Quan tâm đến “chất” trong tăng trưởng
Theo ông Sanjay Kalra, việc chỉ quan tâm đến con số là điều không nên. Khi chúng ta theo đuổi để đạt được mục tiêu ở hạng mục này thì có thể những hạng mục khác lại vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều quan trọng hơn ở đây là chúng ta cần đưa ra và theo đuổi các biện pháp chính sách đúng đắn, chứ không nên chạy theo các con số đầu ra ấn định như vậy.
Đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm đến các chính sách và biện pháp để nâng “chất” trong tăng trưởng. Đây là quan điểm được ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu của mới đây, IMF có đề cập đến khả năng các nền kinh tế lớn (EU, Mỹ) có thể tái rơi vào suy thoái. Nếu xảy ra, điều này sẽ tác động thế nào đến Việt Nam?
Ông Sanjay Kal
|
Nếu viễn cảnh này xảy ra, chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Lý do vì các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với các nền kinh tế phát triển thông qua các kênh về tài chính, thương mại, đầu tư… Tất nhiên, nếu các nền kinh tế phát triển rơi vào suy thoái không có nghĩa là các nền kinh tế mới nổi sẽ không tăng trưởng nữa, vì họ sẽ có những điều chỉnh để thích nghi. Nhưng rõ ràng là nếu tình huống ấy xảy ra thì đà tăng trưởng của các nền kinh tế này cũng sẽ giảm đi. Hay nói cách khác là cơ hội để tăng trưởng nhanh và cao đối với các nền kinh tế mới nổi sẽ khó xảy ra hơn.
Vậy nếu trường hợp cuộc khủng hoảng 3F (giá nhiên liệu, giá lương thực và khủng hoảng tài chính) xảy ra, Việt Nam liệu có chịu các hệ lụy?
Chúng ta đã từng thấy giai đoạn 2008 ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam là tình trạng lạm phát cao, mà một trong những nguyên nhân đầu tiên phải kể tới là do giá nhiên liệu và lương thực tăng cao. Vậy thì chúng ta cũng nên nhìn lại xem điều gì sẽ xảy ra nếu các cú sốc tương tự lặp lại. Vấn đề đầu tiên là lạm phát. Khi lạm phát tăng cao, có thể người dân Việt Nam sẽ không còn muốn giữ nhiều tiền đồng nữa vì lo ngại các áp lực về lạm phát, tỷ giá tái xuất hiện. Tại Việt Nam, một vấn đề khác mà chúng tôi thấy là các DNNN đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu các tình huống xấu như vậy xảy ra cũng khiến cho các DN này chịu nhiều khó khăn hơn.
Tuy nhiên, có lẽ một cuộc khủng hoảng 3F như vậy khó xảy ra vì các khó khăn hiện nay phần nhiều mang tính tạm thời. Ví dụ giá nhiên liệu có tăng lên nhưng không phải như những mức cao trong năm 2008; giá lương thực cũng tăng nhưng chủ yếu do các yếu tố về thời tiết… Do đó chúng ta không nên vì quá lo lắng mà hành động thái quá.
Theo nhìn nhận của ông, hiện kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những rủi ro nội tại gì?
Các vấn đề của ngành Ngân hàng là một trong những vấn đề hiện nay cần giải quyết. Đây cũng là vấn đề mà nhiều nước khu vực châu Âu trước đây gặp phải: Thực tế là tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao trước đây dẫn đến tiêu chuẩn cho vay thấp đi; khả năng giám sát yếu. Tín dụng tăng có thể khiến giá cả tăng, cũng như hình thành các bong bóng tài sản mà bất động sản là một ví dụ. Đến khi quả bóng bất động sản “xì hơi” khiến khu vực ngân hàng bị ảnh hưởng, TTTD bị ảnh hưởng...
Bên cạnh đó là vấn đề của DNNN. Chúng ta sẽ không thể giải quyết các vấn đề trong hệ thống ngân hàng, trừ khi chúng ta bắt đầu giải quyết các vấn đề của các DNNN. Các DNNN cần phải trở nên hiệu quả hơn, trách nhiệm giải trình tốt hơn. Ví dụ, nếu có vấn đề xảy ra trong các DNNN thì ai là người phải có trách nhiệm? Xét trong ý nghĩa đó thì vấn đề của ngành ngân hàng và của các DNNN vẫn tiếp tục là những vấn đề lớn cần được tập trung giải quyết.
Nhưng nếu TTTD năm nay thấp, ví dụ chỉ đạt 5-6% có tác động tiêu cực đến nền kinh tế?
Tại sao phải nhìn vào con số TTTD cụ thể nhỉ? Chất lượng của TTTD ấy như thế nào mới là vấn đề cần xem xét. Ngay kể cả TTTD chỉ 3% nhưng nền kinh tế hiệu quả hơn, chúng ta có thể hoạt động tốt hơn với lượng tiền ít hơn thì vẫn đáng mừng chứ.
Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước như vậy, Việt Nam cần có những biện pháp, chính sách nào?
Chúng ta có thể tiến hành một cuộc chạy marathon, hoặc cũng có thể một cuộc chạy 100m để tiến hành những kế hoạch đặt ra. Nhưng dù lựa chọn cách nào thì chúng ta cùng phải bắt đầu ở điểm xuất phát. Chẳng hạn với cuộc chạy marathon, chúng ta có thể chậm ở giai đoạn đầu vì phải lên kế hoạch và chiến lược hành động thật tỉ mỉ, nhưng sau đó chúng ta có thể thúc đẩy nhanh hơn ở những giai đoạn sau để đạt được mục tiêu đề ra. Việc đưa ra những mục tiêu và các kế hoạch hành động được chuẩn bị chi tiết, rõ ràng với các lộ trình các mốc thời gian cụ thể sẽ giúp “neo” được những kỳ vọng không đáng có. Lộ trình thực hiện có thể mất nhiều thời gian, nhưng quan trọng là chúng ta phải làm rõ con đường mà chúng ta sẽ đi và cái đích sẽ đến.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi với các quốc gia đã từng gặp phải những vấn đề tương tự là họ phải giải quyết các vấn đề đó thật nhanh. Tuy nhiên, mỗi nước khác nhau sẽ có những cách thức xử lý khác nhau nhưng quan điểm chung là cần chấp nhận tăng trưởng thấp cho đến khi tìm được sự điều chỉnh phù hợp cho dài hạn.
Cùng với đó, cần tập trung xây dựng được các chính sách tốt, một hệ thống tỷ giá linh hoạt và ổn định hay tăng dự trữ ngoại hối cũng là những yếu tố cần thiết để giúp nền kinh tế sẵn sàng đối phó tốt hơn với các cú sốc nếu có.
Ý ông là chúng ta không nên đặt ra các mục tiêu với các “đích” cụ thể?
Theo tôi, việc chỉ quan tâm đến con số là điều không nên. Chúng ta thấy ở Việt Nam có quá nhiều các mục tiêu thể hiện dưới các con số cụ thể: như cho tăng trưởng GDP; lạm phát; cung tiền, thậm hụt xuất nhập khẩu… Và khi chúng ta theo đuổi để đạt được mục tiêu ở hạng mục này thì có thể những hạng mục khác lại vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều quan trọng hơn ở đây là chúng ta cần đưa ra và theo đuổi các biện pháp chính sách đúng đắn, chứ không nên chạy theo các con số đầu ra ấn định như vậy. Chẳng hạn, thay vì đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở một mức cố định nào đó như 5%, 6%, hay 7%, chúng ta chỉ cần đưa ra các chính sách và biện pháp làm sao để đạt được mục tiêu lạm phát ở mức 1 con số. Tức là, lạm phát có thể dao động trong một phạm vi nào đó nhưng không quá mức mục tiêu kiểm soát. Mục tiêu đối với tăng trưởng GDP hay các mục tiêu khác cũng vậy.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Quân thực hiện
thời báo ngân hàng
|