Vẫn còn dư địa hạ lãi suất
Với mức lạm phát từ đầu năm đến nay, người gửi tiền đang có lãi suất thực dương và khả năng tiếp tục giảm lãi suất là hoàn toàn khả thi.
Ông Trần Thanh Quang, Phó tổng giám đốc OceanBank cho rằng, hiện nhiều ngân hàng đang có những chương trình ưu đãi với mức lãi suất cho vay tương đương lãi suất huy động. Ví dụ từ ngày 11/9 đến 11/10/2012, OceanBank triển khai chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay xuống 9%/năm đối với tất cả các khoản vay dành cho công chức vay mua ôtô tại các công ty thuộc Câu lạc bộ VNR500, vay mua xe máy đối với sinh viên và vay du học. 100 khách hàng cá nhân đầu tiên vay tại OceanBank sẽ nhận được mức lãi suất ưu đãi 9%/năm cố định trong 3 tháng đầu tính từ ngày nhận nợ đầu tiên của khoản vay. Bên cạnh đó, OceanBank vẫn tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi lãi suất cho vay VND chỉ còn 12%/năm đối với hộ kinh doanh và khách hàng DN trên toàn hệ thống.
“Việc tiếp tục hạ lãi suất huy động để qua đó hạ lãi suất cho vay là nên làm để giúp các DN và cả nền kinh tế có cơ hội tiếp cận đồng vốn rẻ hơn. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là có thể hạ đến mức nào để không gây căng thẳng thanh khoản cho ngân hàng”, phó tổng giám đốc một NHTM đặt vấn đề.
Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo cao cấp của VIB phân tích, thông thường lãi suất thực dương = lãi suất danh nghĩa - lạm phát cùng kỳ năm nay so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hiện tại người gửi tiền đã nhận được lãi suất thực dương vào khoảng 4%. Đó là chưa kể, nếu trừ đi lạm phát lũy kế tính theo tiêu chuẩn Việt Nam là 2,86% thì lãi suất thực dương hiện còn cao hơn. Do đó, nếu giảm lãi suất huy động xuống còn khoảng 8%/năm cũng là điều hợp lý.
“Tổng cầu đang suy giảm, một lượng lớn DN làm ăn thua lỗ, nên cần hướng đến một mức lãi suất có thể cân bằng lợi ích của người gửi tiền và vay tiền trong tổng hòa nền kinh tế”, vị lãnh đạo trên nói.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2012 và triển vọng 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chỉ số lạm phát tiếp tục được kiểm soát khá tốt. Sau tháng 6 và 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm tương ứng 0,26% và 0,29%, CPI tháng 8 tăng 0,63% so với tháng 7. Tuy nhiên, tính cả 8 tháng, CPI mới chỉ tăng 2,86% so với đầu năm.
Bên cạnh đó, lạm phát lõi loại trừ yếu tố mùa vụ ổn định hơn nhiều so với những năm trước. Tiền cơ sở từ (MB) đầu năm cho đến nay được giữ ở mức ổn định khi mà tính đến 20/8 chỉ tăng hơn 7% so với đầu năm, giúp cho tốc độ tăng trưởng cung tiền (M2) duy trì ở mức hợp lý, khoảng 8,7% so với đầu năm, gần tương đương với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cộng với mức tăng lạm phát. Điều này đã giúp cho lạm phát lõi trong năm 2012 khá ổn định, biểu hiện là sau khi giảm mạnh từ mức gần 13% vào tháng 8/2011, lạm phát lõi so với cùng kỳ năm trước hiện đang ổn định quanh mức 8% trong 3 tháng qua.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, tổng cầu những tháng cuối năm sẽ cao hơn những tháng đầu năm do hiệu ứng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phần nào được nới lỏng. Cụ thể, CPI tháng 6 giảm -0,26 % so với tháng 5, CPI tháng 7 giảm -0,29% so với tháng 6, nhưng lạm phát lõi của 2 tháng 6 và 7 vẫn có mức tăng tương ứng là 0,1% 0,6% so với tháng 5 và tháng 6, lạm phát lõi tháng 8 tiếp tục tăng 0,65% so với tháng 7.
“Với mức tăng giá các mặt hàng đầu vào như hiện nay, có khả năng CPI trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục mức tăng bằng hoặc cao hơn mức tăng CPI tháng 8”, TS. Hiếu nhận định.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phân tích, dưới áp lực của xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm trên thế giới và tác động của lạm phát nhập khẩu từ Trung Quốc, kết hợp với khả năng lạm phát có thể tăng cao khi vào mùa khai trường trong tháng 9; yếu tố thời vụ vào những tháng còn lại của năm; tác động của lạm phát chi phí đẩy do tăng giá xăng dầu…, CPI ước tính sẽ tăng khoảng 1%/tháng từ nay đến cuối năm. Như vậy, lạm phát cả năm nay sẽ vào khoảng xấp xỉ 7%.
“Với công thức: lãi suất huy động ngoại tệ + lạm phát - mất giá đồng USD (lạm phát tại Mỹ) = lãi suất huy động VND, bài toán sẽ là 2% + 7% - 2% = 7%. Như vậy, lãi suất huy động có thể hạ xuống thêm 1%/năm so với mức hiện tại”, TS. Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, không phải lúc nào lãi suất cũng cần thực dương. “Tại Mỹ, hiện tại lãi suất tiền gửi thấp hơn so với lạm phát. Còn ở Việt Nam, lãi suất tiền gửi hạ thấp xuống ngang bằng tỷ lệ lạm phát cũng là điều nên làm nếu hạ lãi suất tạo điều kiện cho tăng trưởng trở lại”, ông Hiếu nói.
Hồng Dung
đầu tư chứng khoán
|