Bôxit Tân Rai lại lùi ngày vận hành
Sau rất nhiều lần “hứa” và “dời”, cuối cùng ngày vận hành của Nhà máy bôxit Tân Rai đến nay vẫn chưa thể tiến hành như dự kiến vào 1-11-2012.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Bội Lợi, giám đốc Ban quản lý dự án bôxit - nhôm Lâm Đồng, cho biết:
Hồ chứa bùn đỏ quanh nhà máy alumin vẫn tiếp tục thi công - Ảnh: MAI VINH
|
- Nhà máy alumin là trung tâm của tổ hợp và phụ thuộc vào các công trình vệ tinh như nhà máy điện, cấp nước, tuyển quặng, khu khai thác mở, hồ bùn đỏ... Hiện nay các công trình vệ tinh này cũng như nhà máy alumin cơ bản đã hoàn thành nhưng hoạt động chưa ổn định và đồng bộ. Mới đây, trong quá trình ủ mầm, một khúc gỗ không biết từ đâu rơi vào và xuất hiện rác nên phải mất nhiều thời gian khắc phục.
Nhà máy điện có hai tổ máy với 15MW/tổ máy nhưng quá trình chạy thử thì công suất các tổ máy này trồi sụt, không đạt yêu cầu. Tuyến băng chuyền tải quặng tinh trong nhà máy bị ngưng trệ do quặng bị ướt khi gặp mưa. Hồ chứa bùn đỏ đã hoàn thành hai khoang nhưng đang phải đợi đội đặc nhiệm (Bộ Tài nguyên - môi trường) đến kiểm tra.
Do vậy, nhà máy chắc chắn sẽ không hoạt động vào ngày 1-11 như dự kiến, hi vọng đầu tháng 12 nhà máy mới cho ra sản phẩm.
* Có phải nhà thầu chính Chaleico (Trung Quốc) không bàn giao nhà máy do Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) chưa thanh toán đủ tiền tương ứng với khối lượng công việc?
- Tôi khẳng định TKV không thiếu tiền để thanh toán cho nhà thầu chính, nhưng họ phải đảm bảo đúng các thủ tục theo quy định của Việt Nam.
* Thưa ông, tại sao mốc đưa nhà máy vào hoạt động liên tục bị dời?
- Chúng tôi phụ thuộc vào mốc thời gian do nhà thầu đưa ra. Quan trọng hơn, sản xuất alumin là công nghệ mới, chúng tôi chưa thể biết hết nên phụ thuộc nhiều vào nhà thầu chính. Trong khi đó nhà thầu này lại phụ thuộc nhiều nhà thầu phụ khác nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ. Ngoài ra, TKV cũng không lường hết được mọi rủi ro trong quá trình thực hiện dự án như thời tiết, thủ tục pháp lý.
* Theo như ông nói thì một thời gian ngắn nữa nhà máy alumin sẽ hoạt động, phương án vận chuyển đã được TKV tính toán như thế nào?
- Từ trước đến giờ báo chí có cái nhìn phiến diện, cứ cho rằng chúng tôi phải có toàn bộ trách nhiệm trong việc cải tạo và nâng cấp các tuyến đường mà phương tiện vận chuyển bôxit sẽ đi qua. Thực tế, với công suất 600.000 tấn alumin/năm thì lưu lượng vận chuyển chỉ chiếm 2% trên các tuyến đường này. Đúng ra việc làm đường phải do Bộ Giao thông - vận tải quyết định, nhưng Chính phủ chỉ đạo TKV phải có trách nhiệm nên chúng tôi phải bố trí vốn. Đến hiện tại Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn.
* Ông có lo ngại điều gì khi nhà máy alumin đi vào hoạt động?
- Tôi lo lắng vì công trình này có khoảng 14.000 thiết bị, 6.000 van các loại nên có nhiều hỏng hóc khó lường. Trong khi đó, nhiều nhà thầu phụ không quay lại Việt Nam để kiểm tra các hạng mục do mình đảm trách vì giá trị hợp đồng nhỏ. Các nhà thầu này được nhà thầu chính thuê lại nên chúng tôi khó quản lý, làm ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn của nhà máy.
Lê Dung - Mai Vinh
tuổi trẻ
|