Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực công nghệ
Cần bàn tay của các tập đoàn lớn
Tháng 9.2011, thông qua giới thiệu của TS Nguyễn Trí Dũng và các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, PGS.TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban khu công nghệ cao TP.HCM đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Osaka, Nagoya, Tokyo…. (Nhật Bản). Qua chuyến tìm hiểu các doanh nghiệp tại Nhật Bản, theo TS Quốc, trong hai năm 2012 và 2013, nhóm xúc tiến đầu tư của khu công nghệ cao TP.HCM sẽ tiếp cận các DNNVV ở Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm ra những nhà đầu tư đáp ứng kỳ vọng mới của khu.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, TS Quốc nói: “Những DNNVV tại hai quốc gia trên là những mẫu hình để Việt Nam học hỏi về cách thức tổ chức hoạt động, tính hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai kết quả nghiên cứu vào đời sống xã hội”.
TS Quốc cho biết, nhân sự của nhiều DNNVV tại Nhật Bản chỉ có khoảng mười người, còn nguồn vốn hoạt động của họ phải đi vay từ ngân hàng hay các tổ chức tài chính. “Có những doanh nghiệp công nghệ tại Nhật Bản không có văn phòng riêng, phải làm việc tại chính căn nhà của họ nhưng sức sáng tạo vô cùng lớn. Trong tay của họ có hàng chục, thậm chí hàng trăm bằng sáng chế, bí quyết công nghệ. Theo tôi được biết, những kết quả nghiên cứu của họ xuất hiện trong hàng loạt sản phẩm của các hãng sản xuất lớn như Toyota, Canon, Sony, Mitsubishi…”, TS Quốc chia sẻ. Theo TS Quốc, để thu hút các DNNVV tham gia vào quy trình sản xuất, trước khi sản xuất một sản phẩm, các hãng lớn bóc tách từng bộ phận trong mô hình thiết kế chung để kêu gọi các nhà sản xuất vệ tinh “đấu thầu”.
Các DNNVV, gởi các phương án sản xuất cũng như thuyết minh về năng lực công nghệ, nhân lực. Nếu được hãng thông qua bản thuyết minh, thông qua các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các DNNVV sẽ sản xuất thử. Nếu được chọn, doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất theo đơn đặt hàng. “Quy trình sản xuất này đã tạo cơ hội các DNNVV tồn tại và phát triển”, TS Quốc nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina, bày tỏ quan điểm: “Hỗ trợ các DNNVV trong lĩnh vực công nghệ phát triển là một cách làm đúng. Thế mạnh của DNNVV là năng động, ít người, không đòi hỏi vốn đầu tư lớn… Với những công cụ, phần mềm hiện nay, họ dễ dàng “đi ngang”, không cần nền tảng khoa học công nghệ hàng trăm năm. Điều quan trọng là họ có ý tưởng mới, có những phát kiến hay”.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của Samsung, theo ông Đạo, để phát huy sức mạnh của khối doanh nghiệp này, cần có bàn tay đóng vai trò “bà đỡ” từ các tập đoàn kinh tế lớn. Trên thế giới, các tập đoàn sản xuất lớn mặc dù đã có những trung tâm nghiên cứu và triển khai với kinh phí hoạt động hàng chục tỉ đôla Mỹ/năm nhưng “cánh cửa của họ sẵn sàng mở để tiếp nhận những sáng chế, ý tưởng của các DNNVV”. Theo ông Đạo, có nhiều hình thức liên kết với nhau: hoặc là tập đoàn mua lại độc quyền ý tưởng đó hoặc là góp vốn để cùng nghiên cứu. “Muốn DNNVV phát triển, phải có những tập đoàn kinh tế lớn mạnh giữ vai trò trung tâm để dẫn dắt...”, ông Đạo nhấn mạnh.
Gia Vinh
Sài Gòn Tiếp thị
|