dân chửi chết. Cái lo lớn nhất là khâu thu mua qua đại lý, thương lái. Theo tôi, nông dân chỉ nên bán cho các DN lớn, uy tín” - ông nói.
Vào cuối tháng 6-2012, theo thông tin từ chính Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiệp hội đã đề xuất chương trình thu mua tạm trữ 100.000 tấn cá tra trong dân. Theo đó, DN tham gia được hỗ trợ lãi suất 0% trong bốn tháng, giá thu mua tối thiểu là 24.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các DN thành viên lẫn đại diện VASEP đều phủ nhận đề xuất trên. “Có ai đề xuất tạm trữ cá tra đâu? DN vay vốn còn không được chứ nói gì đến thu mua tạm trữ. Chính phủ nói có gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng cho nông nghiệp nhưng chưa DN nào nhận được một đồng. Vì thế không thể có chuyện tạm trữ cá tra giúp nông dân được” - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, trả lời.
Còn ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Gò Đàng (AGD), thì nói có nghe tin hiệp hội đề xuất xây dựng quỹ cho DN vay thu mua tạm trữ 100.000 tấn cá tra từ giữa năm nhưng chắc không làm được. “Hiện cả người nuôi cá tra và DN đều khó khăn. Thu mua với mức giá đảm bảo cho nông dân lãi 30% từ đầu vụ thì dễ nhưng do DN không có vốn nên chẳng ai nhắc đến tạm trữ nữa. Chính phủ có chỉ đạo hỗ trợ nguồn vốn cho DN nhưng ngân hàng không cho vay thì biết làm sao? Theo tôi đây không phải là thời điểm để thu mua tạm trữ” - ông Đạo chia sẻ.
Tại sao không cho nông dân vay lãi suất 0%?
Tại sao không hỗ trợ nông dân vay vốn lãi suất 0%? Tại sao DN thì sẵn sàng được cho vay lãi suất 0% trong khi nông dân chỉ được vay lãi suất thấp? Sợ bị nông dân “quỵt nợ” chứ không sợ DN sao? Đó là những câu hỏi GS Võ Tòng Xuân đặt ra đối với chính sách thu mua tạm trữ ở các ngành hàng xuất khẩu.
GS Xuân cho rằng chính sách tạm trữ phải có kế hoạch, phải đem lại lợi ích rõ ràng cho nông dân mới nên đưa vào thực tế. Tạm trữ là yêu cầu cần thiết để điều tiết lượng xuất khẩu, giữ cho giá khỏi giảm sâu vào đầu vụ khi nguồn cung tăng đột biến. Tạm trữ còn giúp nông dân tiêu thụ lượng hàng lớn để trang trải chi phí. Tuy nhiên, quan trọng là cách làm. DN chỉ muốn “chực” hưởng lợi thì chính sách không bao giờ có hiệu quả.
Theo ông Đỗ Hà Nam (VICOFA), một số hiệp hội “kêu” không thu mua tạm trữ trực tiếp từ nông dân được nhưng thực tế họ có thể làm tốt. “Kêu” là bởi vì nếu làm theo cách đó, DN không được lợi lộc gì, mất cơ hội mua giá thấp, kiếm lời đầu vụ.
Ông khẳng định ngành cà phê sẽ làm tốt chính sách này. Hiệp hội đang khuyến khích một số DN có tiềm lực tài chính tự đứng ra thu mua tạm trữ. Nông dân có thể ký gửi vào kho đại lý của DN chờ khi nào giá cao thì bán, DN vẫn mua. Bên cạnh đó, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ nông dân vay vốn trang trải chi phí giống, phân bón, thuốc… để khỏi bán ra giá thấp, kéo giá nội địa xuống.
Mặt khác, phát biểu với tư cách Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu ông Đỗ Hà Nam nhận định: Theo nguyên tắc thị trường, nước xuất khẩu nào kiểm soát hơn 30% lượng hàng trên thị trường thế giới thì DN, nông dân có thể dự trữ hàng đợi giá. Nông dân ngành hồ tiêu đang làm tốt việc trữ hàng chờ giá cao thì bán và thu được hiệu quả. “Cần duy trì cách làm này vì Việt Nam đang nắm giữ 50% lượng hồ tiêu của thế giới đủ sức chi phối, điều tiết giá cả thị trường” - ông nói.
Không phải ngành nào cũng tạm trữ xuất khẩu được
Một số chuyên gia khác lại cho rằng phải tùy từng ngành hàng để áp dụng chính sách thu mua tạm trữ. Chẳng hạn ngành cá tra rất đặc thù, nông dân không thể tạm trữ vì không có kho lạnh, không thể chế biến, hỗ trợ vốn cho họ cũng không cứu được toàn ngành. Trong trường hợp này cần đến “bàn tay” của DN. DN phải thu mua tạm trữ cá sống từ nông dân, chế biến rồi mới đem vào kho lạnh bảo quản.
|
QUANG HUY
pháp luật tpchm
|