Thứ Tư, 17/10/2012 19:16

VCG: Nguy cơ sa lầy tại các dự án FDI

Thành công và tạo dấu ấn tốt tại nhiều dự án bất động sản “made by 100% Vinaconex”, song tổng công ty này lại đang gặp khó khăn ở các dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài.

Những bất ổn tại 2 dự án lớn Splendora và ParkCity khiến cho hiệu quả hoạt động của Vinaconex không thể không bị ảnh hưởng.

Dự án Splendora được liên doanh Vinaconex-Posco (Hàn Quốc) triển khai từ năm 2006 và chia làm nhiều giai đoạn. Splendora nằm ở phía Tây Hà Nội với diện tích 264,13 héc-ta. Đây là khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với các khu công trình công cộng, dịch vụ thương mại, văn hóa và nhà ở cao cấp... với khoảng 6.440 căn hộ chung cư cao tầng, tương đương 1.187.993 m2 sàn; 1.311 căn biệt thự và nhà ở liền kề, tương đương 392.319 m2. Khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Giai đoạn 1 của Dự án đã cơ bản hoàn thành và hiện đang triển khai giai đoạn 2. Tuy nhiên, gần đây, khách hàng đã khiếu nại và có tranh chấp với chủ đầu tư về những vấn đề liên quan đến điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán, vật liệu sử dụng trong công trình… Nguyên nhân sâu sa dẫn đến tình trạng này là do thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, nhiều khách hàng mua nhà tại đây hiện đang thua lỗ nặng nề nếu tính theo giá trị số tiền họ bỏ ra (khách hàng chủ yếu mua chênh trên thị trường).

Dự kiến, từ năm 2013, Vinaconex (VCG) sẽ bắt đầu có lợi nhuận từ Dự án. Với mức góp vốn 50 - 50 trong liên doanh, theo một lãnh đạo của Tổng công ty, lợi nhuận sẽ không nhỏ. Tuy nhiên, việc khiếu kiện của khách hàng có thể dẫn đến những cuộc thanh kiểm tra Dự án của cơ quan chức năng và hiện nhiều cổ đông của Vinaconex đang băn khoăn với câu hỏi: Liệu việc kết chuyển lợi nhuận theo kế hoạch từ năm 2013 có bị ảnh hưởng?.

Cũng phải nói thêm rằng, những điều kiện từ thị trường hiện nay đã thay đổi, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ bán hàng giai đoạn 2 của dự án cũng như tiến độ Dự án. Vấn đề này đã được đặt ra tại các kỳ họp đại hội đồng cổ đông gần đây của Vinaconex. Tại đó, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Vinaconex từng chia sẻ, bản thân Tổng công ty muốn giãn tiến độ Dự án nhưng phía đối tác nước ngoài thì không. Nếu không giãn tiến độ Dự án, các bên sẽ phải giảm mạnh tỷ suất lợi nhuận nếu muốn bán được hàng.

Tình hình tại Dự án ParkCity dường như xấu hơn rất nhiều và có lẽ Vinaconex đang đặt ra mục tiêu khiêm tốn là thu hồi đủ vốn đã góp. ParkCity Hà Nội có vị trí khá đẹp tại quận Hà Đông (Hà Nội) với quy mô 77 héc-ta, được thiết kế thành 15 tiểu khu riêng biệt. Sau khi hoàn thành, khu đô thị này sẽ mang đến cho cư dân 7.000 căn nhà gồm 952 biệt thự, 6.052 chung cư, 1 khu trung tâm thương mại rộng 3 héc-ta, công viên trung tâm 11 héc-ta cùng một trường công và một trường quốc tế nằm trên diện tích rộng 5,7 héc-ta.

Chủ đầu tư của Dự án ParkCity Hà Nội là CTCP Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VDIC), liên doanh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Công ty Perdana Parkcity (S) Pte. (Malaysia). VDIC được lập ra với tỷ lệ góp vốn của phía Việt Nam là 40%, phía Malaysia là 60%. Tính đến thời điểm này, VDIC đã đầu tư cho phát triển quỹ đất và hạ tầng ParkCity ước tính 1.910,5 tỷ đồng và đã huy động vốn từ khách hàng gần 600 tỷ đồng.

Điều đáng nói là Dự án đang có nhiều bất ổn, mà một trong những nguyên nhân đến từ chính những bất đồng trong các bên tham gia dự án. Trong cơ cấu cổ đông của Vinaconex Hoàng Thành, Vinaconex sở hữu 3,75 triệu cổ phần, chiếm 25%; CTCP Hạ tầng Hoàng Thành sở hữu 6,525 triệu cổ phần, chiếm 43,5%; Vinaconex 1 sở hữu 1,875 triệu cổ phần, chiếm 12,5%; các thể nhân khác sở hữu 2,834 triệu cổ phần, chiếm 18,89%... Như vậy, nếu cộng cả tỷ lệ sở hữu của Vinaconex và Vinaconex 1, con số là 37,5%, đủ để phủ quyết những vấn đề quan trọng trong Công ty.

Vinaconex Hoàng Thành đã đầu tư góp vốn 128 tỷ đồng vào VDIC. Từ hơn 1 năm nay, dự án ParkCity có dấu hiệu ngưng trệ và bất đồng về quan điểm giữa các bên khi xử lý sự cố sụt lún tại Tiểu khu 1 của Dự án đang khiến mọi việc phức tạp hơn.

Một lãnh đạo của Vinaconex cho rằng, phía nước ngoài khó có đủ năng lực và không thiện chí thực hiện dự án đúng như những gì hợp đồng liên doanh đã đề ra, thậm chí còn làm sai với những gì quy định trong hợp đồng. Hành động của Vinaconex trong trường hợp không thể tìm được tiếng nói chung trong dự án này là thoái vốn khỏi Vinaconex Hoàng Thành.

Hoạt động của Vinaconex Hoàng Thành không hiệu quả. Theo báo cáo tài chính của Vinaconex Hoàng Thành, tính đến 30/6/2012, Công ty chỉ còn 823 triệu đồng tiền và các khoản tương đương tiền, nợ phải trả 29 tỷ đồng. Năm 2011, công ty này lỗ 3,4 tỷ đồng. Có thể thấy, Công ty thua lỗ sẽ không có tiền trả cổ tức cho cổ đông, phần vốn góp của Vinaconex không sinh lợi. Hiện nay, Vinaconex đang đẩy nhanh việc đàm phán bán cổ phần trong Công ty, nhiều khả năng đối tác mua lại chính là CTCP Hạ tầng Hoàng Thành. Với diễn biến thị trường như hiện nay cũng như hoạt động của Vinaconex Hoàng Thành không mấy hiệu quả, mức giá hai bên thống nhất nhiều khả năng chỉ cao hơn mệnh giá chút xíu. Như vậy, sau bao công sức, Vinaconex đang phải tự tìm cách “thoát lầy”.

Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   CTCP Chứng khoán H.S.C: Báo cáo tài chính quý 3 năm 2012 (17/10/2012)

>   Công ty mẹ CII: Đột biến lãi ròng và doanh thu tài chính (17/10/2012)

>   ABT: Chi phí giảm, lãi ròng quý 3 tăng vọt (18/10/2012)

>   SBS: Công ty mẹ bất ngờ lãi 9 tỷ đồng trong quý 3 (17/10/2012)

>   Công ty mẹ NVT: Quý 3 lỗ gấp 20 lần cùng kỳ (17/10/2012)

>   VNM: Ước doanh thu cả năm vượt 1 tỷ USD (17/10/2012)

>   HAX: Lỗ ròng 9 tháng gấp 4 lần cùng kỳ (18/10/2012)

>   DHG: Lập công ty kinh doanh dược phẩm tại Bến Tre (17/10/2012)

>   VSC: Công bố thông tin về việc thành lập PGD và VCSHCM (17/10/2012)

>   HHS: Quý 3 lãi ròng 15 tỷ đồng, giảm 25% so cùng kỳ (17/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật