Thứ Hai, 08/10/2012 06:43

Xoá quy hoạch treo

Dân đang chờ hành động cụ thể

Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM về chuyên đề quy hoạch đã kết thúc bằng cam kết xoá “treo” của lãnh đạo UBND thành phố.

Theo đó, trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu về những dự án treo, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận có nhiều dự án chậm tiến độ, và hứa sẽ rà soát lại tất cả những dự án này. Đối với những dự án đã đền bù cho dân được 50% sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, thời gian gia hạn tối đa là 12 tháng. Đối với những dự án không thể thoả thuận đền bù được, UBND thành phố sẽ xem xét thu hồi. Riêng đối với những dự án phải giữ lại vì mục tiêu phát triển lâu dài của thành phố thì phải công bố công khai về lộ trình, đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khu vực bị quy hoạch. Về các kiến nghị cụ thể của đại biểu, cử tri đối với những dự án như: Bình Quới – Thanh Đa, khu bến xe Miền Tây, những dự án khu đô thị tại huyện Hóc Môn, Bình Chánh, khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh..., ông Nguyễn Hữu Tín cam kết sẽ triển khai ngay cuộc họp để giải quyết và có câu trả lời cho đại biểu HĐND thành phố.

Những cam kết của ông Nguyễn Hữu Tín bước đầu đã đáp ứng được sự mong đợi của người dân sống trong vòng vây quy hoạch treo cũng như nhiều đại biểu HĐND. Tuy nhiên, cái người dân chờ đợi nhiều hơn nữa chính là những hành động, những quyết định cụ thể từ UBND thành phố sau kỳ họp này.

Đừng như những lần trước

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, một người dân đang sống trong dự án quy hoạch Bình Quới – Thanh Đa nhắc lại, tại kỳ họp thứ 16 HĐND thành phố khoá VII tháng 7.2009, lãnh đạo thành phố cũng hứa là sẽ xoá quy hoạch treo cho dân nhưng đã ba năm trôi qua, người dân vẫn tiếp tục chờ. Người này tỏ ra tâm đắc với câu nói của cử tri Đặng Văn Quốc, phường 28, quận Bình Thạnh, phát biểu tại kỳ họp HĐND vừa qua: “Đừng để một thế hệ nữa phải sinh ra và lớn lên trong vòng vây của quy hoạch treo!”

Tương tự, ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND thành phố các khoá VI, VII, cũng cho rằng việc quy hoạch là rất cần thiết đối với một đô thị phát triển. Tuy nhiên, cần trả lời câu hỏi trong mỗi dự án quy hoạch: các cơ quan chức năng đứng về phía nhà đầu tư hay người dân? Khi thực hiện một dự án, lợi ích người dân phải được xem xét trước tiên. Không thể biện minh vì lợi ích dự án nên một bộ phận người dân phải chấp nhận hy sinh. Thực tế, nhiều dự án cũng đã được hứa xoá treo, nhưng vì nhiều lý do, lời hứa đó không thể thực hiện khiến người dân bức xúc.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, trong thời gian qua, thành phố hứa sẽ thực hiện quy hoạch, hoặc sẽ xóa quy hoạch. Tuy nhiên, “sẽ” là bao lâu thì không cụ thể. Do vậy, đối với người dân, khi các cơ quan nhà nước hứa thì phải yêu cầu cho biết cụ thể về thời gian thực hiện.

Cũng theo ông Hậu, trong trường hợp không thực hiện quy hoạch cũng như không thực hiện lời hứa thì người dân có thể khởi kiện quyết định hành chính của UBND thành phố về quy hoạch ấy ra toà hành chính. Cụ thể, trong trường hợp thành phố ra quyết định quy hoạch một khu đất để làm dự án nhưng sau nhiều năm dự án không thực hiện, dẫn tới người dân thiệt hại về quyền lợi như không thể xin phép xây nhà, không thể sang nhượng... thì người dân có thể khởi kiện quyết định của UBND ra toà, yêu cầu phải huỷ bỏ quyết định hoặc thực hiện quyết định.

“Thời gian qua, chưa có người dân nào khởi kiện vì bị thiệt hại do quy hoạch treo gây ra vì ngại đụng chạm với cơ quan nhà nước. Họ cho rằng, có đi kiện cũng chưa chắc gì thắng kiện nên dù bị thiệt dân vẫn chịu đựng”, ông Hậu nói.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Đức Phượng, văn phòng luật sư Hợp Việt nói, người dân có thể khởi kiện quyết định hành chính của UBND thành phố nhưng hầu như các quyết định về quy hoạch không quy định về thời hạn thực hiện cụ thể, do đó tòa án cũng khó xác định để phân xử. Mặt khác, quy định của pháp luật tố tụng hành chính hiện nay mới quy định Nhà nước bồi thường khi có oan sai chứ chưa có quy định bồi thường thiệt hại khi ban hành quy hoạch treo.

Sửa đổi ngay trong luật Đất đai

Để giải quyết căn cơ vấn đề quy hoạch treo, ông Đặng Văn Khoa cho rằng, cần phải thay đổi hệ thống luật Đất đai trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho người dân. Cụ thể, đối với đất nông nghiệp, nên quy định bất cứ dự án nào (trừ dự án phục vụ an ninh quốc phòng, đường sá...), khi thu hồi đất, nhà đầu tư phải trực tiếp mua của dân. Nếu dân không đồng ý bán khi chưa được giá, thì không được cưỡng chế.

Một luật sư thuộc đoàn luật sư TP.HCM cũng phân tích, luật Đất đai và luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định rất rõ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, nhưng lại chưa quy định rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan đến quy hoạch bị huỷ bỏ.

Mặt khác, việc công nhận huỷ bỏ một quy hoạch sẽ gắn liền với việc giải quyết các hậu quả có liên quan đến quy hoạch đó. Do vậy, nếu chính các cơ quan này huỷ bỏ quy hoạch, thì đồng nghĩa với việc họ công nhận sự sai lầm và thiếu tầm nhìn của mình trong quy hoạch. Chính vì vậy, trong thực tế không có nhiều dự án quy hoạch “treo” bị huỷ bỏ. Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, cần sớm có quy định rõ ràng, khả thi về việc huỷ bỏ những quy hoạch không phù hợp.

Không quy hoạch chạy đua

Để hạn chế quy hoạch treo, ông Trần Chí Dũng, giám đốc sở Quy hoạch và kiến trúc đưa ra giải pháp: khu vực nào cần kiểm soát, quản lý thì thực hiện quy hoạch kỹ lưỡng với lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, khả thi. Không làm quy hoạch theo kiểu chạy theo diện rộng, nặng về số lượng, mà nên đầu tư xây dựng quy hoạch theo chiều sâu, lấy chất lượng làm đầu. Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt, các sở ngành phải phối hợp với cơ quan hữu quan chọn lựa các công trình, dự án ưu tiên thực hiện, xác định nguồn vốn đầu tư, lập kế hoạch triển khai... Tất cả phải được công khai để người dân biết và giám sát.

ĐB Lâm Thiếu Quân, quận 5: Phải công khai quy hoạch trên website

Tôi đã đề nghị các cơ quan chức năng phải công khai thông tin quy hoạch, thời gian triển khai, thời gian hoàn thành... trên các trang web để người dân có thể giám sát. Và giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Đào Anh Kiệt cũng hứa và cho biết sở đã kết hợp với sở Thông tin và truyền thông lên kế hoạch đưa thông tin các dự án lên các trang web. Tôi nghĩ, nếu sở Tài nguyên và môi trường thực hiện đúng lời hứa của mình thì tốt. Tôi sẽ theo dõi và giám sát tới cùng lời hứa của sở Tài nguyên và môi trường thành phố.

ĐB Trần Văn Thiện, quận Gò Vấp: Mỗi dự án cần một giải pháp

UBND thành phố đã hứa như thế, bây giờ công việc cần làm ngay là phải liệt kê các dự án đó ra. Các quận có bao nhiêu dự án treo, thời hạn treo..., để định ra cấp độ và cũng để biết dự án nào cần giải quyết ngay. Trong đó phải liệt kê rõ những dự án nào đã treo trên 20 năm, treo từ 10 – 15 năm hoặc treo dưới mười năm.


Tùng Quang – Đoàn Quý (ghi)

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Bất động sản Tp.HCM: Nhà phố bung hàng hơn 1.000 căn hộ (07/10/2012)

>   Tìm sự ổn định cho thị trường BĐS (07/10/2012)

>   Thị trường địa ốc vào đợt bán tháo mới (07/10/2012)

>   Sàn giao dịch "tiếp sức" chủ đầu tư (06/10/2012)

>   Giá bán nhà thu nhập thấp có thể giảm thêm 15% (05/10/2012)

>   Quỹ đầu tư bất động sản: Thách thức chờ đón! (05/10/2012)

>   Đầu tư bất động sản: Thay đổi hoặc là “chết” (05/10/2012)

>   Hà Nội: 50 ha 'đất vàng' dành cho ai? (05/10/2012)

>   Nhà mặt phố hiếm khách mua, giá vẫn hàng chục tỷ đồng (05/10/2012)

>   HAG “phá giá” căn hộ Quận 7: Giá có thực sự rẻ? (05/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật