ECB tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục
Kết thúc cuộc họp ngày 4/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo
giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp kỷ lục 0,75%, một quyết định đã nhận
được sự đồng tình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi cho rằng đây là mức thích
hợp trong điều kiện kinh tế hiện nay ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Chủ tịch ECB, Mario Draghi, cho biết vấn đề hạ lãi suất đã không được đưa
ra bàn thảo tại cuộc họp vừa qua, dấu hiệu cho thấy không có nhiều khả năng ngân
hàng này sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp vào tháng tới.
Tỷ lệ lạm phát tại Eurozone là 2,7% trong tháng 9, tháng thứ 22 liên tiếp
tỷ lệ này vượt mục tiêu 2%. Điều này khiến ECB không dễ dàng trong quyết định hạ
lãi suất, dù Eurozone có nguy cơ rơi vào suy thoái trở lại trong quý 3. Mặc dù
vậy, một số nhà phân tích vẫn nhận định sớm hay muộn ECB cũng sẽ phải hạ lãi
suất xuống 0,5%.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Draghi, trong cùng ngày nói
rằng chương trình mua trái phiếu có tên gọi Các giao dịch tiền tệ trực tiếp
(OMT) mà ngân hàng này thông báo đầu tháng trước đang góp phần làm giảm bớt lo
ngại về khả năng tan vỡ của liên minh tiền tệ.
Ông cho biết ngân hàng đã sẵn sàng cho việc thực hiện OMT ngay khi các
điều kiện tiên quyết được đáp ứng. Hiện đang có lo ngại rằng các chính sách của
Tây Ban Nha có thể bị can thiệp từ bên ngoài, song ông nói các điều kiện mà ECB
đặt ra cho nước này không nhất thiết phải mang tính trừng phạt. Tây Ban Nha cần
đưa ra đề nghị cứu trợ chính thức trước khi ECB tiến hành mua trái phiếu của
nước này.
Đánh giá về tình hình Tây Ban Nha, ông Draghi cho rằng nước này đã đạt
được những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề tài chính, nhưng
không đánh giá về việc mức lãi suất trái phiếu hiện nay của Tây Ban Nha là thỏa
đáng hay không. Ông nói thật khó để có thể nói sức ép đối với Tây Ban Nha lúc
này đang tăng lên hay giảm đi. Đối với Hy Lạp, ông bác bỏ những đề nghị kéo dài
thời hạn thanh toán đối với số nợ của nước này mà ECB đang nắm giữ, bởi điều này
là vi phạm quy định cấm ngân hàng này tài trợ cho các chính phủ.
Về vấn đề của Hy Lạp, IMF nhấn mạnh hai điều kiện căn bản cho việc cấp các
khoản vay mới cho nước này là sự ổn định nợ và thâm hụt ngân sách phải được thu
hẹp. Hiện các cuộc thương lượng giữa Hy Lạp với các nhà tài trợ về các biện pháp
khắc khổ và các cải cách đã được đề xuất vẫn đang được tiếp tục và không có thời
hạn cố định nào được đặt ra./.
Lê Minh
Vietnam+
|