Dập tắt tin đồn về gói giải cứu Tây Ban Nha
Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, Luis de Guindos, phủ nhận thông tin cho rằng nước này cần một gói giải cứu.
* Tây Ban Nha có thể phải sớm xin cứu trợ quốc tế
* Tây Ban Nha thắt chặt khoản chi tiêu ngân sách 2013
* Tây Ban Nha , Hy Lạp thực hiện khắc khổ "lấy lòng" chủ nợ
Trong bài phát biểu tại Trường Kinh tế học London (LSE), Bộ trưởng Luis de Guindos cho rằng: “Tây Ban Nha không cần gói giải cứu nào cả”.
Bài phát biểu của ông bị gián đoạn bởi một nhóm người biểu tình phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt tại nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone.
Thời gian gần đây liên tục xuất hiện các tin đồn Tây Ban Nha sẽ xin giải cứu, sớm nhất là vào cuối tuần này. Hôm 02/10, Reuters đưa tin Tây Ban Nha đã sẵn sàng xin gói giải cứu quốc gia từ các thành viên Eurozone. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông khác thì ngay sau đó Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phản đối thông tin trên.
Ông Guindos nói: “Chúng tôi đang làm những gì mà chúng tôi cho là đúng đắn không chỉ riêng cho Tây Ban Nha và còn cho cả tương lai của Eurozone”.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến thị trường bất động sản Tây Ban Nha sụp đổ và đẩy Chính phủ nước này rơi vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới nhất nhằm tiết kiệm khoảng 13 tỷ EUR cho ngân sách năm tới đã vấp phải sự phản đối dữ dội thể hiện qua các cuộc biểu tình bạo loạn.
Theo tính toán gần đây của một nhà kiểm toán độc lập, các ngân hàng Tây Ban Nha cần bơm thêm 59.3 tỷ EUR để vượt qua giai đoạn suy giảm nghiêm trọng. Được biết, vào tháng 7 vừa qua Tây Ban Nha đã chính thức xin gói giải cứu cho hệ thống ngân hàng.
Hiện quốc gia vùng I-bê-ri đang phải vật lộn với đà suy giảm của nền kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 25%. Chính phủ Tây Ban Nha vẫn hy vọng không phải xin giải cứu từ các quỹ cứu trợ của châu Âu nhưng nhiều người cho rằng điều này là không thể tránh khỏi.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|