Thứ Tư, 31/10/2012 11:16

Coi chừng siêu bộ

Việt Nam có thể thành lập một cơ quan ngang bộ chuyên quản lý các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu và đó có thể là một “siêu bộ”. Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, vừa đưa ra gợi ý trên.

Nếu được thành lập, siêu bộ sẽ quản lý các tập đoàn lớn như Bưu chính Viễn thông.

Theo ông Dũng, cơ quan này nếu thành lập sẽ tách chức năng quản lý hành chính của Nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm chính đối với kết quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng việc không phân định rõ 2 chức năng có thể tạo ra tình huống vừa đá bóng, vừa thổi còi. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp sai phạm, trách nhiệm và việc xử lý sai phạm vẫn chưa được phân định rõ. Do đó, việc thành lập một cơ quan chuyên biệt sở hữu các tập đoàn nhà nước có thể sẽ mang lại một nét mới trong công tác điều hành của Chính phủ.

Theo ông Doanh, mô hình này chỉ có thể thành công nếu đi kèm với nó là cải cách các doanh nghiệp nhà nước, các luật lệ và mô hình quản lý. Đặc biệt, cơ quan đó không được ôm đồm quá nhiều công ty như Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

SCIC đang gặp khó khăn trong việc quản lý tài sản tại hơn 900 công ty nhà nước. “Cơ chế bổ nhiệm và bãi nhiệm lãnh đạo các công ty cũng phải được phân định rõ ràng, tránh trường hợp sai phạm kéo dài như ở Vinashin, Vinalines”, ông Doanh nói.

Nếu được thành lập, bộ này sẽ là một cơ quan khổng lồ, chuyên quản lý các tập đoàn lớn như dầu khí, điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông...

Nhiều công ty trong số này đang giữ thế độc quyền với sức ảnh hưởng lớn. Do đó việc dồn quyền lực vào một cơ quan như thế có thể sẽ tạo nên một sự tập trung kinh tế khủng khiếp và đó là điều đáng lo ngại.

Do đó, theo ông Doanh, Chính phủ cần phân định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các bộ, cũng như mối quan hệ với siêu bộ này nếu được thành lập. Đặc biệt, phải sửa các bộ luật như Luật Đầu tư công. Cơ chế quyết định các dự án đầu tư cũng phải minh bạch, rõ ràng, tránh cơ chế xin - cho phổ biến như hiện nay.

Trung Quốc cũng có một quan sở hữu các doanh nghiệp nhà nước là Ủy ban Giám sát tài sản công (SASAC). Ủy ban này được thành lập vào tháng 5.2003 và đang quản lý khoảng 121 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc. SASAC sở hữu các doanh nghiệp nhà nước và quản lý chúng vì lợi ích chung.

SASAC đã đạt được một số thành công. Lợi nhuận của các công ty do SASAC quản lý đã tăng từ khoảng 300 tỉ nhân dân tệ vào năm 2003 lên 1.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2007, theo Barry Naughton, Giáo sư chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh về kinh tế, sức ảnh hưởng của các công ty do SASAC quản lý cũng tăng theo. Có trường hợp, các công ty này xem các quyết định của SASAC đi ngược lại lợi ích của họ và tìm cách chống lại.

Một ví dụ tiêu biểu là sự thất bại trong thương vụ bán tài sản của hãng hàng không China Eastern Airlines cho Singarpore Airline, theo kỳ vọng của SASAC nhằm mang lại sự cạnh tranh nhiều hơn cho thị trường hàng không Trung Quốc. Tuy vậy thương vụ này đã thất bại vì sự can thiệp của Air China, dù SASAC cũng là chủ sở hữu Air China.

“SASAC phải đương đầu với các tổ chức đầy quyền lực và có các mối liên kết chính trị”, ông Naughton cho biết.

Do đó, bài học về cách quản lý của SASAC có thể rất đáng giá nếu Việt Nam muốn đi theo con đường này.

Sơn Thanh

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Đầu tư thêm cáp quang biển (31/10/2012)

>   Ngân hàng vi mô tại Việt Nam (31/10/2012)

>   Hơn 7 triệu thuê bao điện thoại rời mạng (31/10/2012)

>   Ngoại nắm đằng chuôi (31/10/2012)

>   Cũng đành gia công cho đối thủ (31/10/2012)

>   “Nên phát hành trái phiếu công trình để kích thích kinh tế” (31/10/2012)

>   Mỹ giảm thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam (31/10/2012)

>   Vinashin nợ hơn 86.000 tỉ đồng (31/10/2012)

>   HUD “sốc nặng“ vì quyết định thay Chủ tịch Hội đồng thành viên (31/10/2012)

>   “Công nghiệp ôtô Việt Nam rơi với tốc độ tên lửa” (31/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật