Thứ Sáu, 05/10/2012 09:58

Hà Nội: 50 ha 'đất vàng' dành cho ai?

Sức hút cực lớn từ quỹ đất mặt phố Hà Nội đủ khiến bất kỳ ai, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng phải "động lòng".

Sau nhiều năm "vật vã", tới nay 8 bộ, ngành đã được di dời khỏi nội thành Hà Nội. 11 bộ, 5 cơ quan Trung ương cũng đang rục rịch "đổi nhà". Quỹ đất có được sau khi các cơ quan này ra khỏi nội thành - được xem là đất vàng - sẽ được sử dụng như thế nào đang gây tranh luận lớn.

Tổng diện tích quỹ đất sau di dời ước tính khoảng 50,8ha. Tuy diện tích không lớn nhưng hơn 50ha đất này được đánh giá là "đất vàng", có giá trị kinh tế rất lớn vì trụ sở các bộ, ngành phần lớn đều nằm ở mặt đường các tuyến phố trung tâm Thủ đô. Do vậy, sử dụng quỹ đất này như thế nào là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Dù mới ở giai đoạn khởi động, thế nhưng, đã xuất hiện nhiều thông tin "dự báo" rằng, quỹ đất của bộ này sẽ xây nhà thấp tầng, bộ kia xây chung cư hay các bộ, ngành sẽ được tự đứng ra chuyển nhượng trụ sở cho doanh nghiệp để có vốn thực hiện dự án di dời...

Trước băn khoăn của dư luận, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, những khu đất này sẽ thực hiện quản lý, sử dụng, chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của thành phố Hà Nội. Trong đó, khuyến khích chuyển đổi chức năng các trụ sở cũ sang các mục đích công cộng, không gian xanh phục vụ cho cộng đồng. Đối với những công trình có giá trị về kiến trúc thì cần được bảo tồn, hạn chế phá dỡ làm mất các giá trị, ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích văn hóa. Đặc biệt, đối với các trụ sở nằm ở các khu vực có hạ tầng tốt, nhưng xa trung tâm thì cho chuyển đổi sang các mục đích thương mại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới.

Xóa tan nghi ngại về việc các bộ, ngành sẽ được phép "tự xử" đất vàng, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nói: "Việc chuyển đổi chức năng cụ thể của từng lô đất sẽ được UBND TP Hà Nội, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể ở các bước tiếp theo. Điều này là cơ sở cho việc định giá để thực hiện đấu giá đất công khai theo quy định".

Góp ý với Bộ Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng đề nghị, phần lớn diện tích đất được chuyển đổi thành khu vực công ích như: trường học, trung tâm hành chính quận, chỗ để xe và cây xanh. Tuy nhiên, cũng có một số diện tích nhất định được khuyến nghị có thể xây khách sạn, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng... Đồng tình với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nhiều chuyên gia, người dân đã lên tiếng đề nghị dành quỹ đất dôi dư sau khi di dời bộ, ngành cho mục đích công cộng, phục vụ cộng đồng dân cư. Đặc biệt, phải hạn chế tới mức thấp nhất việc cho phép xây dựng các khu nhà ở, căn hộ chung cư cao tầng ở các khu đất này. Bởi nếu như vậy, không khác nào "đánh bùn sang ao" và mục tiêu giãn mật độ dân số cho khu vực nội thành sẽ thất bại.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cần phân tích, nghiên cứu cẩn trọng để xây dựng bộ tiêu chí phục vụ cho công tác di dời bộ, ngành.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm nhìn chung, địa điểm của các bộ, ngành trong khu vực nội đô sau khi tiến hành di dời không thể làm nhà ở. Còn dành để làm dịch vụ công cộng, dịch vụ thương mại hay hạ tầng xã hội... thì cần cân nhắc từng vị trí với điều tra cụ thể về nhu cầu của từng địa phương. Dịch vụ công cộng là những công trình gì cũng cần tính toán. Trụ sở của Bộ Xây dựng (thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng) đang được dự kiến quy hoạch thành dự án nhà ở thấp tầng là chưa hợp lý, khi mà quận này còn có phường thiếu trường học...

Đặc biệt, việc di dời phải tính đến những tác động tới giao thông cho khu vực nội thành. Tổng số lượng cán bộ, viên chức hiện có lên đến con số vài chục vạn. Vậy nếu mới chỉ giải quyết việc di dời trụ sở mà không giải quyết vấn đề đi lại thì sẽ nảy sinh vấn đề về giao thông. Muốn đạt được mục tiêu giảm sức ép dân số, ùn tắc giao thông trong nội đô thì cần phải thống nhất quan điểm là các bộ, ngành không chỉ thực hiện việc di dời nơi làm việc mà phải bố trí cuộc sống mới của cán bộ thuộc bộ, ngành mình để làm giảm tác động tới khu trung tâm thành phố. Ông Đào Ngọc Nghiêm bình luận: "Không nên để tình trạng một số lượng lớn công chức có nhà trong nội thành, nhưng lại đi làm tại Mễ Trì và Tây Hồ Tây được. Làm vậy sẽ tạo ra giao thông "con lắc", thêm phần ách tắc. Cần lưu ý rằng, số lượng ôtô của các cơ quan Trung ương là rất lớn".

Ngoài ra, cần cân nhắc kỹ vị trí, quy mô "nhà mới" của các bộ, ngành phải căn cứ vào hướng phát triển của cơ quan đó. "Nếu chỉ nói nơi đến là Tây Hồ Tây và Mễ Trì, nhưng chưa đưa phương án cụ thể sẽ làm gì thì sao có thể tạo sức hấp dẫn", ông Đào Ngọc Nghiêm bình luận.

Số lượng các bộ ngành cần di dời trụ sở làm việc trong thời gian tới:

Số lượng các bộ, ngành cần di dời trụ sở làm việc trong thời gian tới dự kiến khoảng 11 bộ, 5 cơ quan Trung ương thuộc các đoàn thể, một cơ quan thuộc Chính phủ. Vị trí di dời các đơn vị trên là Khu vực Tây Hồ Tây (27 ha đất để xây dựng trụ sở của 8 Bộ, ngành) và khu vực Mễ Trì, xây dựng trụ sở 3 Bộ và 5 cơ quan trung ương các đoàn thể với tổng quỹ đất 20 - 50 ha. Danh sách gồm các cơ quan như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...


Phương Mai

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Nhà mặt phố hiếm khách mua, giá vẫn hàng chục tỷ đồng (05/10/2012)

>   HAG “phá giá” căn hộ Quận 7: Giá có thực sự rẻ? (05/10/2012)

>   Nhà thu nhập thấp có thể được bán sau 5 năm sử dụng (05/10/2012)

>   “Tiền trong dân còn nhưng không đổ vào bất động sản!” (04/10/2012)

>   Văn phòng cho thuê: Giá chưa có dấu hiệu chạm đáy (04/10/2012)

>   Găm sẵn tiền: Đón sóng hạ giá chung cư cuối năm (04/10/2012)

>   Mặt bằng bán lẻ: nguồn cung tăng, giá thuê giảm (03/10/2012)

>   “Bán phá giá” căn hộ: Chủ tịch HAGL lên tiếng (03/10/2012)

>   Căn hộ bình dân tại TPHCM có tỷ lệ bán khả quan (03/10/2012)

>   Hà Nội: Đà giảm giá văn phòng cao cấp ở phía Tây chững lại (03/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật