Thứ Tư, 17/10/2012 10:21

Dự án Splendora: Mập mờ nhiều khoản tiền chênh

Khách hàng mua dự án Splendora Bắc An Khánh tiếp tục “tố” về việc đã phải chi trả thêm các khoản tiền chênh cho các sàn giao dịch do nhân viên của công ty An Khánh JVC chỉ định. Theo đó, ngoài khoản tiền thuế thu nhập, khách hàng phải nộp lệ phí cho các sàn gần 100 triệu đồng/căn không có hóa đơn .

Nộp thuế hộ, thu phí 100 triệu đồng

Theo phản ánh của khách hàng, trong quá trình chuyển hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán, một số nhân viên của công ty An Khánh JVC đã hướng dẫn khách hàng đến sàn giao dịch bất động sản Simco Sông Đà (Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội) và công ty EMIS (Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) để làm thủ tục nộp tiền thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Điều kiện đặt ra, sau khi hoàn thành, thủ tục nộp thuế thì khách hàng mới có thể ký hợp đồng mua bán nhà tại dự án. Tuy nhiên, việc không dừng lại ở đó mà điều khiến nhiều khách hàng bức xúc đó là việc các sàn giao dịch này đã thu nhiều khoản phí “không tên” như phí tư vấn, phí dịch vụ...với số tiền 60-100 triệu đồng mà không có hóa đơn, chứng từ.

Mặc dù nộp hơn 190 tiền phí, thuế chuyển nhượng nhưng trên giấy biên nhận của kho bạc chỉ ghi 99 triệu đồng.

Anh N.T.T (người mua nhà) cho biết, sau khi nhân viên công ty An Khánh JVC hướng dẫn đến công ty EMIS để nộp khoản tiền thuế thu nhập 2% trên giá trị hợp đồng. Tôi đã đóng cho công ty EMIS khoảng 190 triệu đồng có giấy biên nhận thu tiền. Sau đó 1 tuần, công ty EMIS trả giấy xác nhận nộp tiền cho kho bạc nhà nước trong đó ghi rõ số thuế phải nộp 99 triệu đồng. Số tiền này chênh với số tiền thực tế đã nộp 100 triệu đồng. Lúc đó, tôi có hỏi nhân viên công ty EMIS lý do sao lại khoản tiền bị chênh như vậy thì họ chỉ giải thích đó là tiền dịch vụ công ty thu để “ngoại giao” với chi cục thuế Hoài Đức.

Số tiền 100 triệu đồng còn lại được giải thích phí tư vấn. Điều này thực sự vô lý bởi việc nộp thuế chuyển nhượng không cần phải tư vấn tự khách hàng có thể nộp được.

"Lúc đó, nhân viên An Khánh JVC đưa ra yêu cầu nếu không nộp tiền thuế đất qua sàn EMIS do chủ đầu tư chỉ định thì không hoàn thành hợp đồng mua bán được do vậy chúng tôi buộc phải theo. Chúng tôi cũng muốn đến thẳng chi cục thuế Hoài Đức để nộp tiền chứ chẳng ai muốn nộp qua công ty EMIS để mất cả trăm triệu đồng tiền phí như vậy”, anh T. cho biết.

Cũng giống như nhiều khách hàng, bác Nguyễn Mai Hồng (người mua nhà) cho biết, bác cũng được nhân viên công ty An Khánh JVC tên là Thành hướng dẫn đến sàn giao dịch bất động sản Simco Sông Đà (Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội) để nộp tiền. Bác Hồng nói: “Anh Thành bảo tôi chỉ cần đưa hồ sơ góp vốn ra là có tên trong danh sách, người ta sẽ báo số tiền phải nộp. Với căn biệt thự 270m2, tôi phải nộp hơn 160 triệu đồng nhưng trong phiếu thu họ ghi hơn 80 triệu đồng. Tôi thắc mắc hỏi về khoản tiền chênh không ghi hóa đơn, không có phiếu thu thì nhân viên nói là phiếu thu sẽ chuyển về công ty An Khánh JVC sau, Simco Sông Đà chỉ đứng ra thu hộ thôi”.

Bác Hồng cho rằng, đã có rất nhiều khách hàng gửi kiến nghị cho chủ đầu tư về vấn đề này, tuy nhiên trong thư phúc đáp gửi cho khách hàng mới đây, công ty An Khánh JVC “phủi” trách nhiệm khi cho rằng tự khách hàng đến công ty Simco Sông Đà để nhờ tư vấn nộp hộ tiền chứ công ty không chỉ đạo như vậy.

Biên bản lấy ý kiến của khách hàng mua nhà Slpendora Bắc An Khánh về những khoản tiền "không tên" đã phải chi trả

Cũng theo phản ánh của nhiều khách hàng, mặc dù đã nộp tiền thuế cho hai các sàn bất động sản này nhiều tháng nhưng rất nhiều khách hàng vẫn chưa nhận được hóa đơn nộp thuế.

Trước vấn đề này, PV đã liên hệ với Chi cục Thuế huyện Hoài Đức để xác minh thông tin. Sau khi đối chiếu với số tiền thuế đã nộp của một số khách hàng mua nhà cho thấy điều khá bất thường đó là số tiền thuế thực nộp thấp hơn số tiền thuế mà các sàn thu của khách hàng. Đơn cử, trường hợp khách hàng Phạm Thị Hồng Chuyên chuyển nhượng cho ông Phan Xuân Cần hợp đồng góp vốn số 071/AK/HĐGV 140809 thì số tiền thuế thu nhập chỉ 35 triệu đồng trong khi ông Cần nộp 85 triệu đồng. Tương tự, trường hợp chị Nguyễn Thị Vân (người mua nhà) số tiền thuế phải nộp chỉ 35 triệu đồng trong khi thực tế chị Vân đã phải chi trả 165 triệu đồng và số tiền trong hóa đơn 85 triệu đồng...

Theo ước tính ban đầu của ban đại diện khách hàng, chỉ tính riêng khoản tiền chênh lệch, hai sàn giao dịch đã thu khoảng 60-70 tỷ đồng của hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Splendora Bắc An Khánh.

Trước thực tế bất hợp lý này, tại buổi họp khách hàng ngày 14/10 vừa qua, gần 100 nhà đầu tư đã đồng loạt ký biên bản lấy ý kiến khách hàng để gửi cơ quan chức năng tố cáo về thực trạng thu tiền chênh ngoài của sàn bất động sản Simco Sông Đà và công ty EMIS.

Lãnh đạo sàn không biết!?

Để làm rõ những khúc mắc của khách hàng, PV đã liên hệ với lãnh đạo sàn bất động sản Simco Sông Đà nhưng không nhận được sự hợp tác. Tuy nhiên, đại diện sàn Simco Sông Đà cho rằng, công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp, bản thân công ty có nhiều bộ phận và các bộ phần này tự chịu trách nhiệm về phần việc mà mình làm còn lãnh đạo không nắm được vấn đề này. Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng xác nhận không có khách hàng mua nhà Splendora đến giao dịch và sàn không thu bất cứ khoản tiền chênh nào.

Còn về phía chủ đầu tư, trong buổi gặp gỡ khách hàng ngày 2/10, ông Hoàng Thế Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh An Khánh JVC khẳng định, công ty không có chủ trương thu bất cứ khoản tiền thêm nào của khách hàng. Những cá nhân nào thực hiện việc thu tiền ngoài của khách hàng là sai và phải chịu trách nhiệm về việc này.

(Còn tiếp)

Anh Đào

vnmedia

Các tin tức khác

>   Thêm khu đô thị mới tại phía Tây Hà Nội (17/10/2012)

>   Chung cư cũ nát vẫn hét giá trên trời (17/10/2012)

>   "Phá băng" bất động sản - Kỳ 2: Khơi thông nguồn cầu (17/10/2012)

>   BĐS, càng cao cấp càng giảm mạnh (17/10/2012)

>   Doanh nghiệp bất động sản và “quân cờ” tiến độ (16/10/2012)

>   Đột ngột tăng giá, chủ đầu tư Splendora bị tố "bỏ túi" hơn 400 tỷ? (16/10/2012)

>   Hàng tồn kho BĐS, đâu là số liệu thực? (16/10/2012)

>   Khi các ông lớn bất động sản Hà Tĩnh lách luật (16/10/2012)

>   “Phá băng” bất động sản (16/10/2012)

>   Đua nhau giảm giá: Cửa cuối cùng cho BĐS (16/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật