Giá vàng và câu trả lời về niềm tin
Ngay từ khi chỉ mới là ý tưởng, chính sách đối với vàng miếng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân vì mọi động thái của cơ quan quản lý nhà nước trong chuyện này liên quan trực tiếp đến đồng tiền bát gạo của họ, liên quan đến thói quen tích trữ và phòng ngừa rủi ro bằng vàng bấy lâu nay. Nhiều “tin đồn chính sách” đã xuất hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ miệng của một số người ít nhiều có dính dáng, ảnh hưởng đến việc làm chính sách hay từ sự diễn dịch trên cơ sở thiếu thông tin.
Nói là tin đồn vì ngay sau đó nó bị giới chức ngân hàng Nhà nước phủ nhận hay giải thích lại theo hướng an dân hơn. Dù vậy, một làn sóng hoang mang bị cơ quan quản lý nhà nước cho là không đáng có về quyền sở hữu, giao dịch vàng miếng hợp pháp của người dân, về số phận của vàng miếng phi SJC mà họ đang sở hữu sau khi SJC được chọn là thương hiệu độc quyền quốc gia, cũng đã diễn ra, mà đi kèm với nó là không ít phản ứng “cắt lỗ” vàng phi SJC một cách tiêu cực trên thị trường của giới kinh doanh và người dân.
Nếu như sự ra đời của nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức an dân với cam kết “quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật” thì quá trình thực thi quyết định “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”, cũng được quy định trong nghị định này mà ngân hàng Nhà nước đang chủ xị lại khiến dân khó có thể an.
Cho đến nay, chưa có thông tin chính thức về việc Nhà nước sẽ đảm bảo quyền sở hữu này về mặt giá trị như thế nào, chưa có thông tin về lộ trình, cách thức chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC ra sao, với chi phí hợp lý bao nhiêu. Chuyện ngân hàng Nhà nước vừa cho phép dập lại 13 tấn vàng SJC bị móp méo và vàng phi SJC của các tổ chức để tăng cường nguồn cung cho thị trường càng khiến người dân thắc mắc, lo lắng về số phận vàng phi SJC thuộc sở hữu tư nhân của họ.
Trước đây, khi chưa có nghị định 24, chênh lệch giá giữa vàng phi SJC và SJC chỉ vài chục ngàn thì hiện nay khoảng cách này đã tăng dần lên đến vài triệu đồng. Một sự chênh lệch mà mọi lời giải thích do quan hệ thị trường đều không thể thuyết phục, bởi lẽ, thị trường hiện nay đang bị ép ở cả phía cầu (người dân có khuynh hướng cầu vàng SJC vì biết theo quy định, trong tương lai thị trường chỉ còn vàng SJC) lẫn phía cung (Nhà nước độc quyền sản xuất vàng SJC). Trước đây, sự chênh lệch giá giữa vàng phi SJC và SJC, với giả định cùng chất lượng, được cho là do yếu tố thương hiệu thì nay cũng khó có thể đổ thừa cho cái gọi là thương hiệu được nữa vì đó không còn là thương hiệu trong cảm nhận của người tiêu dùng mà là thương hiệu bị Nhà nước ấn định.
Trong khi người dân đang phải gánh chịu những hệ quả của sự thay đổi chính sách đối với tài sản vàng miếng của mình như vậy, hãy thử nhìn lại những mục tiêu chính sách đã được đặt ra. Ngoài các mục tiêu vĩ mô khó có thể kiểm định trong thời gian ngắn như giành lại quyền kiểm soát về tiền tệ, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế, một mục tiêu khác vi mô hơn thường được nói trước khi nghị định này ra đời là bình ổn giá, chống đầu cơ. Nếu như mức độ chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới trên 400.000 đồng được xem là biểu hiện của đầu cơ, như nhận định của chính quan chức ngành ngân hàng, thì chúng ta lý giải như thế nào trước thực tế khoảng cách ấy, sau khi Nhà nước thành nhà độc quyền sản xuất, đang ở mức vài triệu đồng? Chúng ta phải định danh sự chênh lệch này là gì cho đúng với bản chất của nó nhất?
Có thể có nhiều cách giải thích khác nhau nhìn từ sự mất cân đối giữa cung và cầu vàng SJC, nhưng có thể thấy rằng dù đúng là việc cầu vàng SJC tăng đột biến như hiện nay chỉ có tính chất thời điểm, thì nguyên nhân của tính thời điểm đó phần lớn cũng do chính sách của ngân hàng Nhà nước.
Trong khi quá chậm trong việc xây dựng được đề án tổng thể huy động vàng trong dân để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, thay vì để chúng nằm chết một chỗ, thì đến 25.11.2012 này, theo lệnh của ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải ngừng huy động vàng, đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng phải đẩy mạnh mua vào vì kỳ hạn cho vay thường dài hơn kỳ hạn huy động. Hơn nữa, một khi đã quyết định độc quyền sản xuất vàng SJC thì đáng lẽ ngân hàng Nhà nước phải lường trước tình huống cầu tăng đột biến để có phương án cung không nhỏ giọt. Vì sao quyết định cho dập lại 13 tấn vàng sang SJC chỉ được đưa ra gần đây, khi cung – cầu SJC mất cân đối lớn đẩy giá SJC lên cao? Còn nhớ, trước nay rất lâu, nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng miếng phi SJC đã làm đơn xin được dập lượng vàng tồn kho rất lớn của họ sang vàng SJC.
Cũng phải nói thêm rằng sẽ bất công cho người dân nếu họ bán vàng phi SJC – không phải mục tiêu cắt lỗ hay tiêu dùng riêng, mà vì tình nguyện hưởng ứng trước lời kêu gọi của ngân hàng Nhà nước đưa vàng ra nền kinh tế – thì cái giá cho sự hưởng ứng ấy quá đắt – tới mấy triệu đồng chênh lệch so với vàng SJC.
Tin rằng không một chính sách nào trong bối cảnh hiện nay dám xâm phạm quyền tư hữu bất khả xâm phạm của người dân nếu cân nhắc đến tác động của nó. Cũng vì vậy, sẽ là rất nguy hiểm nếu chính sách được người dân diễn dịch theo chiều hướng này. Mục tiêu của chính sách phải tương thích với năng lực làm và thực thi chính sách. Nếu không, khoảng trống giữa chúng là mảnh đất màu mỡ cho những câu hỏi về động cơ đằng sau mà đi cùng với nó sẽ là câu trả lời về niềm tin đối với chính sách.
Thiết nghĩ, với thực tế những gì đang diễn ra, để không tiếp tục hoang mang, người giữ vàng phi SJC đang trông đợi thông điệp về lộ trình, chi phí hợp lý chuyển đổi sang vàng SJC. Còn mục tiêu về giá, làm sao để giá trong nước tiệm cận với giá thế giới là cách tiếp cận hợp với cái lý của thị trường nhất, mà giải pháp cho chuyện này hiện đã được nhiều chuyên gia kinh tế tài chính nêu ra một cách tương đối đồng thuận. Làm được những điều này, sẽ là cơ sở để huy động nguồn lực vàng trong dân cho sự phát triển kinh tế như mong muốn của Nhà nước.
Nguyên Lê
Sài gòn tiếp thị
|