Không nhập khẩu vàng
Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định như trên, đồng thời cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng không cho phép huy động vàng, sẽ chuyển dần sang quan hệ mua bán vàng giữa ngân hàng và người dân
Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
|
*Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng đang có lợi ích nhóm khi Ngân hàng (NH) Nhà nước một lần nữa lùi thời hạn đóng trạng thái vàng của các NH thương mại?
Theo quy định, sau ngày 25-11 các NH thương mại phải đóng trạng thái vàng, dừng hoàn toàn việc huy động, cho vay vàng, không cầm cố thế chấp vàng để đầu cơ. Các NH sẽ phải mua vào 20 tấn vàng để hoàn tất việc này, gây áp lực khủng khiếp lên thị trường vàng. NH Nhà nước nhận thấy thời điểm này vào cuối năm, nhu cầu thanh khoản tăng cao thường gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng.
Nếu tiếp tục dùng tiền đồng mua vàng để tất toán sẽ tạo áp lực kép lên thanh khoản của các NH. Sau khi báo cáo Chính phủ, chúng tôi đã linh hoạt dãn tiến độ để qua dịp Tết nhằm giảm bớt áp lực thanh khoản nhưng tối đa không được quá thời điểm ngày 30-6-2013. Lộ trình tới lúc đó, NH Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu NH thương mại phải báo cáo từng hoạt động thu nợ, tồn quỹ, mua vàng… Tôi khẳng định không có nhóm lợi ích bởi NH Nhà nước rất kiên quyết trong việc kiểm soát, xử lý các NH vi phạm. Thực tế các NH cũng đang lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng và gặp rất nhiều khó khăn.
*Còn ý kiến thương hiệu vàng SJC đang biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền của doanh nghiệp, gây thiệt thòi cho người dân?
- Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) không khác gì các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng khác, thuần túy chỉ là đơn vị gia công cho NH Nhà nước. Mọi hoạt động sản xuất, gia công vàng miếng SJC đều được NH Nhà nước kiểm soát, niêm phong máy móc thiết bị… Chuyện biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp SJC là rất khó bởi Công ty SJC chỉ thuần túy kinh doanh vàng theo kiểu mua đi bán lại.
*Vàng miếng sẽ bị đánh thuế như các mặt hàng xa xỉ?
- Thực ra, đây chỉ là kiến nghị của NH Nhà nước nên Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét. Đây là đề xuất ban đầu, phải nghiên cứu kinh nghiệm các nước một cách kỹ lưỡng và thận trọng rồi mới có bước đi dần dần chứ không phải nói rồi thu ngay như dư luận lo lắng. Việc thu thuế cũng thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tài chính.
*NH Nhà nước có nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường, rút ngắn chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới?
- Quan điểm của NH Nhà nước thời gian tới là không nhập khẩu vàng, bởi vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, không đem lại GTGT cho nền kinh tế. Nhà nước sẽ không bình ổn giá vàng, không bỏ ngoại tệ ra nhập khẩu vàng nhằm tránh kích thích vàng hóa và tâm lý găm giữ vàng đầu cơ.
*Sắp tới, các NH thương mại sẽ không được phép huy động vàng?
- NH thương mại không được phép huy động vàng vì quá rủi ro. Khi người dân găm giữ, gửi vàng vào NH hưởng lãi suất cao sẽ kích hoạt vàng hóa và ngoại hối chảy vào vàng. Vì vậy, Nhà nước sẽ ứng xử với vàng như ngoại tệ, chuyển từ quan hệ vay mượn sang mua bán thông qua các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24. Về phía người dân, pháp luật cho phép nắm giữ, mua bán vàng miếng tại những doanh nghiệp đủ điều kiện. Khi muốn bảo đảm an toàn tài sản, người dân có thể gửi vào các NH thương mại nhưng phải trả phí giữ hộ.
*Vậy là Nhà nước không huy động nguồn lực vàng trong dân?
- NH Nhà nước sẽ huy động nhưng không theo nghĩa đơn giản là gửi tiết kiệm vàng. Sau khi các NH thương mại mua bán vàng với người dân rồi muốn bán lại số vàng này, NH Nhà nước sẽ đứng ra mua lại với vai trò người mua bán cuối cùng. Vì không có nhu cầu bình ổn giá vàng nên NH Nhà nước sẽ mua vàng khi giá thấp để tăng dự trữ ngoại hối và bán ra với giá cao khi thị trường vàng có biến động bất thường về thanh khoản.
Với lượng vàng mua được, NH Nhà nước sẽ xuất khẩu thu về ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Đây là cách để huy động nguồn lực vàng, chuyển hóa thành VNĐ đưa vào nền kinh tế mà không tạo áp lực lên thị trường vàng, tăng nguồn cung giúp giá vàng đi xuống.
Tuy nhiên, NH Nhà nước sẽ quy định trạng thái vàng giống như ngoại tệ, quy định tỉ lệ vốn tự có. Ví dụ, một NH có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng chỉ được lấy 300 tỉ đồng kinh doanh vàng, chỉ bán vàng ra khi đã mua vào từ hôm trước và không để âm trạng thái vàng.
Thái Phương
Người lao động
|