Thứ Sáu, 12/10/2012 07:02

Lạm dụng vốn vay, doanh nghiệp tự đào thải

Vay vốn ngân hàng quá nhiều, lãi suất cao dẫn đến không trả được nợ là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp tự đào thải mình trong khủng hoảng.

Vẫn khó để tái cơ cấu

Trong vai trò nhà điều hành, ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH), đã đề xuất một loạt giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Tuy nhiên, với tiềm lực lẫn "tuổi đời" còn khá trẻ, tái cấu trúc vẫn là chuyện khiến nhiều DN Việt Nam lấn cấn.

Dẫn chứng từ kết quả khảo sát của Vietnam Report đối với các DN trong nhóm Fast500, 75% số DN được hỏi cho rằng ngân hàng là kênh huy động vốn kinh doanh khả thi hơn so với những kênh khác, cho thấy đây chính là vấn đề căng thẳng và thể hiện điểm yếu của đại đa số DN Việt Nam.

Một vấn đề khó nữa, theo nhiều chuyên gia, là từ đầu năm 2012, kinh tế Việt Nam đầy rẫy bất ổn về vĩ mô, xuất nhập khẩu. Thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn tiếp tục trì trệ đã kéo niềm tin đầu tư và tiêu dùng giảm mạnh. Do đó, cơ hội có được xuất phát từ bản lĩnh lãnh đạo. Nếu nhà điều hành DN không có ưu điểm này thì rất khó có thể chạm đến cơ may trên.

Song, thực tế hiện nay là các DN luôn trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Để bản thân DN tự vực lên không dễ, đòi hỏi phải có sự tiếp sức của nhà nước, có như vậy mới vừa tạo ra cơ hội đầu tư và vừa có giải pháp để tăng tốc cho DN.

Từ kết quả thực tế, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó Tổng giám đốc PNJ, cũng chia sẻ, việc tái cấu trúc phụ thuộc vào nhà điều hành, đôi khi DN đang "ăn nên làm ra" vẫn chấp nhận tiến hành tái cấu trúc. Lấy ví dụ từ PNJ, ông Quỳnh nhấn mạnh, vấn đề là xem xét thời điểm, thị trường lẫn tiềm lực DN. Trên thực tế, các chuyên gia, nhà điều hành DN vẫn cho rằng, cơ hội vẫn luôn tiềm ẩn trong khó khăn, do đó các DN, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận, tư vấn các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khủng hoảng hơn là tự đào thải mình bằng cách dựa dẫm vào vốn vay ngân hàng.

Ông Đặng Đức Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho hay, với lãi suất ngân hàng rất cao (xoay quanh 15%/năm), dù có vay được dài hạn, doanh nghiệp cũng không có khả năng đóng lãi suất và dẫn đến rủi ro, bất ổn triền miên. Hai năm qua, mặc dù có chiến lược kinh doanh đúng đắn nhưng phần lớn những doanh nghiệp cực kỳ khó khăn hiện nay, kể cả những đơn vị phá sản và ngừng hoạt động, đa phần do sử dụng vốn vay ngân hàng quá lớn. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy với thói quen vay vốn đầu tư nếu muốn tái cơ cấu được nhanh chóng.

Để có cơ hội cạnh tranh, DN cần thay đổi tư duy "nhà lãnh đạo", nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, đối mặt với những khó khăn, không đùn đẩy hoặc né tránh trách nhiệm. Hơn nữa, cũng cần tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân, xây dựng chiến lược kinh doanh trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Cần đẩy mạnh liên kết

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tại doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng và cần phải thay đổi thói quen vay vốn để gỡ nút thắt này. Vốn của các doanh nghiệp chủ yếu là vốn vay ngắn hạn hoặc huy động từ khách hàng và thiếu nguồn vốn cho trung và dài hạn.

Để không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, theo ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông, doanh nghiệp có thể đa dạng hóa nguồn vốn bằng cách liên kết các hiệp hội để thu hút đầu tư tài chính từ các hội viên.

Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn khác ngoài vốn ngân hàng bằng việc mở rộng mối quan hệ, liên kết liên doanh với các công ty trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư tư nhân hay tìm kiếm đối tác chiến lược. Bên cạnh đó, có thể huy động vốn thông qua việc phát hành các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước.

Sự cần thiết của doanh nghiệp trong lúc này là phải có ngay bản kế hoạch - lộ trình vượt qua khủng hoảng. Xuyên suốt kế hoạch này phải giảm triệt để những khoản chi tiêu và tìm cách khai thác mọi nguồn thu, xem xét những khoản chi đầu tư, giảm, giãn chi đầu tư công trình mới. Trong nhiều trường hợp cần mạnh dạn sang, nhượng, sáp nhập dự án, kể cả phải cắt lỗ nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, cho rằng, việc tự đánh giá lại mình, tái cấu trúc, điều chỉnh và xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình mới là điều DN nên làm, nhất là trong giai đoạn DN đang đứng trước khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

Theo đó, có 2 giải pháp dành cho đối tượng DN mạnh và DN vừa, nhỏ. Cụ thể, đối với DN vừa, nhỏ phải nhanh chóng hợp tác, sáp nhập để tăng thêm sức mạnh và bổ trợ nhau. Còn với các DN mạnh thì đây là cơ hội để họ "vẫy cánh", mua lại các DN tiềm năng nhằm tăng vốn, thay phương pháp quản trị, thậm chí thay "ngôi" những lãnh đạo không theo kịp biến động của thị trường.

Nam Phong

diễn đàn kinh tế VN

Các tin tức khác

>   Đến lượt Shell Gas rời thị trường VN (12/10/2012)

>   Đồ gỗ “quên” sân nhà (11/10/2012)

>   Phó chủ tịch LienVietPostBank: Kiến nghị ngắn nhất là “vi hành” (11/10/2012)

>   Thủ tướng yêu cầu khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản (11/10/2012)

>   Người nước ngoài thích làm việc ở Việt Nam (11/10/2012)

>   Xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm do giá bán cao (11/10/2012)

>   “Giải cứu” Xi măng Đồng Bành: Mối lo từ phức tạp về tài chính (11/10/2012)

>   Kiểm toán Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Kiến nghị xử lý 16 triệu USD và gần 3 tỉ đồng (11/10/2012)

>   Nợ xấu hàng ngàn tỷ từ cho thuê tàu tại ACL I, II (11/10/2012)

>   TPHCM: Doanh nghiệp tăng tốc về đích (11/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật