Xếp hạng ngân hàng: Không vì nhạy cảm mà né đánh giá
Ngay sau khi tổ chức rầm rộ lễ công bố bảng xếp hạng các ngân hàng, công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (SRV) đã vội vàng nhận thiếu sót về việc này trước phản ứng của các ngân hàng thương mại cũng như ngân hàng Nhà nước.
* CRV nhận thiếu sót khi xếp hạng ngân hàng
Chưa tính đến đặc thù
Cụ thể, chiều 10.9, hội đồng khoa học công ty CRV đã thừa nhận thiếu sót về báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012 (CRV Index) với nghiên cứu xếp hạng năng lực cạnh tranh các ngân hàng thương mại. Thư ngỏ của ban biên soạn – nhóm tác giả thừa nhận: “Do các nguyên nhân chủ quan và khách quan trong điều kiện thực tế, nghiên cứu không thể tránh khỏi những thiếu sót”. Nhóm tác giả lý giải: “Chúng tôi nhận thấy nghiên cứu này còn có những điểm chưa hoàn thiện và chưa phản ánh đúng tình hình thực tế về năng lực cạnh tranh của các ngân hàng đã được đánh giá. Chúng tôi đã áp dụng những phương pháp đánh giá của thế giới vào điều kiện Việt Nam mà chưa tính đến đặc thù của thị trường tài chính ngân hàng trong nước. Đây là thiếu sót của ban biên soạn và hội đồng khoa học của CRV Index.
Trước đó đại diện ngân hàng Nhà nước cho rằng, xếp hạng phải rất thận trọng, nhất là đối với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng. Trong khi đó, phương pháp đánh giá của CRV, lại chỉ dựa vào báo cáo tài chính là chưa đầy đủ. Theo đó, CRV phải có trách nhiệm giải trình về nghiên cứu của mình.
Sự phản ứng của các ngân hàng, ngoài chuyện CRV không hề làm việc trong quá trình tổ chức nghiên cứu, đánh giá; tiêu chí đánh giá chưa rõ ràng; phương pháp thực hiện chưa tin cậy…, còn có lý do kết quả công bố khác với bảng xếp hạng tín dụng của trung tâm Thông tin tín dụng NHNN, cũng như kết quả phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN hồi đầu năm vừa qua. Song nếu mục tiêu xếp hạng khác nhau, thì việc kết quả khác nhau cũng là điều dễ hiểu.
Tuy báo cáo chỉ tập trung vào phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, song lãnh đạo một số ngân hàng cũng lo ngại, thông tin công bố ít nhiều cũng sẽ tác động đến thị trường này, nhất là những ngân hàng bị xếp thứ hạng thấp về năng lực. Đại diện của Maritime Bank cho biết, việc xếp hạng chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp là một công cụ cần thiết, giúp minh bạch thông tin đối với các khách hàng. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ đáng tin cậy khi tổ chức đánh giá là một đơn vị có uy tín, đủ nghiệp vụ và chức năng, đủ thông tin và đưa ra được các tiêu chí toàn diện và phù hợp. Nếu không hội tụ đủ các yếu tố này, chỉ số được đưa ra có thể nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tới tâm lý của khách hàng cũng như quyền lợi của những doanh nghiệp được đánh giá.
Quyền đánh giá đến đâu?
Một chuyên gia từng làm việc tại phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), có kinh nghiệm thực hiện các điều tra như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho rằng, tất cả các bên liên quan đều cần thận trọng, phân tích và xử lý vấn đề trên cơ sở khoa học. Liên quan đến báo cáo của CRV, theo chuyên gia này, đơn vị thực hiện đúng với đăng ký kinh doanh (đã được cấp phép chức năng nghiên cứu, đánh giá); chưa có bằng chứng nào về việc họ có động cơ sai lệch trong kết quả nghiên cứu; số liệu nghiên cứu là chính thức (báo cáo công khai của các ngân hàng). Còn về phương pháp thực hiện, nếu NHNN hay các ngân hàng thương mại cho rằng sai, thì cần phải chứng minh bằng số liệu, bằng luận cứ khoa học…
Một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, cách phản ứng tích cực nhất của các ngân hàng bị xếp hạng yếu kém, là có phương án xử lý tình huống khi thị trường phản ứng bằng cách truyền thông kịp thời, chính xác; chuẩn bị nguồn lực để ứng phó và tiếp tục hoàn thiện chất lượng hoạt động.
“Tôi ủng hộ việc đa dạng các kênh đánh giá tín nhiệm, kể cả đối với lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng cũng không thể tự cho mình là lĩnh vực nhạy cảm để né tránh cung cấp thông tin, hạn chế đánh giá. Ai cũng có quyền đánh giá, nhưng phải đúng chức năng, đồng thời phải chịu trách nhiệm về đánh giá đó”, chuyên gia đề nghị giấu tên cho biết.
Thảo Nguyễn
Sài gòn tiếp thị
|