Từ nay đến cuối năm, CPI tăng khoảng 1%/tháng
Tuy kịch bản điều hành giá chưa được hé lộ, nhưng theo nguồn tin của Thời báo Ngân hàng, từ nay đến cuối năm mức tăng CPI mỗi tháng khoảng 1%.
“Cần rất thận trọng và dự báo được tác động khi điều chỉnh giá một số mặt hàng theo chủ trương giá cả phải bù đắp được chi phí sản xuất khi ra quyết định về giá, nhất là trong dịp cuối - thời gian giá cả thường tăng cao”, nhóm chuyên gia tham vấn của Thủ tướng lưu ý.
Đã sang trung tuần tháng 10, sát ngày thu thập tình hình giá cho việc tính toán mức lạm phát của tháng nên vấn đề giá được khá nhiều người quan tâm. Nhất là khi Bộ Tài chính báo cáo: Tính chung 9 tháng năm 2012, công tác quản lý giá cả, ổn định thị trường đã đạt nhiều kết quả. Nhưng thực tế việc đảo chiều mạnh của chỉ số giá trong tháng 9 đã khiến người dân vẫn thấp thỏm không biết có những mặt hàng nào sẽ tăng nữa. Bởi theo quy luật từ tháng 10 đã vào mùa tăng giá.
“Bộ Tài chính đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các kịch bản điều hành giá một số mặt hàng quan trọng (xăng, dầu, điện, than, một số dịch vụ công…) trong thời gian còn lại của năm 2012 và cả năm 2013 để chủ động trong thực hiện”, ông Nguyễn Đức Chi - Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết trong buổi Họp báo định kỳ tổ chức chiều ngày 11/10/2012.
Nhìn lại tháng 9, với quyền số chiếm tới 5,72% trong rổ hàng hóa CPI của nhóm giáo dục, việc tăng học phí đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,6%, tương tự với quyền số 5,61% của nhóm thuốc và dịch vụ y tế, việc tăng viện phí khiến CPI tăng 0,94%. Một số ý kiến cho rằng CPI tháng 10 sẽ không chịu tác động mạnh của 2 yếu tố này. Nhưng đến tháng 9 mới chỉ có 12 tỉnh tăng giá nước sạch; 32 tỉnh, thành phố trong cả nước đồng loạt tăng giá dịch vụ y tế với các mức tăng khác nhau. Rồi bước vào năm học mới, 42 tỉnh, thành phố đã điều chỉnh tăng học phí.
Hơn nữa trong chỉ thị tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá cuối năm của Thủ tướng mới chỉ yêu cầu “giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá…” chứ không phải là không tăng. Vì vậy kịch bản nào cho việc điều hành giá cuối năm đang khơi gợi sự trông đợi của mọi người.
“Bộ Tài chính đang xây dựng kịch bản giá, lộ trình, chưa thể công bố được. Nhưng tinh thần điều hành là căn cứ vào diễn biến thực tế, để chọn công cụ can thiệp phù hợp, đơn cử, với điều hành xăng dầu, vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị định 84 và sẽ sử dụng tổng hợp công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để can thiệp thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước - người dân - DN”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết.
Về giá điện, bà Mai cho biết không trả lời được vì “thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chỉ phối hợp...”. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Công Thương) cho biết: “Tháng 10 sẽ tính toán lại 3 thông số đầu vào, phân bổ lỗ kinh doanh và chênh lệch tỷ giá và phương án cho giá điện, với lộ trình từ nay đến 2015 sẽ phân bổ số lỗ 5.000 tỷ đồng vào giá thành”.
Tuy kịch bản điều hành giá chưa được hé lộ, nhưng theo nguồn tin của Thời báo Ngân hàng, từ nay đến cuối năm mức tăng CPI mỗi tháng khoảng 1%.
Còn theo các chuyên gia và những người làm công tác quản lý giá, theo quy luật, trong các tháng cuối năm và giáp Tết thương có nhiều yếu tố tạo sức ép tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng giá như đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ; các DN đẩy mạnh sản xuất dự trữ hàng phục vụ Tết... Giá lúa gạo trong nước có khả năng tăng do nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu Tết, giá thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, gas. .. có xu hướng tăng. Và không loại trừ mưa bão tiếp diễn có thể tác động đến nguồn cung thực phẩm làm tăng giá cục bộ ở địa phương...
“Cần rất thận trọng và dự báo được tác động khi điều chỉnh giá một số mặt hàng theo chủ trương giá cả phải bù đắp được chi phí sản xuất khi ra quyết định về giá, nhất là trong dịp cuối - thời gian giá cả thường tăng cao”, nhóm chuyên gia tham vấn của Thủ tướng lưu ý. Có chuyên gia đề nghị: “Đặc biệt là kiểm tra chi phí sản xuất, giá thành, giá bán của các loại hàng hóa có biến động về giá, coi trọng kiểm soát chi phí giá của các hàng hóa dịch vụ quan trong, có thể sử dụng các biện pháp kinh tế và hành chính để xử lý khi có vi phạm”.
Linh Ly
thời báo ngân hàng
|