Thứ Bảy, 06/10/2012 15:47

Cổ phiếu ngân hàng: Khi niềm tin bị suy giảm

Đã qua rồi thời kỳ cổ phiếu ngân hàng "làm mưa làm gió” – người viết đã được nghe không ít lời than thở như vậy, không chỉ bởi thị trường chứng khoán ở thời điểm này đã quá ảm đạm, mà còn bởi nhà đầu tư đang mất dần niềm tin vào "sân chơi của ngân hàng”.

Cùng với sự đi xuống của thị trường chứng khoán, cổ phiếu khối ngân hàng cũng đã hết thời "chiếm ngôi vương”

 

Thăng trầm

Người ta đã từng chứng kiến cổ phiếu ngân hàng một thời ở đỉnh cao. Đó là thời kỳ những năm 2006, 2007, tất nhiên, đây là thời điểm thị trường chứng khoán ở thời kỳ "vương giả” nhất. Và ở thời điểm đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã thường xuyên giao động quanh mức 150.000 – 300.000 đồng/CP. Đỉnh điểm, giá cổ phiếu của ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB – được đánh giá là tốt nhất trong khối ngân hàng cổ phần – đã từng đạt mức 300.000 đồng/CP. Tiếp theo đó là giá cổ phiếu các ngân hàng như VPBank, VIB Bank (từng đạt tới gần 140.000 đồng/CP), hay Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội SHB cũng đã có lúc vượt trên 70.000 đồng/CP, cổ phiếu của ABBank cũng có lúc đạt trên 90.000 đồng/CP… Đó có lẽ là thời điểm cổ phiếu khối ngân hàng được "trọng vọng” nhất.

Thế nhưng, thời điểm này, cùng với sự đi xuống thảm bại của thị trường chứng khoán, cổ phiếu khối ngân hàng cũng đã hết thời "chiếm ngôi vương”. Nhắc đến sàn chứng khoán, các nhà đầu tư chỉ "lắc đầu lè lưỡi”. Ít ai nghĩ rằng, cổ phiếu của ACB lại rớt thảm như vậy. Giá niêm yết trên sàn HNX ngày hôm qua (4-10) của ACB chỉ ở mức 15.800 đồng/CP.

Giới chuyên gia nhận định, kể từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu ngân hàng đã có những bất ổn khi những thông tin của các cuộc sáp nhập ngân hàng, tái cơ cấu ngành ngân hàng diễn ra liên tiếp. Song, "bão tố” chỉ thực sự nổi lên sau thời điểm ngày 20 - 8, ngày "bầu” Kiên – người đứng đầu Ngân hàng thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) - bị rơi vào vòng lao lý. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán đã chứng kiến cảnh các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu. Tính trong vòng 1 tháng trở lại đây (từ 20-8) VN-Index mất gần 10%, còn HNX-Index mất hơn 20%. Có ai đó đã nhận định rằng, những đợt biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong vòng một tháng trở lại đây hầu như chỉ liên quan đến những sự vụ của các "đại gia” hơn là những biến động về kinh tế. Giới đầu tư chứng khoán đến giờ vẫn chưa hết những "dư âm” khi chứng kiến thị trường chứng khoán sôi sục vì hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng bị bán ra. Và chỉ trong vòng một tháng giao dịch, các cổ phiếu ABC, EIB, ITA… đã mất 30-45%.

Tuy nhiên có thể nói, không chỉ những sự việc liên quan đến các "đại gia” làm ảnh hưởng đến niềm tin của giới đầu tư với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo ông Nguyễn Đức Dương, một nhà đầu tư chứng khoán có thâm niên trên sàn HNX, trên thực tế, những yếu tố được coi là "thiếu minh bạch” của ngành ngân hàng đã khiến niềm tin của nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngành này giảm đi đáng kể. Người ta luôn chứng kiến những bản báo cáo lợi nhuận từ các ngân hàng là rất cao, rất "khủng”, như một "miếng bánh ngon” thu hút giới đầu tư lao vào lĩnh vực này. Song, đằng sau những con số lợi nhuận kếch xù ấy, sự thật về những khoản nợ xấu khổng lồ lại đang dần được phơi bày.

Vẫn nhen nhóm hy vọng

Trong hội nghị bàn tròn bàn đến các vấn đề kinh tế - xã hội do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nhận định, lâu nay ít ai để ý xem phần kinh tế ảo của chúng ta là bao nhiêu? Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tất cả những đổ vỡ của nền kinh tế các nước đều bắt đầu từ ngân hàng và bất động sản. Bởi vậy, ngân hàng chính là một "đại diện” của kinh tế ảo. "Ở nước ta hiện đang tồn tại một thực trạng, kinh tế khó khăn là thế nhưng ngân hàng vẫn lãi khủng – đó chính là lãi ảo. Trong cái gọi là kinh tế ảo ấy, những hoạt động ngầm diễn ra rất khủng khiếp”.

Và rõ ràng, khi bóng đen nợ xấu vẫn bao trùm, thì những bản báo cáo lợi nhuận kếch xù kia – thực sự là ở đâu? Dù vậy, giới đầu tư dường như vẫn hy vọng một ngày nào đó nhóm cổ phiếu này sẽ lấy lại được "phong độ”. Bởi theo họ, đối với ngân hàng, cho dù có tái cấu trúc như thế nào đi nữa thì đây vẫn là xương sống của nền kinh tế. Hơn thế nữa, đứng sau họ là Ngân hàng Nhà nước... và việc đổ vỡ là gần như không thể xảy ra. Điều đó cũng cho thấy, cổ phiếu ngân hàng dù đã hết thời giữ "ngôi vương”, dù hệ thống ngân hàng đang đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, nhưng nhìn vào tương lai thì rất nhiều nhà đầu tư lớn vẫn không thể bỏ qua, và các nhà đầu tư nhỏ cũng không ngoại lệ.

Duy Phương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Quỹ đầu tư ngoại mua lại CCQ: Bình thường hay bất thường? (06/10/2012)

>   Bị lạm dụng tài khoản, nhà đầu tư… im lặng (05/10/2012)

>   Quỹ VEIL và VGF của Dragon Capital không giải thể (05/10/2012)

>   TTCK: Những ngày giông bão (05/10/2012)

>   Dè dặt… dòng tiền (05/10/2012)

>   GBS tiếp tục bị đình chỉ thanh toán, bù trừ, do đâu? (05/10/2012)

>   HOSE nhắc nhở công bố số cổ phần đang lưu hành (05/10/2012)

>   Vinacomin thoái vốn bất thành tại SHB - Vinacomin (05/10/2012)

>   05/10: Bản tin 20 giờ qua (05/10/2012)

>   Môi giới quý 3 tại HNX: HCM rớt hạng, SSI bất ngờ tụt khỏi top 10 (04/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật