Thứ Ba, 11/09/2012 10:59

Không chủ quan với thanh khoản cuối năm

Sức cầu chưa được cải thiện nhiều, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp không lớn cùng với sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn của NHNN là những yếu tố chính giúp cho lo ngại về thanh khoản giảm đi đáng kể.

So với tình hình năm 2011 cũng như những năm trước đây, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cho đến thời điểm này của năm 2012 có sự cải thiện rõ rệt: Lãi suất huy động, cho vay và các lãi suất chính sách đều giảm xuống mạnh mẽ; tăng trưởng tín dụng (TTTD) đến hết tháng 8 chỉ gần 2% trong khi tăng trưởng huy động tăng trên 10%; lãi suất cho vay các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mặc dù NHNN đã cho phép các NHTM tự thoả thuận với khách hàng, song cũng không có hiện tượng bùng phát mạnh mẽ mà chỉ nằm trong mức 11% đến 12%... Những dấu hiệu đó cho thấy, vấn đề căng thẳng thanh khoản – vốn được nhiều chuyên gia kinh tế coi là “căn bệnh mãn tính” của hệ thống ngân hàng trong nhiều năm trước đây – sẽ khó có cơ hội bùng phát trở lại trong năm nay.

Theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng, các nguyên nhân gây căng thẳng thanh khoản trước đây như TTTD cao hơn tăng trưởng huy động; nhiều ngân hàng không tuân thủ nghiêm các quy định về rủi ro thanh khoản của NHNN; rủi ro kỳ hạn (huy động ngắn hạn cho vay trung – dài hạn)… đều khó có khả năng lặp lại và gây căng thẳng thanh khoản như những năm trước đây. Sức cầu chưa được cải thiện nhiều, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp (DN) không lớn cùng với sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn của NHNN là những yếu tố chính giúp cho lo ngại về thanh khoản giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy căng thẳng thanh khoản thường xuất hiện vào dịp cuối năm khi nhu cầu về tiền của các DN thường tăng mạnh để thanh toán các khoản công nợ, chi trả lương thưởng cho nhân viên, nhập khẩu hàng hoá đầu vào phục vụ sản xuất và tích trữ hàng hoá phục vụ cho lễ tết… Cùng với đó, việc các ngân hàng sau những quý “đủng đỉnh” đầu năm thường có xu hướng thúc mạnh TTTD vào cuối năm để đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế cũng khiến áp lực thanh khoản tăng lên. Trong khi đó lượng tiền gửi thường giảm vào dịp này do người dân rút bớt ra phục vụ các nhu cầu như lễ tết, cưới hỏi… Vì vậy, dù không quá quan ngại về thanh khoản như những năm trước song cũng không thể chủ quan là vấn đề thanh khoản không còn khả năng nóng trở lại.

Theo các chuyên gia kinh tế, xét riêng trong năm nay, các yếu tố có thể khiến thanh khoản “căng” sẽ không nhiều và lớn như những năm trước. Nếu có, sẽ tập trung ở một số nguyên nhân như: yếu tố về mùa vụ (cuối năm); rủi ro kỳ hạn; sự tồn tại chưa giải quyết dứt điểm được các ngân hàng yếu; rủi ro lan truyền do tâm lý hay nợ xấu trong hệ thống có chiều hướng tăng cao…

Trong đó, yếu tố mùa vụ không đáng quan ngại lắm vì sức cầu yếu và những lý do như đã phân tích ở trên. Rủi ro đẩy lãi suất huy động lên cao ở một số NHTM cũng vẫn còn vì chưa giải quyết triệt để các ngân hàng yếu kém. Cùng với đó là rủi ro về tâm lý khiến người dân rút tiền gửi ra nếu có những vụ việc tương tự như vụ bắt giữ “bầu” Kiên vừa qua cũng không thể loại trừ. Tuy nhiên, các rủi ro này không lớn nếu NHNN tiếp tục các biện pháp quyết liệt để giám sát và xử lý.

Nhìn nhận dưới góc độ khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể khiến rủi ro thanh khoản tăng vào dịp cuối năm là vấn đề nợ xấu. “8 tháng của đầu năm 2012 thì các DN suy yếu nhiều và nợ xấu trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn những năm trước. Nợ xấu tăng nhanh ở một số ngân hàng yếu kém khiến nhu cầu về thanh khoản của họ tăng theo. Và khi một phân khúc của thị trường (ý nói các ngân hàng yếu kém) bị suy yếu đi thì có thể sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống” - TS. Hiếu nhìn nhận.

Song hành với đó là rủi ro về kỳ hạn. Việc nhiều ngân hàng huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vượt quá quy định tuy không phải và vấn đề mới nhưng tiếp tục là nguyên nhân có thể gây rủi ro thanh khoản trong năm nay. Vì vậy theo TS. Lực, quy định chỉ cho phép tối đa 30% vốn ngắn hạn tài trợ cho vay trung và dài hạn vẫn cần thiết được duy trì. Cùng với đó, việc thanh tra, giám sát chặt chẽ hơn của NHNN đối với vấn đề này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thanh khoản do yếu tố kỳ hạn gây nên.

Để chắc chắn rủi ro thanh khoản không trở lại, ngoài các nỗ lực của NHNN thì các NHTM cần nỗ lực chung tay. Theo đó, bên cạnh chấp hành nghiêm các quy định hiện hành thì việc có kịch bản đối phó với rủi ro thanh khoản là rất cần thiết. TS. Hiếu gợi ý, các ngân hàng nên xây dựng các kế hoạch xử lý trong các trường hợp như nếu vốn huy động có thể giảm 5%; 10%; 20%... thì sẽ “trám” lỗ hổng đó ra sao, các nguồn có thể khai thác để bù đắp như thế nào. Việc đưa ra các kịch bản và kế hoạch càng chi tiết, cụ thể bao nhiêu thì khả năng đối phó và quản lý rủi ro thanh khoản sẽ càng tốt bấy nhiêu.

Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Bất thường lãi suất (11/09/2012)

>   CRV nhận thiếu sót khi xếp hạng ngân hàng (11/09/2012)

>   Lãi suất hạ đã bắt đầu phát huy tác dụng (11/09/2012)

>   Sacombank tung gói cho vay ưu đãi nhập khẩu trị giá 500 tỷ đồng (10/09/2012)

>   Xác định lãi suất nợ quá hạn (10/09/2012)

>   BIDV nợ xấu 3.29% tính đến 30/06, lãi ròng 1,778 tỷ đồng (10/09/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước bơm ròng vốn trên OMO (10/09/2012)

>   Ham hố đầu tư ngân hàng: Rủi ro sở hữu chéo (10/09/2012)

>   Ngân hàng vẫn "nắm đằng chuôi” khi giảm lãi suất (09/09/2012)

>   Bí thư Đà Nẵng 'nắn gân' ngân hàng (08/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật