Chứng khoán 2013 và sức ép thanh khoản
Năm 2012, TTCK vẫn trên đà đi xuống với giá trị giao dịch sụt giảm. Tuy nhiên, sức ép thanh khoản trong năm tới sẽ còn lớn hơn khi các nhân tố hỗ trợ thanh khoản trên TTCK đang giảm dần.
Trông chờ vào… “hàng hot”
Trên TTCK Việt Nam, những cổ phiếu có thanh khoản lớn thường có hai đặc điểm: vốn điều lệ lớn, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), tài chính, chứng khoán, ngân hàng; có sóng M&A hoặc được sự quan tâm của giới đầu cơ.
Thống kê 20 mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân ngày lớn nhất trên TTCK trong 1 năm qua cho thấy, có tới 8 mã ngành chứng khoán, tài chính, ngân hàng; 9 mã trong lĩnh vực xây dựng, BĐS. Trong số này, 2 cổ phiếu có thông tin liên quan đến M&A là SHB và STB lần lượt đứng ở vị trí thứ 7, 8 về mức độ thanh khoản, ngoài ra có PVF có thông tin về lộ trình chuyển đổi mô hình hoạt động.
Những mã có thanh khoản đứng kế tiếp Top 20 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn như HQC, SHN, KSS, PVL, NVT, THV…, hầu hết đều có thị giá thấp và kết quả kinh doanh chỉ ở mức trung bình kém. Các mã này, ngoài THV có ngành nghề trồng, chế biến và kinh doanh cà phê, các đơn vị còn lại đều kinh doanh BĐS, trong đó SHN đang đối diện với nguy cơ phá sản.
Trong khi đó, cổ phiếu VNM, mặc dù DN có vốn điều lệ trên 5.560 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh tốt, liên tục báo lãi lớn, nhưng xếp hạng 171 về khối lượng giao dịch bình quân trong năm qua. FPT, cổ phiếu đáp ứng được cả tiêu chí khối lượng cổ phiếu lưu hành lớn, kinh doanh tốt, nhưng xếp hạng 127, hay PVD xếp hạng 111 về thanh khoản.
Một số cổ phiếu tốt, nhưng vốn điều lệ nhỏ cũng rơi vào tình trạng gần như không có thanh khoản, ví dụ cổ phiếu KTS có khối lượng giao dịch bình quân ngày trong vòng 1 năm qua là… 1.045 cổ phiếu, xếp hạng 663 trên tổng số 838 mã trên TTCK tập trung.
Trên thực tế, ngoại trừ những đợt mua bán mang tính thâu tóm DN, các cổ phiếu có thanh khoản cao còn lại hầu hết đều là những mã “ưa thích” của NĐT có tâm lý lướt sóng.
Thách thức duy trì thanh khoản
Tính đến thời điểm này, thanh khoản TTCK năm 2012 đã được hỗ trợ nhiều từ việc kéo dài thời gian giao dịch và giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, nếu loại bỏ yếu tố hỗ trợ thanh khoản từ 2 thương vụ M&A của các ngân hàng SHB - Habubank và Sacombank, thì thanh khoản vẫn sụt đáng kể so với năm 2011.
Do đó, nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, thanh khoản TTCK năm 2012 có thể vẫn còn tích cực hơn so với năm tới. ĐTCK ghi nhận 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu có thể làm giảm thanh khoản trên TTCK trong năm 2013. Trước hết, các dự báo mới nhất về kinh tế vĩ mô năm 2013 đến thời điểm này đều cho rằng, nền kinh tế sẽ còn đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Điều này sẽ tác động vào 2 thành tố quan trọng trên TTCK là khả năng dòng tiền chảy vào chứng khoán có thể tiếp tục giảm và chất lượng các loại chứng khoán có khả năng tiếp tục đi xuống, bởi khó khăn càng kéo dài, DN càng dễ xuống sức.
Vấn đề thứ hai là xu hướng chọn lọc, phân loại trên TTCK sẽ tăng lên. Giai đoạn 2010 - 2012, khó khăn kinh tế đã khiến các mã chứng khoán bị giảm đồng loạt. Tuy nhiên, giám đốc đầu tư một công ty quản lý quỹ trong nước nhận xét, năm 2013, những cổ phiếu tốt sẽ được quan tâm nhiều hơn và có cơ hội tăng giá trở lại, trong khi các cổ phiếu của DN làm ăn yếu kém sẽ dần mất đi sự quan tâm của nhóm đầu cơ lướt sóng. Đặc biệt, nhóm DN BĐS, tài chính, ngân hàng sang năm 2013 được dự báo là kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc sức hấp dẫn có thể sẽ tiếp tục giảm đi.
Trong khi đó, theo thống kê, thanh khoản thị trường hiện nay tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu có sóng, cổ phiếu ngành BĐS, tài chính, ngân hàng, bất kể nhiều DN trong nhóm này đang ở nguy cơ âm vốn chủ, có thể bị phá sản. Nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt, trong nhiều trường hợp lại có thanh khoản thấp, do chủ yếu được nắm giữ bởi các NĐT tổ chức, hoặc những NĐT có xu hướng nắm giữ lâu dài để hưởng cổ tức, chứ không nhằm mục tiêu lướt sóng.
Thứ ba là khả năng nhiều mã chứng khoán rời sàn niêm yết do thua lỗ vượt quá thời gian cho phép hoặc bị mất vốn chủ sở hữu. Trong các trường hợp trên, nguy cơ rời sàn được báo trước với các mã cổ phiếu: SBS, DDM, LAF, VES, VSG, DTC, TLT, FBT… Tất nhiên, thời gian tới, nhiều mã chứng khoán mới có thể sẽ niêm yết, góp phần làm tăng thanh khoản thị trường, nhưng làn sóng hủy niêm yết bắt buộc và tự nguyên cũng sẽ tác động tiêu cực đến giao dịch trên TTCK, gây áp lực đến thanh khoản toàn thị trường.
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|