Rủi ro đạo đức: 'Bệnh ung thư' của ngân hàng
Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, nhạy cảm, gắn chặt với tiền, và luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Trong các vấn đề rủi ro, dường như rủi ro đạo đức đang là một nguy cơ ngày càng lớn đối với các ngân hàng. Chủ quan rủi ro này, ngân hàng đang đùa với bệnh ung thư.
Ranh giới mong manh
Gần đây, khi vụ án ở Công ty ALC II thuộc (Agribank) bị phanh phui. Bên cạnh con số thiệt hại lên đến hơn 500 tỷ đồng thì điều làm mọi người bất ngờ nhất là các quan chức ở DN này đã thể hiện “tài năng đặc biệt” trong nâng khống giá tài sản lên đến cả ngàn lần khi định giá và cho vay.
Trước đó, cũng tại Agribank, tháng 5/2012, cơ quan công an cũng đã khởi tố, bắt giam nguyên Giám đốc, Trưởng, Phó Phòng Tín dụng CN Hồng Hà khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký khống 8 bảo lãnh không hồ sơ, không hạch toán, không thu phí.
Theo số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, năm 2011, các cơ quan pháp luật của thành phố đã xử lý 22 vụ tham nhũng thì có tới 10 vụ liên quan đến các cán bộ ngân hàng, khởi tố 27 bị can là nhân viên các nhà băng.
Theo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, cơ quan này đã xử lý 69 vụ, khởi tố 40 vụ, khởi tố bị can 70 cán bộ ngân hàng, thiệt hại 8.000 tỷ, thu hồi được có 2.000 tỷ.
Đây là những ví dụ về rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng. Mà bất cứ ngân hàng lớn nhỏ nào cũng đều có thể vấp phải và sẽ gánh chịu những tổn thất lớn nếu chủ quan “căn bệnh ung thư” này
Trước đây, khi nhắc tới tiêu cực, bộ phận hay bị để ý nhất là tín dụng. Đây là những cán bộ trực tiếp làm việc với khách hàng, thẩm định hồ sơ, ra phán quyết tín dụng… Điều này có thể chứng minh khi những thông tin khởi tố các cán bộ quản lý, cán bộ tín dụng các ngân hàng liên tục trên các mặt báo vì những hành vi sai phạm của mình. Các hành vi phổ biến như thiếu trách nhiệm trong thẩm định, cấu kết với khách hàng, ăn chia hoa hồng trên số tiền vay được, liên kết với nhau để vay mượn lòng vòng, thậm chí là vay ké của khách hàng…
Trên lý thuyết, rủi ro đạo đức gồm rủi ro đạo đức của nhân viên và cả rủi ro đạo đức của khách hàng. Không loại trừ có những khách hàng xấu cố tình lừa đảo, làm giả giấy tờ để lừa đảo ngân hàng. Những vụ lừa đảo rất nghiêm trọng như Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng gây thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ. Rõ ràng, trong nhiều vụ lừa đảo, đồng thời khởi tố bị can đối với kẻ lừa đảo là khởi tố đối với các nhân viên ngân hàng.
Đây chính là dấu hiệu cấu kết, liên minh là có, rủi ro đạo đức của khách hàng và của nhân viên là đi liền với nhau.
Tình trạng này là hệ quả của việc làm ăn theo quan hệ. Một chuyên viên tín dụng lâu năm đã từng tâm sự, có lẽ do mối quan hệ và chủ quan mới dẫn đến việc như Giám đốc chi nhánh Agrinbank Hồng Hà sẵn sàng ký khống bảo lãnh lên đến cả trăm tỷ, Giám đốc Agribank Tân Bình vẫn thoải mái đồng ý phát vay dù không khó để biết khách hàng không có năng lực tài chính, không có tài sản đảm bảo nếu áp dụng đúng các quy trình nghiệp vụ.
Tuy nhiên, các rủi ro đạo đức không chỉ xảy ra với cán bộ tín dụng mà có thể ở các bộ phận nghiệp vụ khác của ngân hàng, thậm chí là giao dịch viên, thủ quỹ. Các hình thức quen thuộc vẫn là lập khống, tất toán khống sổ tích kiệm của khách, cạo sửa sổ tiết kiệm, cầm cố khống các giấy tờ giả.
Chính vì thế, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh: “Ngân hàng là ngành nghề kinh doanh gắn chặt với tiền, rất nhiều tiền nên bị các vấn đề đạo đức bủa vây là hiển nhiên. Mấu chốt của vấn đề là kiểm soát, kiềm chế thế nào các vấn đề này thôi. Tuy nhiên, đây là chuyện không dễ nhất là khi các ngân hàng Việt Nam còn yếu kém về kiểm soát, chủ quan và dễ dãi trong quản lý”.
Một hiện tượng nữa cũng đáng quan tâm là thời gian vừa qua, rất nhiều cán bộ ngân hàng đã rơi vào cảnh vỡ nợ do vay mượn ở bên ngoài, như Nguyễn Hữu Giang của SeABank Hải Phòng, Võ Hoàng Nhật, nhân viên SHB Kiên Giang…
Những năm vừa qua, ngành ngân hàng làm ăn tốt và các nhân viên được tiếng là thu nhập cao, thưởng tốt, đặc biệt là giới lãnh đạo. Đây là uy tín ngầm và nhiều khi được sử dụng, tạo sự tin tưởng để đi vay tiền.
Qua các vụ việc rủi ro đạo đức này cũng mới thấy công tác quản lý con người, tuyển dụng nhân sự, công tác hành chính, quản lý giấy tờ, quản lý con dấu… của các ngân hàng, đặc biệt là các cấp chi nhánh, phòng giao dịch cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập…
Mấu chốt là vấn đề con người
Một chuyên gia từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nói: Vấn đề rủi ro đạo đức của khối ngân hàng đã đến mức cần cảnh báo.
Theo đó, muốn làm tốt công tác quản trị rủi ro thì cần phải tìm ra được những điểm yếu trong quy trình hệ thống. Rất nhiều ngân hàng đã bắt đầu công cuộc tái cơ cấu, nhưng vấn đề các ngân hàng quan tâm là đi tìm mô hình tổ chức hợp lý cho mình, tổ chức, sắp xếp lại… Nhưng khi xét đi xét lại, nhiều ngân hàng thành lập gần 20 năm mà quy định nội bộ gần như không có gì, hoặc có thì rất chung chung.
“Có khi, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh. Thực tế này cộng với các quy định nội bộ lờ mờ thì rất dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi”.
Trong khi đó, cơ chế kiểm soát tín dụng của nhiều ngân hàng đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Trong những năm qua, các ngân hàng đều phát triển nóng với các đơn vị kinh doanh (chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm) trải dài trên cả nước dẫn đến sự phân tán nhất định của các nguồn lực. Đặc biệt là sự phân tán thẩm quyền phán quyết tín dụng. Theo đó, việc giao quyền cho các giám đốc chi nhánh quá lớn còn hội sở ở xa, quy định nội bộ lờ mờ, công tác quản lý giấy tờ, con dấu thiếu chuẩn chỉnh, chặt chẽ thống nhất… rất dễ dẫn đến các vấn đề rủi ro đạo đức.
Hiện nay, mới chỉ vài ngân hàng đã áp dụng được công tác quản lý tín dụng tập trung. Trong đó, hội sở kiểm soát chặt chẽ được các hồ sơ tín dụng, lực lượng kiểm soát tín dụng được trao thực quyền, tổ chức tốt và đặc biệt là được nắm quyền hạch toán giải ngân nên đã hạn chế được nhiều rủi ro đạo đức.
Ngoài ra, vấn đề nhân sự của các ngân hàng cũng rất đang quan tâm, nhất là bộ phận tín dụng và bộ phận tái thẩm định. Các cán bộ tín dụng hàng năm đều được bổ sung từ nguồn sinh viên mới tốt nghiệp. Nhiều khi, các sinh viên này trực tiếp được giao nhiệm vụ làm cán bộ tín dụng duy nhất của 1 PGD. Đương nhiên, một người không thể ảnh hưởng đến cả quyết định cho vay vì còn rất nhiều bộ phận đi kèm nhưng các cán bộ tín dụng này rất dễ thành “máy ký” dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo PGD. Đây cũng là rủi ro cần thấy, và trên thực tế là có xảy ra.
Bộ phận tái thẩm định của các ngân hàng cũng cần được củng cố. Có chi nhánh ngân hàng đã tuyển cả người mới tốt nghiệp đại học, chưa kinh qua công tác tín dụng, tái thẩm định để làm công tác này với khẩu hiệu “đào tạo từ từ”. Thiết nghĩ, các bộ phận như tái thẩm định thì cần phải có những người xuất sắc, chứ không phải có kinh nghiệm là đủ.
Rủi ro đạo đức là điều không thể tránh khỏi. Nhưng, vấn đề là phải làm sao để quản trị tốt, giảm thiểu những rủi ro này. Đây cũng là một câu hỏi lớn dành cho các ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc sắp tới, cũng nhưng quá trình vận hành ngân hàng sau tái cấu trúc sau này.
Trần Anh Tuấn
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|