Vốn ngoại “tạm” ở lại với thị trường
Dòng vốn ngoại sẽ ở lại, nhưng ở lại bao lâu, kiên nhẫn đến khi nào, hay chỉ chờ một vài làn sóng thị trường là sẽ thoái khỏi Việt Nam?
Cuối tuần qua, một tin vui của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cũng là tin vui đối với TTCK Việt Nam, đó là Đại hội nhà đầu tư thường niên diễn ra tại TPHCM đã thông qua những khuyến nghị của HĐQT, trong đó điểm quan trọng nhất là phủ quyết việc giải thể quỹ. Bên cạnh đó, Đại hội đã đồng ý gia hạn thêm thời gian giữa hai lần biểu quyết về hoạt động của quỹ, từ 2 năm lên 3 năm cho Quỹ VGF và từ 2 năm lên 5 năm cho Quỹ VEIL.
Để được thông qua khuyến nghị trên chắc chắn đi kèm đó là các giải pháp cho phép nhà đầu tư linh hoạt hơn trong thoái vốn, hay những nhà đầu tư đến sau dễ hiện thực hóa lợi nhuận hơn, giống như những gì thị trường đã chứng kiến ở đại hội của một số quỹ đầu tư nước ngoài trước đây. Các giải pháp đó có thể là thông qua ngân sách mua cổ phiếu quỹ, cam kết giảm chênh lệch giữa giá chứng chỉ quỹ và N.A.V (giá trị tài sản ròng)...
Tuy vậy, về cơ bản, việc gia hạn thời gian giữa 2 lần biểu quyết về hoạt động của quỹ đã thể hiện ý chí ủng hộ quan điểm đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam của nhà đầu tư. Điều này sẽ phần nào giảm áp lực cho công ty quản lý trong hoạt động đầu tư, cũng như hoạt động thoái vốn. Trước Dragon Capital, Đại hội nhà đầu tư bất thường của hai quỹ đầu tư do Saigon Asset Management quản lý cũng đã thông qua việc gia hạn thời gian hoạt động quỹ vào giữa tuần.
Sự kiện được chờ đợi tiếp theo là hai tuần nữa, Hội nghị khách hàng quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý sẽ diễn ra. Tuy không gặp áp lực đến kỳ bỏ phiếu gia hạn thời gian hoạt động của quỹ, song trong bối cảnh thị trường hiện nay, quỹ cũng đã thực hiện các biện pháp, đơn cử là mua lại chứng chỉ quỹ nhằm đạt được sự tín nhiệm của nhà đầu tư sau kỳ đại hội.
Theo ông Andy Ho, Tổng giám đốc VinaCapital, đầu tư lâu dài là một lợi thế của quỹ đóng so với các quỹ khác, vì ở thị trường Việt Nam có không ít cơ hội đầu tư thu lợi nhuận gấp vài lần. Giá chứng khoán Việt Nam đang rẻ nhất khu vực và so với kênh đầu tư khác là vàng đang ở mức cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, thì cổ phiếu vẫn hấp dẫn hơn vì nhiều mã có P/E thấp, tỷ lệ cổ tức trên thị giá cao như HPG, REE...
Một ghi nhận chung trong các kỳ đại hội năm nay là nhà đầu tư nước ngoài hiểu khá rõ về thị trường Việt Nam, hiểu về những khó khăn nội tại, chứ không còn mơ hồ như cách đây vài năm. Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn hy vọng, cuối năm nay, nền kinh tế sẽ sáng hơn, dựa trên những quyết sách mới để giải quyết những tồn tại của nền kinh tế sau một giai đoạn phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững.
Dòng vốn ngoại sẽ ở lại, nhưng ở lại bao lâu, kiên nhẫn đến khi nào, hay chỉ chờ một vài làn sóng thị trường là sẽ thoái khỏi Việt Nam? Quyền quyết định nằm ở chính nhà đầu tư chứ không phụ thuộc vào các công ty quản lý quỹ nước ngoài, nhất là các công ty lớn đã làm rất nhiều việc để thu hút vốn vào Việt Nam và thuyết phục nhà đầu tư của mình ở lại. Trước mắt, nền kinh tế, TTCK Việt Nam vẫn còn cơ hội để giữ chân dòng vốn ngoại, nhưng chúng ta phải làm gì, làm như thế nào để dòng vốn ở lại bền vững, gắn với DN và giúp các DN phát triển. Đó là một câu hỏi lớn mà các nhà đầu tư ngoại đang trông chờ giải pháp từ các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam.
đầu tư chứng khoán
|