3 nỗi lo khiến thị trường bất động sản chưa khởi sắc
Việc giới đầu tư vẫn tiếp tục e ngại mua bất động sản trong thời điểm “đại hạ giá” như hiện nay là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Trào lưu giảm giá sốc của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm không nhỏ của giới đầu tư cũng như người có nhu cầu về nhà ở.
Mặc dù vậy, một thực tế đáng buồn là sức mua trên thị trường vẫn chưa thật sự được cải thiện vì nhiều nỗi lo vẫn đang hiện hữu.
Nỗi lo sợ bị mua “hớ”
Người có nhu cầu về nhà ở và đầu tư vẫn đang trong tâm lý chờ đợi thị trường bất động sản sẽ tiếp tục hạ giá để mua được ở mức giá tốt hơn. Điều này không phải là không có lý khi cung hiện vẫn đang vượt cầu ở hầu hết các phân khúc bất động sản.
Theo một số báo cáo nghiên cứu thị trường, lượng căn hộ tồn kho ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM hiện vào khoảng 70,000 căn hộ. Trong khi đó, số lượng căn hộ mới chuẩn bị gia nhập thị trường trong thời gian tới cũng không hề nhỏ.
Mặc dù nhu cầu nhà ở hiện nay vẫn cao và giá bán đã giảm mạnh nhưng so với mặt bằng thu nhập của phần đông người dân Việt Nam thì vẫn còn tương đối cao. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô chưa ổn định tác động tiêu cực đến thu nhập của cá nhân cũng khiến hoạt động vay tiền ngân hàng (dù với lãi suất đã được kéo giảm) trở nên rủi ro.
Nỗi lo về chất lượng dự án khi giảm giá
Để bán được hàng trong lúc thị trường đóng băng, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận giảm lợi nhuận và hạ giá bán xuống 20-30%, thậm chí là “phá giá” tới 50% giá bán bất động sản.
Việc “đại hạ giá” này đã tạo cơn địa chấn trên thị trường và thu hút sự tò mò của không ít nhà đầu tư và người mua bất động sản.
Tuy nhiên, một điều đáng quan tâm là liệu việc giảm giá mạnh có ảnh hưởng đến chất lượng của các dự án hay không? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi các chủ đầu tư có thể thay thế các nguồn nguyên vật liệu rẻ hơn, bỏ bớt việc giảm sát chất lượng… nhằm hạ giá thành xây dựng.
Thực tế trong thời gian qua, một số dự án sau thời gian ngắn đi vào sử dụng đã nhanh chóng xuống cấp.
Nỗi lo mất trắng tiền góp vốn mua nhà
Hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang phải chịu áp lực rất lớn về dòng tiền dùng để trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng và duy trì hoạt động. Việc kinh doanh gặp trở ngại khiến cho quá trình tạo tiền của nhiều doanh nghiệp bị đóng băng. Trong khi đó, nguồn tiền để duy trì hoạt động cũng đang cạn kiệt khi bị chôn vùi trong khoản mục hàng tồn kho không bán được.
Trong những lúc khó khăn, không ít doanh nghiệp thu tiền góp vốn của người mua nhưng lại không đầu tư vào việc hoàn thành dự án mà lại chiếm dụng để sử dụng cho mục đích khác. Thực tế rất nhiều dự án ở cả miền Bắc lẫn miền Nam bị chậm trễ giao nhà, tạm hoãn thực hiện… và làm phát sinh rắc rối pháp lý đang khiến giới đầu tư bất động sản phải cân nhắc góp vốn.
Bên cạnh đó, trong trường hợp xấu nếu các doanh nghiệp bất động sản bị phá sản thì có lẽ thiệt hại cho người mua là không nhỏ, khi việc mua bán thường được ký kết dưới dạng hợp đồng góp vốn.
Do đó, việc giới đầu tư vẫn tiếp tục e ngại mua bất động sản trong thời điểm “đại hạ giá” như hiện nay là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Duy Nam (Vietstock)
ffn
|