Thứ Tư, 05/09/2012 20:48

Tỷ lệ huy động thuế và phí tại Việt Nam có cao?

Câu hỏi này đã được giải đáp tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2012, diễn ra chiều 5/9.

Trước thông tin từ bản Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 ( được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), được một số cơ quan báo chí trích dẫn , cho rằng tỷ lệ thu thuế trên GDP ở Việt Nam hiện nay là cao dẫn đến hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm khả năng đầu tư... của khu vực tư nhân, khuyến khích gian lận thuế như hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ huy động thuế, phí ở mức trung bình trên thế giới và bà đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể cho nhận định này.

Theo đó, việc so sánh tỷ lệ thuế, phí trên GDP giữa các nước cần phải trên cơ sở "đồng chất, đồng nội dung".

“Số liệu của các nước về thu tính trên GDP không bao gồm số thu từ dầu thô, không bao gồm số thu từ tiền sử dụng đất. Điều quan trọng nữa là ở các nước, chỉ tính số thu của ngân sách trung ương, không tính số thu từ địa phương. Chẳng hạn như Trung Quốc có hai hệ thống thu trung ương và thu địa phương. Đối với Việt Nam, cách tính là tổng thể, bao gồm cả thu ngân sách trung ương và địa phương”, bà Mai cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sau khi loại trừ phần thu từ dầu thô và tiền sử dụng đất để tính như các nước, thì huy động trên GDP của Việt Nam trong 20 năm qua khoảng từ 12 - 14%.

“Như vậy, so với tỷ lệ động viên của các nước, Việt Nam nằm trong số các nước trung bình thấp”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Thường xuyên giảm dần nghĩa vụ thuế

Thứ trưởng Mai cũng đưa ra số liệu cụ thể của các sắc thuế chính làm dẫn chứng.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, từ năm 1999 đến nay, thuế suất liên tục được điều chỉnh giảm. Thuế suất từ 32%/năm đã được điều chỉnh giảm xuống 28% vào năm 2004, còn 25% từ 2009. Hiện nay, ngoài thuế suất phổ thông 25%, còn có thuế suất ưu đãi 10% và 20% tùy theo địa phương, lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư. Bình quân thuế suất chung của thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam là 16,32%.

So với các nước, thì bình quân thuế thu nhập doanh nghiệp của 83 nước trên thế giới khoảng 27%. Trong khu vực, thì Philippines, Thái Lan thuế suất bình quân chung là 30%, Trung Quốc, Malaysia 25%.

Đối với thuế giá trị gia tăng, hiện có 2 mức thuế suất là 5% và 10%. Thống kê 112 nước trên thế giới cho thấy, có 88 nước có thuế suất từ 12-25%, còn lại 24 nước phổ biến 10%. Các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia có thuế suất 10%, Trung Quốc có hai mức thuế suất là 17% và 15%. Trước đây, Việt Nam cũng có thuế suất 20%, nhưng đã được bãi bỏ từ năm 2004.

Giai đoạn 2001 - 2008, thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từ 10 - 60%, đến năm 2004 giảm xuống còn từ 10 - 40%. Bên cạnh đó, theo luật hiện hành, từ năm 2009, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng cho người nộp thuế, giảm trừ 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc. Hiện nay Bộ Tài chính đang trình Quốc hội thông qua theo hướng tăng mức giảm trừ.

Ngoài ra, các sắc thuế khác như thuế xuất nhập khẩu hàng năm đều được giảm theo lộ trình cam kết gia nhập WTO cũng như theo các hiệp định về thuế mà Việt Nam tham gia.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân, nhiều khoản thu được miễn, giảm. Từ năm 2003 - 2020 đã miễn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn thu thủy lợi phí.

Về thu phí, lệ phí, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã rà soát, bãi bỏ trên 340 loại.

“Tóm lại, từ năm 2003 đến nay chúng ta đã thường xuyên giảm dần nghĩa vụ về thuế, tạo điều kiện khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển” Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong Chiến lược phát triển, cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế đến năm 2020 mà Thủ tướng đã phê duyện cũng đã khẳng định sẽ giảm tỷ lệ động viên về thuế/ đơn vị hàng hóa.

Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cũng cho biết bản Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” là báo cáo thường niên, và ngay trong lời tựa đã nói rõ, các đánh giá trong báo cáo là quan điểm riêng của tác giả. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí khi phản ánh thông tin cần hết sức thận trọng, trích dẫn đầy đủ.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng khẳng định việc xây dựng mức thuế suất, phí đều được Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội thảo luận, thẩm định kỹ càng, có tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, tham khảo số liệu của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Xuân Tuyến

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Petrolimex đứng đầu nợ thuế xăng dầu (05/09/2012)

>   Đề nghị giảm thuế xuất khẩu và tăng giá bán than (05/09/2012)

>   Lo "giảm thuế xăng dầu căng thẳng thu ngân sách" là thừa? (05/09/2012)

>   Oằn vai thuế thu nhập cá nhân (05/09/2012)

>   Người dân nặng gánh thuế, phí cao chót vót (04/09/2012)

>   “Cần cân nhắc kỹ việc hạ thuế nhập khẩu xăng, dầu” (02/09/2012)

>   Giảm thuế xăng không ảnh hưởng tới ngân sách (01/09/2012)

>   Chấn chỉnh việc thông tin báo cáo thuế (31/08/2012)

>   Doanh nghiệp gian lận bằng 'hai sổ sách' (31/08/2012)

>   Vâng, chúng tôi sẽ nói thật! (30/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật