“Vàng vonfram” thâm nhập Việt Nam thế nào?
Tuần qua, một cửa hàng trang sức có tiếng tại New York (Mỹ) đã mua phải một lượng lớn vàng giả, đúng hơn là những thỏi vonfram bọc vàng. Vàng vonfram đã thâm nhập vào Việt Nam thế nào và cách phân biệt ra sao?.
Phát hiện vàng vonfram trên thị trường quốc tế:
Là một nhà buôn vàng sành sỏi, có tiếng ở quận Mahattan, New York (Mỹ), nhưng ông Ibrahim chẳng thể ngờ có ngày mình cũng mua phải vàng giả. Những thỏi vàng của ông dù đã mua được của bạn hàng quen thuộc nhưng cuối cùng vẫn bị làm giả. Hiện Fadl chưa biết bao nhiêu trong tổng số vàng miếng trị giá 100.000 USD của mình là giả.
Những kẻ lừa đảo đã làm giả một cách tinh vi, bằng cách mua miếng vàng thật của công ty uy tín có in rõ ràng số seri, hộp đựng, giấy chứng nhận. Sau đó chúng khoét rỗng ruột bên trong rồi nhét miếng kim loại rẻ tiền vào và dập đúc nguyên trở lại. Miếng kim loại được dùng là tungsten, thường dùng để chế tạo thép hợp kim và các sợi trong bóng đèn điện. Miếng vàng giả này nặng tương đương những miếng vàng thật có cùng kích cỡ.
Trong khi mỗi ounce vàng giá hơn 1.700 USD, thì miếng kim loại này chỉ đáng giá một USD. Bởi vậy, nếu tính toán kỹ giá trị của miếng vàng giả sau khi bị rút rột thì giá trị chỉ còn vài nghìn USD, thua xa so với mức giá 18.000 USD đối với một miếng vàng 10 ounce bán trên thị trường.
Hồi tháng 3 vừa qua, vàng giả (vonfram) làm từ tungsten cũng đã xuất hiện ở Anh và một số nước khác. Tại Trung Quốc, loại vàng này được bán công khai.
“Vàng vonfram” được bán công khai tại Trung Quốc:
Trong khi cơ quan điều tra Mỹ còn đang đau đầu để điều tra việc tại sao ngay trung tâm tài chính của Mỹ lại xuất hiện vàng giả, thì tại Trung Quốc, những miếng vàng bọc vonfram hay còn gọi là tungsten lại được công khai bày bán trên mạng, đó là sản phẩm của công ty là ChinaTungsten Online. Những sản phẩm mạ vàng của công ty này rất đa dạng, từ thỏi vàng, đồng xu vàng, các đồ trang sức bằng vàng. Công ty này khẳng định đáp ứng được mọi yêu cầu của khách một cách rất dễ dàng.
Dù công ty khẳng định đó là đồ giả, dù công ty khuyến cáo là không được lợi dụng sản phẩm này cho các mục đích phi pháp, tuy nhiên, ai dám chắc những sản phẩm y như vàng thật này không bị lợi dụng để lừa người tiêu dùng?
Thân thiện với môi trường. Bền. Cứng. Đặc biệt, có khối lượng riêng gần bằng vàng. Một sự thay thế hoàn hoản cho cho những miếng vàng đắt đỏ hiện nay. Đó chính là kim loại Tungsten hay còn gọi là vonfram.
Thân thiện với môi trường. Bền. Cứng. Đặc biệt, có khối lượng riêng gần bằng vàng. Vonfram bọc vàng, một sự thay thế hoàn hoản cho cho những miếng vàng đắt đỏ hiện nay.
Nếu bạn là chuyên gia môi giới chứng khoán, quản lý ngân hàng hay công ty bảo hiểm, bạn có thể dùng miếng vonfram bọc vàng, khắc tên công ty và làm quà cho khách VIP.
Nếu bạn là nhà buôn vàng, vonfram bọc vàng sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho mục đích trưng bày, tránh bị rủi ro mất cắp vàng thật.
Và, sản phẩm mạ vàng, bọc vonfram là sản phẩm được chấp nhận trên toàn cầu, có thể mua và bán dễ dàng.
Đó là những lời quảng cáo của một trang Web có tên ChinaTungsten Online - một công ty ở thành phố Hạ Môn, Trung Quốc về sản phẩm vonfram mạ vàng của họ. Một quảng cáo bình thường giống như bao quảng cáo khác, song nếu để ý kỹ sẽ thấy một đặc tính khá nổi bật từ quảng cáo này, đó là “vonfram bọc vàng, một sự thay thế hoàn hảo cho các miếng vàng đắt đỏ hiện nay”. Nghĩa là ít nhất bằng mắt thường, sẽ khó có thể phân biệt đâu là vonfram bọc vàng, đâu là vàng thật.
Trên trang Web của mình, công ty này cũng không ngại ngần dùng từ “fake gold” có nghĩa là vàng giả. Thậm chí còn đưa ra cả các hướng dẫn phân biệt vàng thật và vàng độn vonfram. Nhưng trong phần hướng dẫn phân biệt, công ty này cũng chỉ đề cập đến các sản phâm mạ vàng với lượng mỏng. Vậy với các sản phẩm mạ vàng với lượng dày? Chưa có câu trả lời. Nhưng hãy đọc một câu quảng cáo khác thể hiện sự hết lòng vì thượng đế:
Công ty sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng đặc biệt là đáp ứng được cả việc mạ vàng dày hay mỏng tùy thuộc vào đơn hàng.
Liệu có thể hiểu, nếu bạn cần các sản phẩm vonfram mạ vàng thật dày, để qua mắt người dùng, thậm chí để qua mắt cả những máy móc chuyên dụng, chúng tôi vẫn đáp ứng được cho bạn.
Nhưng công ty này cũng lại có một lời khuyến cáo khá trách nhiệm và không ai có thể bắt bẻ, đó là công ty sẽ không ủng hộ việc lợi dụng dùng vàng bọc vonfram cho các mục đích phi pháp…
Cách thức chế tạo “vàng vonfram”
Thật ra khái niệm “vàng trộn vonfram” không phải là quá mới trên thị trường Việt Nam. Cách đây hơn một năm, bản tin Tài chính Kinh doanh cũng đã từng đề cập chủ đề này. Các phóng viên đã tận mắt chứng kiến những miếng vàng có lõi vonfram và ghi hình cách thức để chế tạo ra chúng. Có hai cách thức phổ biến để tạo ra được những miếng vàng giả.
Hòa hỗn hợp bột kim loại gồm: Iridi, Osmi và Ruthendi vào trong vàng nóng chảy, thành phẩm sẽ là một hợp kim có tỉ trọng và độ dẻo gần giống như vàng, hoàn toàn được vàng bao phủ. Cuối cùng, dung dịch axit sẽ được sử dụng để tẩy lớp váng bên ngoài, cho ra một sản phẩm vàng giả gần như hoàn hảo. Một phương thức khác nhanh chóng hơn là dùng vàng nóng chảy đổ trực tiếp bao quanh một khối vonfram hoặc kim loại nặng ở bên trong. Đặc biệt, vonfram không có nhiều ở Việt Nam nhưng lại có trữ lượng rất lớn tại Trung Quốc.
“Vàng vonfram” thâm nhập vào Việt Nam thế nào?
Theo phóng viên Lê Hương, tại Việt Nam, vàng có thể dễ dàng được nhập về Việt Nam theo đường tiểu ngạch, dưới dạng hàng xách tay. Chúng ta ai cũng biết và thừa nhận trên thị trường vàng Việt Nam có chuyện nhập lậu.
Mua vàng vonfram ở Trung Quốc chắc chắn là rất dễ, vì được bán công khai. Chúng có thể ở dạng một miếng vàng bọc lõi vonfram ở trong, cũng có thể là vàng miếng được trộn bột vonfram… nhưng các cách này cuối cùng cũng dễ bị phát hiện bởi về nước vàng sẽ được nấu chảy ra. Nguy cơ lớn nhất là vàng vonfram được gia công chế tạo thành trang sức và tuồn về thị trường trong nước, ví dụ như những dây chuyền, lắc tay… nếu không có nguồn gốc rõ ràng và được bảo hành chính hãng, thì người dùng cũng không chắc là bên trong những đồ trang sức này có phải là vonfram hay không.
Về mặt kỹ thuật thì cách thức nhận dạng vàng hiện nay là dùng cân tỷ trọng, hoặc máy quang phổ, nhưng cả 2 phương pháp này đều bị vàng có lõi vonfram hoàn toàn qua mặt. Thứ nhất vì vonfram có khối lượng riêng xấp xỉ khối lượng riêng của vàng, nên cân đo sẽ không phát hiện được gì. Còn thứ hai, các máy dùng tia X để kiểm tra thì cũng chỉ có tác dụng với bề mặt của miếng vàng, chứ không thể đâm xuyên được vào lõi. Với vàng trang sức thì chắc chẳng có ai cắt đôi cắt ba món đồ ra để kiểm tra cả.
Cách tốt nhất để người tiêu dùng tự bảo vệ mình, đơn giản chỉ là không nên mua bán vàng trao tay, nghĩa là khi mua bán thì nên đến các cửa hàng có thương hiệu, có đảm bảo và có cam kết mua lại vàng mà họ đã bán ra.
Phân biệt vàng nguyên chất với “vàng vonfram”
Vẫn là vàng 99,91%... khi đưa vào máy quét tia X. Hai biện pháp phổ thông hiện nay là cân tỉ trọng và máy quang phổ đều bất lực khi xác định vàng độn vonfram.
Trên trang web bán vàng độn vonfram tại Trung Quốc, phương thức nhận biết được chính trang web chỉ ra, đó là nhúng vào nước cất hay cào bề mặt vàng bên ngoài. Tuy nhiên, cách thức này lại chỉ áp dụng được khi lớp vàng dát ngoài là rất mỏng. Còn với hàm lượng vàng cao hơn, theo các chuyên gia, cách duy nhất hiện nay là siêu âm, hình ảnh các vật liệu được độn trong vàng khi đó sẽ được hiển thị khá rõ.
Trần Hà
vtv
|