Đường nội gây tranh cãi
Bất đồng giữa các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống sử dụng đường nguyên liệu lớn với các nhà máy đường đang tiếp diễn. Trong khi đường trong nước đang đối mặt với nguy cơ tồn kho lớn.
Tại cuộc họp về cung cầu mía đường tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Trịnh Minh Châu, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết: “Niên vụ 2012- 2013 các nhà máy đường còn tồn kho rất lớn. Tính chung lượng đường tồn kho và sản lượng dự kiến vụ 2012 - 2013 tổng cộng gần 1,6 triệu tấn đường. Trong khi tiêu thụ đường vào khoảng 1,35 - 1,4 triệu tấn, còn thừa đến 200.000 tấn”.
Dư thừa vẫn xin nhập khẩu
Khi chúng tôi nhập khẩu chỉ cần mở L/C với mức đặt cọc khoảng 10%, giao hàng thì ổn định. Trong khi các nhà máy đường trong nước bắt chúng tôi đưa tiền trước, lấy hàng sau, nhà máy nào có chính sách tốt lắm thì cũng phải đưa trước 50%.
Ông Trương Phú Chiến - Tổng giám đốc Bibica (HOSE: BBC)
|
Mặc dù đường trong nước đang dư thừa nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) sử dụng nguyên liệu đường lớn vẫn muốn nhập khẩu đường. Vì sao?
Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cho biết: “Chúng tôi sử dụng đường từ 40.000 - 50.000 tấn/năm. Nhưng mỗi lần chúng tôi liên lạc với các nhà máy trong nước để mua đường thì lại nghe kêu hết hàng rồi, như vậy làm sao yên tâm cho được?”. Các công ty Coca Cola, Nestlé Việt Nam cũng cho biết nhu cầu sử dụng từ 30.000 - 40.000 tấn đường RE tinh luyện cao cấp nhưng rất ít nhà máy trong nước đáp ứng được tiêu chuẩn, trong khi giá cả lại biến động bất thường, vì vậy cần phải nhập khẩu đường để cân bằng lại. Ông Trương Phú Chiến - Tổng giám đốc Bibica - nói: “Khi chúng tôi nhập khẩu chỉ cần mở L/C với mức đặt cọc khoảng 10%, giao hàng thì ổn định. Trong khi các nhà máy đường trong nước bắt chúng tôi đưa tiền trước, lấy hàng sau, nhà máy nào có chính sách tốt lắm thì cũng phải đưa trước 50%. Đó là chưa kể nhà máy đường trong nước thường xuyên thay đổi giá, đầu vụ giá cao, giữa vụ giá thấp, cuối vụ thì đột biến. Như vậy làm sao chúng tôi có thể tin tưởng đặt hết hợp đồng nguyên liệu cho nhà máy trong nước?”.
Bà Bùi Thị Hương - Giám đốc đối ngoại Vinamilk - cho biết: “Giá đường trắng hiện nay trên thị trường khoảng 18.600 đồng/kg (chưa có VAT). Riêng Vinamilk đang mua với giá trung bình chưa VAT là 17.500 đồng/kg và phải thanh toán trước một phần giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, giá đường nhập khẩu giao tại nhà máy chỉ là 15.000 đồng/kg. Nhu cầu của Vinamilk trung bình là 10.000 tấn/tháng, như vậy chênh lệch giữa giá đường nhập khẩu và giá trong nước sẽ là 25 tỉ đồng/tháng”.
Tranh cãi kéo dài
Các nhà máy đường phải thay đổi
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng giải pháp căn cơ là các nhà máy đường buộc phải có cách giảm giá thành, thậm chí phải sáp nhập lại để nâng khả năng cạnh tranh. Việc bảo hộ của nhà nước nhiều năm qua đối với ngành đường sẽ phải chấm dứt vào năm 2015, khi Asean và Trung Quốc trở thành thị trường chung. Thuế nhập khẩu đường sẽ chỉ còn 0%. Lúc đó, liệu các nhà máy đường trong nước có thể đứng vững?
|
Vì sao giá đường nhập khẩu lại thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước? Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, giải thích: “Trình độ sản xuất mía đường của Thái Lan khá cao theo mô hình công nghiệp cộng với các chính sách bảo hộ của chính phủ Thái cho ngành đường nên chi phí giá thành rất thấp. Trong khi đó, sản xuất mía đường ở nước ta còn dạng nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu dẫn đến chi phí giá thành cao nên không thể cạnh tranh lại. Riêng chi phí nguyên liệu tính vào giá thành của các nhà máy đường của Việt Nam lên đến 80%, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan khoảng hơn 60%. Vì vậy đường Việt Nam không thể nào cạnh tranh về giá với đường nhập”.
Ngoài việc thừa nhận có giá cao hơn đường nhập, các ý kiến về chất lượng đường, nguồn cung thiếu ổn định… mà các DN thực phẩm đưa ra đều bị các nhà sản xuất bác bỏ. Ông Đỗ Thành Liêm - Giám đốc Công ty CP mía đường Khánh Hòa - nói: “Các nhà tiêu thụ đường hãy gửi tiêu chuẩn đến để chúng tôi cung cấp sản phẩm phù hợp. Không nên lấy lý do chất lượng và giá mà chê hàng trong nước”. Đại diện Công ty CP đường Bourbon Tây Ninh, nhấn mạnh: “Đường của nhà máy chúng tôi còn xuất khẩu qua Singapore, Sri Lanka, tại sao nói không đáp ứng được tiêu chuẩn nhu cầu DN trong nước? Cơ bản là họ lo về giá đường do biến động lớn và nguồn cung không ổn định”.
Các tranh cãi giữa hai bên đang tiếp tục kéo dài. Việc bảo vệ sản xuất trong nước là cần thiết, tuy nhiên, bài toán kinh doanh của những DN chế biến thực phẩm cũng phải được tôn trọng. Theo ông Nguyễn Thành Long, để giải quyết những bất đồng này, các nhà máy cần công bố tiêu chuẩn lượng từng loại đường, niêm yết giá bán công khai và bán đúng giá. DN thực phẩm cũng cho biết nhu cầu chất lượng thế nào. Mỗi bên nên nhường nhau một bước để cùng giải quyết tình trạng này.
Đầu năm 2012, các DN chế biến đã đề nghị Bộ Công thương cho nhập khẩu 338.000 tấn đường, nhưng trước yêu cầu bảo hộ của các nhà máy đường trong nước, Bộ Công thương chỉ duyệt cho nhập 70.000 tấn. Bộ cũng đề nghị hai bên cung và cầu ngồi lại với nhau nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Quang Thuần
Thanh niên
|