Thứ Hai, 22/10/2012 17:06

Nợ vòng loanh quanh người lao động chịu khổ

Nợ đọng trong XDCB tại các địa phương diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng. Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Người lao động - chủ nợ bất đắc dĩ

Trong khi tín dụng ngân hàng ì ạch tăng do DN không đủ sức vay và hàng loạt DN đang thoi thóp được tiếp vốn cho qua cơn nguy kịch vì không có đủ điều kiện để được vay thì chính những DN này đang là chủ nợ của chính quyền địa phương của Chính phủ.

Làm ăn khó khăn, DN dừng hoạt động, DN giải thể… đó là sự thật không muốn cũng phải chấp nhận của thương trường. Nhưng ngược lại, không ít DN và người lao động đang khốn khó do chính cơ chế ham đầu tư của chính quyền và những bất cập trong cơ chế đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Hàng loạt DN đang trong cảnh khất lần nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động trong khi nếu những gì họ đã làm được thanh toán đúng hạn sẽ không rơi vào cảnh này.

“Nhà nước nợ chúng tôi trong khi đó chúng tôi đang nợ vay ngân hàng, nợ cả người lao động của mình, lương công nhân mới trả đến tháng 8”, giám đốc một DN cho biết. Một vòng nợ loanh quanh đang hiện rõ với những hệ lụy trầm trọng: người lao động bị nợ lương – DN bị nợ vốn XDCB – con nợ cuối cùng và là nguyên nhân của vòng nợ luẩn quẩn là chính quyền địa phương, là chủ đầu tư các dự án XDCB có vốn từ NSNN.

Giữa tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cũng cho biết, trong khối DN trực thuộc bộ có 17 DN đang nợ lương người lao động. Trong đó có 9 tổng công ty nợ lương hơn 256 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội hơn 270 tỷ đồng nguyên nhân cũng từ nợ đọng trong XDCB. Thứ trưởng Sơn cho biết, Bộ đang chỉ đạo các tổng công ty bằng mọi giải pháp thanh toán khối nợ này, đặc biệt là giải quyết nợ lương cho người lao động.

Chuyện thường lại trở thành giải pháp

“DN đang trong tình thế hiểm nghèo” PGS.TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu vấn đề với cộng đồng DN. Ông cho rằng trước tiên DN “phải sống đã”, và phải tìm cách duy trì sự sống của từng DN và sự sống của cả hệ thống. Ông bật mí, trong một văn bản Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra số nợ của chính quyền địa phương và nợ của Chính phủ, nợ của các dự án đầu tư công lên tới con số 100.000 nghìn tỷ đồng trong năm 2011. Trong đó riêng 47.000 dự án đã hoàn thành vẫn còn tới hơn 25.000 tỷ đồng chính quyền địa phương, Chính phủ chưa trả. Nợ vốn của 20.921 dự án đang triển khai là 65.850 tỷ đồng, dãn tiến độ 41 dự án với tổng số vốn là 38.320 tỷ đồng.

Ông nói: “Đang có nhiều DN “chết” hoặc “chờ chết” vì không thu được món nợ này”. Chia sẻ tình trạng khó khăn của DN, TS.Trần Đình Thiên tạm lấy con số 47.000 dự án đầu tư XDCB đã hoàn thành mà chưa được thanh toán “tạm hình dung nếu mỗi dự án chỉ do 1 DN làm thôi thì đã có bao nhiêu DN đang là chủ nợ” trong khi thực tế mỗi dự án, có hàng loạt DN cùng thực hiện.

Nợ đọng trong XDCB tại các địa phương diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng. Nhiều DN xây dựng, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít DN giải thể và phá sản; góp phần làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên... Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

“Vậy phải làm gì?”, TS.Trần Đình Thiên đặt câu hỏi và trả lời luôn: “Phải trả tiền cho DN, trả nợ cho DN”. Đây là chuyện bình thường nhưng lúc này lại trở thành giải pháp. Bởi Chính phủ, chính quyền không trả cho DN số nợ này thì DN làm sao sống và theo đó là đời sống của bao nhiêu người lao động.

Lập lại kỷ cương

Tình trạng nợ đọng trong XDCB và hệ lụy của nó nghiêm trọng đến mức, trong tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đúng tác động bất lợi do nợ đọng XDCB gây ra; phải lập lại kỷ cương trong đầu tư XDCB. Theo đó từng địa phương phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB. Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng phương án xử lý nợ đọng XDCB bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ năm 2013, các địa phương phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương và coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương; bảo đảm hàng năm trước ngày 20/5 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng XDCB. Các địa phương có trách nhiệm định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tình hình và kết quả xử lý nợ đọng XDCB về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vấn đề nợ đọng trong XDCB đã dồn lại từ cả chục năm qua, như cách nói của TS.Trần Đình Thiên “và chỉ đến khi rơi vào bi kịch nó mới lòi ra”. Vì vậy đã nói là phải làm và làm triệt để, kiên quyết. Cũng như mọi việc khác, chỉ được thực hiện nghiêm túc và triệt để khi gắn với trách nhiệm rõ ràng.

“Tình thế khó khăn lúc này, nếu DN trụ vững được là thành công”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu. Ông cho rằng: “DN rất chia sẻ với khó khăn của Chính phủ của Chính quyền. DN biết là nguồn tiền có hạn và DN không đòi hỏi nhưng DN mong Chính phủ và cơ quan các cấp thực sự tận tâm với DN. Chính phủ đã xác định giảm khó khăn cho DN thi làm từ chính sách đến hành động. Đừng làm DN khó khăn thêm”. Nghe những lời phát biểu của TS.Trần Đình Thiên, TS.Vũ Tiến Lộc và tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng, đã có DN buông lời “việc giải quyết nợ đọng liệu có làm nhanh không hay vẫn cảnh chậm như chậm giao vốn chậm giải ngân vốn XDCB”.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tính đến 20/9/2012 có gần 51.000 DN thành lập mới và số DN gặp khó khăn phải dừng hoạt động và giải thể giảm dần nhưng vẫn còn cao. Cũng đến 20/9/2012 có 40.190 DN dừng hoạt động và giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó có 6.593 DN giải thể, 33.597 DN dừng hoạt động. Nguyên nhân chính vẫn là hàng tồn kho và nợ xấu, thiếu vốn… “Số DN phải đóng cửa trong 2 năm 2011 và 2012 chiếm khoảng 40% tổng số DN phải đóng cửa kể từ khi đổi mới đến nay điều này cho thấy mức độ khó khăn trong kinh doanh của DN trong 2 năm gần đây dù biết rằng việc thành lập mới và đóng cửa DN là quy luật của thị trường”.

Linh Linh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Cứu hàng tồn kho (22/10/2012)

>   Samsung sẽ tăng vốn thêm 830 triệu USD trong năm nay (22/10/2012)

>   TP.HCM: Hàng tồn kho đã giảm (22/10/2012)

>   Ký hợp đồng dự án thủy điện lớn do WB tài trợ vốn (22/10/2012)

>   Chia sẻ lợi ích (22/10/2012)

>   Tàu mua bạc tỉ được bán giá sắt vụn (22/10/2012)

>   Bộ vẫn tiếp tục 'quản' doanh nghiệp? (22/10/2012)

>   Hơn 1,2 tỉ USD vốn đầu tư ra nước ngoài (22/10/2012)

>   Burger King chính thức đến VN (22/10/2012)

>   Nhiều quỹ đầu tư ngoại “thoát hiểm” (22/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật