Khó vay tiền quỹ phát triển nhà
Là nguồn hy vọng cho những cán bộ, công nhân viên (CBCNV), công nhân lao động có thể vay được tiền với lãi suất ưu đãi để mua nhà, cải thiện chỗ ở, nhưng các quỹ phát triển nhà ở, quỹ đầu tư phát triển ở nhiều địa phương suốt thời gian qua dường như cũng... đóng băng.
Ở một dự án chung cư dành cho CBCNV tại Q.Bình Tân (TP.HCM), nhiều khách hàng đến tìm hiểu mua căn hộ đã được công ty hướng dẫn liên hệ với Quỹ phát triển nhà ở TP (HOF) để vay tiền. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 1 trường hợp vay được.
Giữa năm 2008, Công ty Hai Thành đã hợp tác với HOF triển khai chương trình cho những CBCNV Q.Bình Tân vay tiền mua căn hộ tại chung cư Hai Thành 1. Một dự án khác ở Q.8 do công ty này đầu tư cũng được triển khai tương tự. Tuy nhiên đến nay cũng chỉ có 20 khách hàng vay được.
Anh Định, một công chức ở Q.Bình Thạnh có thâm niên công tác hơn 10 năm, thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, cho biết hồ sơ xin vay tiền của mình bị từ chối vì mức thu nhập trên chỉ đủ chi phí sinh hoạt cho 4 người. Ngoài ra vợ chồng anh cũng không có đủ số tiền đối ứng ban đầu 30% theo quy định.
Nhiều giáo viên cho biết, mặc dù đủ chuẩn vay tiền nhưng do không thể chứng minh có đủ thu nhập đảm bảo trả được nợ nên cũng không được vay. “Cả hai vợ chồng tôi là giáo viên, có hai con, lương hai vợ chồng một tháng khoảng 7 triệu đồng, không đảm bảo trả nợ nên không được vay. Kẹt nhất là dù có dạy thêm với thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng thì nguồn thu nhập này cũng không được tính”, chị Thi, một giáo viên ở Q.3 tâm sự.
Đề nghị giảm lãi suất, tăng diện cho vay
Ông Ngô Tấn Phát, Phó giám đốc HOF, cho biết để được vay 400 triệu đồng, thời gian 15 năm, gia đình CBCNV có 4 người phải có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên. Người vay phải trả nợ gốc và lãi cao nhất tháng đầu tiên là 5,2 triệu đồng. Đây là một khó khăn lớn bởi cả hai vợ chồng là CBCNV thì thu nhập rất khó đảm đương nổi. Đây cũng là rào cản lớn đối với người có nhu cầu nhà ở trong việc tiếp cận được nguồn vốn của quỹ. Trước tình hình này, HOF đã kiến nghị UBND TP.HCM giảm lãi suất (LS) cho vay hiện nay từ 9%/năm xuống 7,5%/năm.
HOF cũng kiến nghị lãnh đạo, Công đoàn các cơ quan, đơn vị quan tâm giới thiệu chương trình đến CBCNVC của đơn vị mình, giúp mọi người đều biết đến chương trình cho vay này. Hiện rất nhiều ngành như công an, bộ đội, tư pháp... mặc dù đóng trên địa bàn thành phố nhưng không được vay hoặc những người làm cơ quan nhà nước nhưng ăn lương khoán từ hoạt động kinh doanh cũng vậy. Quỹ đã kiến nghị mở rộng cho những đối tượng này được vay, qua đó quỹ có thể mở rộng phạm vi hoạt động.
Nhưng tại Hà Nội, quy định mới của Quỹ đầu tư phát triển khiến các dự án nhà ở cho CBCNV càng khó tiếp cận hơn. Vì kể từ 26.7.2012, trong khi các nhóm dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, dự án nước thải và các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp được vay với lãi suất ưu đãi tín dụng đầu tư nhà nước 12%/năm, thì riêng dự án xây dựng nhà ở khu đô thị và khu dân cư phải chịu LS vay bằng trần LS (VND) của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thời điểm vay. Mà LS cho vay của ngân hàng thì luôn ở mức cao, không phải dự án nào cũng có khả năng chịu đựng được.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, hiệu quả hoạt động của các quỹ này thời gian qua quá hạn chế, số lượng dự án được vay quá ít, thủ tục rườm rà khiến chủ đầu tư các dự án cũng không mặn mà. Trong bối cảnh Hà Nội và TP.HCM đang tồn đọng hàng nghìn căn hộ, dự án dang dở, đây là cơ hội để chính quyền vào cuộc thông qua các quỹ giải quyết nhu cầu nhà ở cho CBCNV. Chính quyền có thể rà soát, chọn dự án để mua, bán lại hoặc đầu tư thành nhà cho thuê giá rẻ dành cho CBCNV. Cũng có thể xem xét hỗ trợ LS vay ngân hàng của một số dự án, đổi lại chủ đầu tư phải xây dựng các căn hộ giá thấp để bán cho CBCNV.
Như muối bỏ biển
Theo Bộ Tài chính, đến hết 8.2012, cả nước đã có một số địa phương có Quỹ phát triển nhà, 30 tỉnh, thành có Quỹ đầu tư phát triển. Tổng số dư nguồn vốn hoạt động đến tháng 8.2012 đạt trên 15.000 tỉ đồng, các quỹ cho vay được 4.300 chương trình, dự án với tổng số vốn gần 25.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này không thấm vào đâu so với nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội hiện nay của hàng triệu CBCNV.
Tại TP.HCM từ năm 2006 đến nay, Quỹ phát triển nhà ở (HOF) chỉ cho vay được 335 tỉ đồng, bình quân mỗi năm giải ngân được hơn 55 tỉ đồng cho khoảng 1.100 người. Mỗi người bình quân vay được hơn 300 triệu đồng, đa số là CBCNV ngành giáo dục và y tế. Còn tại Hà Nội, được thành lập năm 1999 đến trước khi chuyển đổi 2004, Quỹ phát triển nhà ở Hà Nội mới cho vay được 23 dự án với tổng số tiền 295 tỉ đồng, chủ yếu đầu tư cho nhà tái định cư, nhà ở cho thuê, nhà ở cho người thu nhập thấp. Sau khi được tổ chức lại vào 2005 và sáp nhập với Quỹ đầu tư phát triển Hà Tây thành Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội, dù tổng số vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng, nhưng hầu như số dự án xây dựng nhà ở, chung cư dành cho CBCNV được tài trợ vốn từ quỹ này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
|
Đình Sơn - Anh Vương
Thanh niên
|