Thứ Sáu, 21/09/2012 06:59

RỦI RO CHƠI SÀN VÀNG “ẢO” - BÀI CUỐI

Cần thiết lập sàn vàng quốc gia

Có sàn quốc gia sẽ giải được bài toán huy động vàng trong dân, liên thông với thị trường vàng thế giới, thu thuế, ổn định tỉ giá và giữ vững thị trường.

* Rủi ro chơi sàn vàng “ảo” - Bài 2: Mở sàn hốt bạc

* Rủi ro chơi sàn vàng “ảo” - Bài 1: Mê trận sàn vàng

Một thị trường vàng tài khoản lớn, ảnh hưởng đến cả thị trường ngoại hối nhưng chưa được kiểm soát chặt là điều khiến cho nhiều người băn khoăn.

Thời điểm tốt để mở sàn vàng

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng ra đời hồi tháng 4 không có chữ nào nhắc đến vấn đề quản lý kinh doanh vàng tài khoản. Thực tế, việc kinh doanh vàng tài khoản đã quá phổ biến và trước đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho nhiều NH thương mại thí điểm mở sàn vàng nhưng không hiệu quả. Trong khi đó, dù chưa được cho phép kinh doanh vàng tài khoản nhưng nhiều DN, tiệm vàng vẫn lén lút mở sàn và lôi kéo nhiều người tham gia. Công ty Vàng bạc đá quý SJC ước tính người dân Việt Nam đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng. Nhu cầu nhập khẩu vàng bình quân khoảng 60 tấn/năm.

Rõ ràng, nhu cầu lập một sàn vàng quốc gia là rất cần thiết.

“Đây là thời điểm tốt để mở sàn vàng quốc gia, nhất là khi tỉ giá ổn định” - TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định. “Sàn vàng là yếu tố cần thiết gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Chúng ta phải làm sao để giám sát được, giảm chi phí cũng như đảm bảo rủi ro về bất ổn vĩ mô, đảm bảo được quyền lợi của người đã cầm vàng và người sản xuất vàng trước khi có sàn vàng quốc gia”.

NHNN từng cho thí điểm mở sàn vàng nhưng do không có hành lang pháp lý và quy chế giao dịch rõ ràng nên các sàn vàng chết yểu. Trước đây nhà đầu tư vàng tài khoản thường khiếu nại vấn đề sập mạng, tỉ lệ ký quỹ khi giao dịch.
NHNN từng cho thí điểm mở sàn vàng nhưng do không có hành lang pháp lý và quy chế giao dịch rõ ràng nên các sàn vàng chết yểu. Trước đây nhà đầu tư vàng tài khoản thường khiếu nại vấn đề sập mạng, tỉ lệ ký quỹ khi giao dịch.

Còn TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: “Chừng nào sàn vàng quốc gia chưa được thiết lập, chưa có sân chơi chung thì thị trường vàng còn biến động. Mặc dù NHNN đã có nhiều biện pháp, tuy nhiên chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao. Việc mở sàn vàng quốc gia có lẽ là điều kiện tiên quyết để hệ thống hóa giao dịch vàng trong nền kinh tế”.

Một câu hỏi đặt ra là liệu sàn vàng có làm ảnh hưởng đến tỉ giá và bất ổn vĩ mô? Điều này được ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB), nói là hoàn toàn yên tâm. Có sàn vàng sẽ ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, hạn chế vàng lậu và thất thoát USD.

Thứ nhất, sàn vàng là mua bán vàng trên sàn, chắc chắn không phải dùng nhiều USD để nhập khẩu. Bởi thế yếu tố tỉ giá được loại bỏ. Thứ hai, hiện nay không có quốc gia nào người dân mua bán vàng vật chất như hiện nay, điều này càng nguy hiểm khi mấy năm gần đây tình trạng trộm vàng xảy ra nhiều. Do đó, nếu có sàn sẽ giúp thị trường ổn định hơn. Mặt khác, khi mở sàn vàng, chắc chắn có người chơi, lâu dần tạo thành thói quen và giảm giao dịch vàng vật chất. Bên cạnh đó, sàn vàng còn gián tiếp thu hút đầu tư từ nước ngoài vào.

Ích lợi đã rõ, vấn đề là làm sao quản lý được đối tượng tham gia, tỉ lệ ký quỹ, quy mô, dư nợ tín dụng tại sàn, xử lý vi phạm…

Phải có quy chế đi cùng

“Nếu chỉ nói vấn đề sàn vàng mà không xây dựng quy chế vàng cho toàn quốc thì không thực hiện được” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Theo ông Trần Thanh Hải (VGB), các sàn vàng trước đây đóng cửa vì thiếu kinh nghiệm, công cụ kỹ thuật, tỉ lệ ký quỹ chưa hợp lý. Cụ thể, khi muốn mua một lượng vàng, thay vì đóng 100% số tiền, khách hàng chỉ đóng 7%. Nếu giá vàng biến động mạnh trong đêm, khách hàng có thể mất hết. Còn ở Mỹ, lúc giá vàng biến động mạnh, họ yêu cầu tỉ lệ kỹ quỹ cao lên, có khi tăng lên 20%-30% để giảm rủi ro cho khách hàng. Trong một tháng có khi điều chỉnh tỉ lệ ký quỹ hai lần là bình thường.

Tỉ lệ ký quỹ quá thấp được TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá là rất dễ làm xảy ra loạn đầu cơ. Để tránh tình trạng này có thể tăng tỉ lệ ký quỹ lên 60%-80%.

Bên cạnh đó, vấn đề cơ quan nào quản lý thị trường vàng cũng cần được đặt ra. Hiện nay thị trường vàng được giao cho NHNN nhưng theo thông lệ quốc tế thì NH trung ương không quản lý vàng. Chẳng hạn tại Mỹ, NH trung ương chỉ quản lý thị trường ngoại hối. Họ thả nổi tất cả các đồng tiền và can thiệp khi cần thiết bằng cách mua ra bán vào. Thị trường vàng được giao cho Ủy ban Thị trường Hàng hóa quản lý.

“Ở các nước phát triển, vàng không phải là phương tiện thanh toán và không ai đem vàng đi mua nhà cả. Ở Việt Nam, đâu đó vàng vẫn còn chức năng thanh toán, thậm chí còn có thể chia nhỏ ra. Do đó chức năng quản lý vàng của Việt Nam cũng đặc thù hơn so với các nước khác nhưng đến cuối cùng thì vàng tuyệt đối không thể trở thành phương tiện thanh toán mà vẫn là một loại hàng hóa. NHNN là một vị chỉ huy, một nhà quản lý chính sách tiền tệ. Vàng không thể là tiền tệ mà phải được xem là hàng hóa. Theo tôi, NHNN chỉ nên quản lý vàng đến cuối năm 2020 vì thị trường vàng ba năm tới sẽ biến động dữ dội do ảnh hưởng từ các yếu tố của thế giới. Năm năm sau đó thị trường sẽ ổn định” - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Lách luật mở sàn vàng

Ngày 20-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết khoảng 2-3 tháng nay, do giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh nên nhiều công ty mở sàn vàng tài khoản thua lỗ. Đáng lưu ý trong các lần kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hầu hết công ty mở sàn vàng cho nhà đầu tư chơi qua tài khoản chỉ trưng ra được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng vật chất hoặc có đăng ký giao dịch qua đường truyền Internet. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết do không được cấp phép kinh doanh nên các công ty này tìm đủ cách hợp thức hóa hoạt động. Cách được áp dụng là ký hợp đồng với nhà đầu tư dưới dạng mua bán vàng vật chất, hợp tác kinh doanh hoặc tư vấn đầu tư qua mạng…

Mặt khác, một số công ty còn núp bóng Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (VNX) để kinh doanh sàn vàng. Bằng chứng là ngày 10-8, Công ty ĐP bị Sở VNX đình chỉ tư cách thành viên. Trước đó, nhà đầu tư đã kéo đến ĐP đòi tiền vì chơi vàng ở sàn này bị sập mạng. Sở VNX cũng đã đình chỉ tư cách thành viên môi giới của hai công ty TVT và BBG. Qua tìm hiểu thì thực chất hai công ty này cũng môi giới cho nhà đầu tư mở tài khoản chơi vàng.

M.THẢO


YÊN TRANG - MAI THẢO

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Giá giảm, người dân lại đi bán vàng (20/09/2012)

>   Tiết lộ về mỏ kim cương khổng lồ ở Nga (20/09/2012)

>   Rao bán công khai vàng miếng giả tại Trung Quốc (20/09/2012)

>   Bao giờ có chiến lược vàng? (20/09/2012)

>   Sốt vàng: lỗi tại ai? (20/09/2012)

>   'Dập đúc 13 tấn vàng để hạ nhiệt giá cả' (20/09/2012)

>   Lực bán tăng mạnh, giá vàng tuột mốc 47 triệu đồng/lượng (20/09/2012)

>   Vàng giao ngay còn cách 10 USD/oz so mức đỉnh 2012 (20/09/2012)

>   Rủi ro chơi sàn vàng “ảo” - Bài 2: Mở sàn hốt bạc (20/09/2012)

>   Bắt chẹt khách hàng: Muốn bán vàng phải có hóa đơn! (19/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật